Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quạt lúa của nội
Thứ hai: 14:12 ngày 02/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nền nông nghiệp nước ta ngày càng phát triển. Các dụng cụ lao động thủ công trong sản xuất và sơ chế lúa từng bước được nông dân thay thế bằng các loại máy móc hiện đại.

Quạt  lúa

Ngày nay, từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển và sơ chế lúa… tất cả đều được cơ giới hoá, điện khí hoá. Những dụng cụ “cầm tay” của người lao động đã lần lượt đi vào quá khứ. Trong các loại nông cụ ngày trước, có một thứ rất cần cho nông dân, nhưng không phải nông hộ nào cũng trang bị được, vì khá đắt tiền và mỗi năm chỉ dùng có một lần.

Ðó là cái quạt lúa (dụng cụ dùng để quạt loại bỏ lúa lép và các loại rơm rạ vụn ra khỏi lúa chắc). Ðể có được cái quạt lúa, nếu không phải là điền chủ nhiều ruộng đất, thì cũng phải có năm, bảy người góp tiền lại mua dùng chung. Riêng nhà nội tôi lúc ấy chỉ có vài công ruộng, nhưng vẫn có một cái. Bởi ông nội tôi làm thợ mộc, chuyên đi đóng quạt lúa mướn cho các điền chủ trong làng. Tiếng là của ông nội, nhưng cái quạt lúa ấy ba tôi cùng các cô chú và bà con chòm xóm đều dùng chung, dù chẳng ai đóng góp tiền bạc vào. Hồi đó, tụi nhỏ chúng tôi gọi cái quạt lúa là “xe gió”.

Mỗi khi nghe tôi nói từ “xe gió”, ba tôi cho rằng: “Không thể gọi là xe gió được vì nó không có bánh, không thể đẩy đi. Muốn di chuyển, người ta phải khiêng, phải gọi nó là xay gió thì đúng hơn”. Ba tôi kể, trước khi biết làm cái quạt lúa, ông bà ta chủ yếu là giê lúa dựa vào gió trời. Chờ cho trời có gió, người ta đem lúa ra giê. Cách giê là xúc một thúng lúa đã phơi khô, rồi bưng thúng lúa, đứng lên trên một cái ghế cho cao và đưa thúng lúa lên khỏi đầu, rồi từ từ đổ lúa xuống một cái nia đặt trên một tấm đệm trải ra đất.

Khi lúa rớt xuống, gặp gió lúa lép nhẹ bay ra khỏi nia, còn lúa chắc (nặng hơn) rơi xuống nia. Nếu cần giê lúa gấp, gặp lúc trời không gió thì người ta làm gió “nhân tạo”. Cách làm gió nhân tạo là một người đứng giê lúa, còn một người đứng gần đó kẹp một chiếc chiếu vào hai đầu gối, hai tay cầm hai góc chiếu gấp vào mở ra nhanh, mạnh để tạo ra gió. Với cách giê lúa chờ trời gió, hay tạo ra gió như trên, chỉ phù hợp cho những người có số lượng lúa ít. Còn đối với những nhà thu hoạch hàng trăm giạ lúa, mà đứng giê từng thúng như trên thì quá vất vả. Từ đó các bậc tiền nhân nghĩ ra cách làm cái quạt lúa.

Ông nội tôi là nông dân nghèo ít ruộng đất, ngoài làm ruộng, ông còn theo nghề thợ mộc nuôi con. Vừa học hỏi người đi trước, đồng thời cải tiến sáng tạo thêm, ông tôi đóng quạt lúa “đạt chất lượng cao”, vừa bền vừa đẹp, nên được nhiều chủ ruộng tìm đến nhà đặt đóng “xay gió”. Chỉ trừ tay quay được làm bằng sắt (thép), còn lại gần như toàn bộ cái quạt lúa được đóng bằng gỗ.

Ðể quạt xài bền, không bị mối mọt, lâu hư mục, ông tôi luôn tư vấn cho khách hàng sử dụng loại gỗ tốt. Cái dễ nhìn thấy nhất của quạt lúa là cái thùng tròn lớn, được đóng kín bằng những tấm ván bảng ghép lại. Bên trong thùng là các cánh quạt cũng được làm bằng những tấm gỗ mỏng, nhưng cây tốt chắc chắn gắn vào trục quay (cũng có người đóng cánh quạt bằng tôn). Còn tay quay làm bằng thép gắn vào trục quay.

Phía trên quạt lúa là máng chứa lúa (gọi máng trên). Máng làm hình như chiếc quặng (phễu) để đổ lúa vào. Thường máng chứa được từ 5 đến 7 thúng lúa bổi (lúa chưa quạt). Dưới máng có chỗ hở cho lúa chảy xuống. Ðể chủ động cho lúa xuống nhiều hay ít, hoặc đóng lại không cho lúa xuống người ta làm một cái nhíp cũng bằng cây. Khi quạt lúa, người quạt tay mặt cầm tay quay, còn tay trái điều chỉnh nhíp cho lúa xuống nhiều hay ít.

Phía dưới, ở trước thùng quạt có hai cái máng (thùng), gọi là máng dưới. Máng gần cánh quạt dành cho lúa chắc rơi xuống (lúa chắc nặng không bay xa), còn máng phía ngoài dành cho lúa lép (trấu) rơi xuống. Phía trước là miệng quạt để trống cho rơm rác vụn, bụi lúa (nhẹ hơn trấu) bay ra. Các bộ phận của quạt được lắp ráp vào khung gỗ, với hai thanh ngang vững chắc và dài ra phía trước và phía sau để có chỗ cầm khiêng đi.

Tất nhiên quạt phải có 4 chân cứng cáp, đứng vững trên mặt đất. Khi quạt lúa, người quạt phải quạt đúng theo chiều quay của kim đồng hồ, quạt thật đều tay, điều chỉnh nhíp cho lúa xuống đều đặn theo nhịp quay. Có như vậy lúa chắc và lúa lép mới rơi xuống đúng vị trí của nó.

Ông tôi có ít ruộng nhưng vào mùa thu hoạch lúa, quạt lúa của ông cũng hoạt động không kém gì những nông hộ nhiều ruộng. Bởi cái quạt lúa được dùng chung cả xóm. Sau khi mỗi nhà phơi lúa khô, trước khi đong lúa cho chủ ruộng (mướn ruộng làm) và đổ bồ để dành, ai cũng phải quạt cho sạch lúa lép. Trước hết, anh em của ba tôi xúm lại nhà nội, phụ nội quạt lúa.

Người thì xúc lúa bổi (chưa quạt) đổ vào máng trên, người thì đứng quạt, người thì bưng lúa sạch ở máng dưới đổ bồ, hoặc đổ bao, người thì gom lúa lép (trấu) ra đống un... Xong phần lúa nhà nội, cái quạt được di chuyển từ nhà này đến nhà kia. Việc vần đổi công phụ giúp qua lại lẫn nhau như vậy làm cho không khí xóm tôi trong những ngày quạt lúa rộn ràng. Khi cả xóm quạt lúa xong, cái “xay gió” được trả về góc nhà của ông và nằm im đó chờ đợi cho đến mùa lúa năm sau…

T.L

Tin cùng chuyên mục