Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tây Ninh dành trên 17.000 ha đất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thứ tư: 17:15 ngày 25/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Gần 16.000 ha đất tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Gò Dầu, Dương Minh Châu và Thành phố Tây Ninh được dành để phát triển các vùng cây ăn quả đặc sản.

Vùng trồng khóm ở Bến Cầu- Ảnh minh hoạ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cho biết, để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, tỉnh đang rà soát, quy hoạch, xác định lại 18 vùng và 5 điểm sản xuất các loại cây ăn quả đặc sản; cây công nghiệp, rau, đậu; hoa, nấm trong nhà kính; chăn nuôi... với tổng diện tích đất sử dụng cho các dự án kể trên khoảng hơn 17.000 ha.

Cụ thể, tỉnh dành gần 16.000 ha đất tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Gò Dầu, Dương Minh Châu và Thành phố Tây Ninh để phát triển các vùng cây ăn quả đặc sản như xoài, nhãn, mít, sầu riêng, bưởi, khóm, mãng cầu...; 1.100 ha tại các huyện Tân Châu, Châu Thành và Trảng Bàng phát triển cây công nghiệp lâu năm có giá trị cao (điều, ca cao...), hoa, nấm trong nhà kính, nhà màng và cây dược liệu (nhàu, đinh lăng...); 200 ha tại huyện Gò Dầu để chăn nuôi bò thịt, heo hữu cơ...

Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh cũng đang xem xét các điều kiện để công nhận 4 vùng nông nghiệp diện tích khoảng 3.560 ha sản xuất công nghệ cao (chăn nuôi bò sữa, mía, rau, đậu, cây ăn quả đặc sản...) đã có nhà đầu tư tại các huyện Bến Cầu, Châu Thành.

Một vườn bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh- Ảnh minh hoạ

Để kêu gọi đầu tư, phát triển các vùng cây nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố rà soát lại diện tích đất công để bổ sung vào quy hoạch vùng; nghiên cứu, đề xuất thêm quy hoạch nhà máy chế biến về rau, củ, quả tại 2 huyện Tân Biên, Tân Châu và chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm, để tạo thành liên kết chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp.

Tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động xây dựng tiêu chí đấu giá các khu đất sạch do nhà nước quản lý, gắn với định hướng vùng quy hoạch, để giải quyết nguồn tài chính đầu tư cho hạ tầng như điện, giao thông, thủy lợi tưới, tiêu thoát nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các vùng định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh cũng đồng ý theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tây Ninh cho người dân chuyển đổi 4.417 ha cao su, 5.700 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả công nghệ cao, nhưng không làm thay đổi mục đích sử dụng đất, để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp chuyển đổi cây trồng theo định hướng chung của tỉnh.

Lê Đức Hoảnh

Tin cùng chuyên mục