PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh sắp xếp và định hướng không gian phát triển giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thứ tư: 05:39 ngày 25/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Tây Ninh đề ra phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội theo “3 vùng phát triển, 4 trục động lực 1, vành đai an sinh xã hội”.

Một góc TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh hiện nay.

3 vùng phát triển được thông qua gồm:

Vùng 1: Gồm thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía Nam huyện Dương Minh Châu, là vùng phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ có tính lan toả kết nối với hồ Dầu Tiếng và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, tâm phát triển của vùng 1 là tam giác Trảng Bàng - Phước Đông - Gò Dầu.

Vùng 2: Gồm thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, vùng phía Tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía Đông huyện Châu Thành. Vùng 2 là trung tâm hành chính, văn hoá, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, tiếp đến là công nghiệp hỗ trợ và chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.

Vùng 3: Gồm huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía Tây huyện Châu Thành và phía Bắc huyện Bến Cầu. Đây là vùng phát triển nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng an sinh xã hội và du lịch sinh thái ở các khu vực Lò Gò - Xa Mát, rừng Hoà Hội, sông Vàm Cỏ Đông.

Cùng với đó, sẽ có 4 trục động lực để đẩy nhanh phát triển, bao gồm:

Trục số 1: Gắn cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và quốc lộ 22; 22B, là hành lang phát triển Bắc Nam chính của tỉnh Tây Ninh.

Trục số 2: Gắn với tuyến đường N2 và quốc lộ 22, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng phía Nam, kết nối với quốc lộ 13, quốc lộ 14 tới sân bay Long Thành.

Trục số 3: Gắn với tuyến Đất Sét - Bến Củi - Bến Cầu là tuyến vành đai trung chuyển hàng hoá giữa Khu công nghiệp Bến Củi, Thạnh Đức, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các nút giao với đường cao tốc CT31, CT32 và kết nối về phía Đông đi Bình Dương và Tây Nguyên.

Trục số 4: Gắn với đường 781, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng trung tâm.

Và 1 vành đai an sinh xã hội, gắn với cao tốc dọc biên giới, kết nối liên vùng với Đồng bằng sông Cửu Long qua Long An và Tây Nguyên qua Bình Phước, là hành lang hỗ trợ an ninh quốc phòng và an sinh cho vùng phía Bắc.

Cũng theo quy hoạch của tỉnh Tây Ninh vừa phê duyệt, đến năm 2030, khi đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phấn đấu phân loại 16 đô thị, gồm:

1 đô thị loại II: Thành phố Tây Ninh (định hướng quy hoạch, tiếp tục phấn đấu đầu tư xây dựng hoàn thiện đạt cơ bản các tiêu chí của đô thị loại I).

3 đô thị loại III: Trảng Bàng, Hoà Thành, Gò Dầu (gồm Phước Đông).

5 đô thị loại IV: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, 2 đô thị mới Bến Cầu, Dương Minh Châu (gồm Bàu Năng).

7 đô thị mới loại V: Tân Lập, Mỏ Công, Trà Vong thuộc huyện Tân Biên; Tân Đông, Tân Hưng thuộc huyện Tân Châu và Thái Bình, Thanh Điền thuộc huyện Châu Thành.

Với khu vực nông thôn, tỉnh Tây Ninh xác định phát triển nông thôn trên cơ sở duy trì sự ổn định của hệ thống dân cư hiện hữu, củng cố kinh tế nông thôn, sản xuất nông nghiệp, du lịch cộng đồng, làng nghề khu vực nông thôn, cải thiện thu nhập, giảm nghèo, cải thiện chất lượng nhà ở và cuộc sống của người dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, khu vực đặc biệt khó khăn.

Trong quá trình phát triển cần cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế xã hội với việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái nông thôn, tôn tạo và phát huy giá trị và bản sắc cộng đồng, làng nghề truyền thống, kiến trúc cảnh quan địa phương.

Đối với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tỉnh Tây Ninh sẽ tập trung phát triển 20 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu, Tân Biên, Gò Dầu, Châu Thành và thị xã Trảng Bàng.

Phát triển các vùng sản xuất tập trung bao gồm: (1) Vùng sản xuất lúa tập trung, chất lượng cao; (2) Vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, hữu cơ; (3) Vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao, hữu cơ; (4) Vùng sản xuất cây công nghiệp; (5) Vùng sản xuất chăn nuôi tập trung.

Trong giai đoạn thực hiện, tổ chức rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung về vị trí, quy mô hằng năm phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương; công nhận sớm các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt điều kiện sớm hơn dự kiến.

Đức An

Tin cùng chuyên mục