Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị dựa vào khoa học công nghệ và chuyển đổi số
Thứ sáu: 08:26 ngày 31/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp bền vững theo chiều sâu, nâng cao giá trị, năng suất lao động dựa vào khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Đoàn Thanh niên hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 ngành NN&PTNT diễn ra vào sáng 29.12. Dự tại điểm cầu tỉnh có Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến.

Nông nghiệp là điểm sáng, trụ đỡ của nền kinh tế

Năm 2021, ngành NN&PTNT thực hiện phương châm thích ứng linh hoạt, tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Toàn ngành đã vượt qua thách thức, khó khăn của đại dịch Covid-19, khai thông thị trường xuất nhập khẩu; môi trường đầu tư được cải thiện, sức cạnh tranh quốc gia của nông sản có nhiều tiến bộ; hầu hết các chỉ tiêu đạt hoặc vượt kế hoạch.

Giá trị gia tăng toàn ngành năm 2021 ước tăng khoảng 2,85% - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thuỷ sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục, dự kiến đạt 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Tiếp tục có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (thêm 1 mặt hàng là thức ăn gia súc và nguyên liệu), trong đó, 6 mặt hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su) có kim ngạch trên 3 tỷ USD.

Trong năm, Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thuỷ sản để đạt “mục tiêu kép”.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, Ban cán sự Đảng bộ ban hành nghị quyết và Bộ ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện. Đã tổ chức nhiều hội nghị/diễn đàn trực tiếp, trực tuyến để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề cấp bách của ngành và rà soát kịch bản tăng trưởng để điều chỉnh thích ứng tình hình mới, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bộ thành lập, tổ chức hoạt động hiệu quả hai tổ công tác đặc biệt chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 khu vực phía Nam và phía Bắc; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển, phân phối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giảm thiểu đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản; tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước và phục vụ xuất khẩu trước tác động của dịch bệnh Covid-19.

Ngành cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực (gạo, trái cây, thuỷ sản, gỗ...) và tại các thị trường trọng điểm; các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa được đẩy mạnh, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi giá trị nông sản.

Năm 2022, ngành NN&PTNT phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng toàn ngành từ 2,8%-2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2,9%-3%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 49 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp...

Đối với Tây Ninh, tình hình sản xuất nông lâm thuỷ sản năm 2021 tương đối ổn định, tốc độ tăng trưởng ngành duy trì ở mức khá. Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 102 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với năm 2020.

Chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học, hiệu quả thấp sang quy mô trang trại, an toàn sinh học. Toàn tỉnh có hơn 610 trang trại gia súc với tổng đàn trên 192.000 con, 112 trang trại gia cầm với tổng đàn 5,6 triệu con, có 62 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt trên 11.400 tấn, khai thác thuỷ sản đạt trên 2.200 tấn. Tỉnh cơ bản kiểm soát, xử lý tốt một số dịch bệnh nguy hại trên vật nuôi, không để lây lan trên diện rộng.

Năm 2021, Tây Ninh hoàn thành hồ sơ trình Bộ NN&PTNT xét công nhận thành phố Tây Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ước có 55/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 77,5%, bình quân mỗi xã đạt 17,8 tiêu chí, tăng 0,8 tiêu chí, trong đó có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; UBND tỉnh công nhận 18 sản phẩm OCOP (3 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 15 sản phẩm đạt hạng 3 sao).

Các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương kết quả mà toàn ngành NN&PTNT đạt được trong năm 2021. Trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ngành NN&PTNT vượt khó, có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước, vị trí và tầm quan trọng của ngành nông nghiệp được nâng lên.

Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng- nhất là kinh tế biển phát triển chưa bền vững, chưa áp dụng nhiều khoa học công nghệ và chuyển đổi số; thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, vẫn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống; công tác dự báo hạn chế; đời sống của một bộ phận người dân ở khu vực nông thôn còn khó khăn…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành cần đánh giá, phân tích những hạn chế này để có hướng tháo gỡ trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Theo đó, năm 2022, ngành cần đặt mục tiêu cao hơn, tăng trưởng từ 3% trở lên, xuất khẩu cao hơn năm 2021; bám sát tình hình thực tế để cụ thể hoá đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về NN&PTNT được đề cập trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Coi trọng hơn công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch ngành; tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát, các điểm nghẽn về thể chế, đề xuất cấp thẩm quyền tháo gỡ để phát triển nông nghiệp bền vững, chiều sâu, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp phân quyền đi đôi với cá thể hoá trách nhiệm. Đa dạng hoá thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia, vùng và hướng tới đạt các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu chính ngạch. Phát triển bền vững kinh tế biển, giải quyết dứt điểm thẻ vàng EC.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành NN&PTNT tập trung chuyển đổi số, đề xuất Chính phủ bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ này và làm tốt công tác thống kê - số liệu đầu vào để hoạch định chính sách của ngành. Đồng thời phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy bản sắc văn hoá, dân tộc, vùng miền để nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.

Phương Thuý

Thủ tướng nhấn mạnh, phải nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và những người yếu thế- đây là mục tiêu cao nhất của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Phải tập trung hoàn thành xây dựng nông thôn mới, “làm ngày làm đêm, làm bằng được”; phát triển văn hoá, các thiết chế, chính sách liên quan tới văn hoá, cơ sở hạ tầng nông thôn, phát huy bản sắc từng vùng miền gắn với phát triển du lịch; bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn, làm sao để người nông dân không cần “ly nông, ly hương” vẫn có thể nâng cao đời sống, thu nhập, phấn đấu làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình.

Tin cùng chuyên mục