Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giai đoạn 2016-2020:
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài
Thứ tư: 01:28 ngày 21/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giai đoạn 2016-2020, thu hút đầu tư nước ngoài của Tây Ninh tăng mạnh, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài cao, đạt hơn 4,5 tỷ USD, tăng 69,8% so với cùng kỳ giai đoạn 2011-2015 (mục tiêu kế hoạch 2016-2020 đề ra là 2.900 triệu USD).

Một phân xưởng dệt sợi ở KCN Phước Ðông. Ảnh: Hoàng Anh

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư, sau 25 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và của Tây Ninh nói riêng.

Việc thu hút, sử dụng đầu tư nước ngoài thời gian qua cơ bản đáp ứng những mục tiêu đề ra về thu hút vốn, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, tiếp thu công nghệ… Ðiều này khẳng định chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế.

Giai đoạn 2016-2020, thu hút đầu tư nước ngoài của Tây Ninh tăng mạnh, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài cao, đạt hơn 4,5 tỷ USD, tăng 69,8% so với cùng kỳ giai đoạn 2011-2015 (mục tiêu kế hoạch 2016-2020 đề ra là 2.900 triệu USD).

Giai đoạn 2016-2020, vốn đầu tư thực hiện đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng 59,47% so với giai đoạn 2011-2015 (mục tiêu kế hoạch 2016-2020 đề ra là 1.500 triệu USD). Ðến năm 2020, Tây Ninh có 350 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký gần 7,8 tỷ USD. Vốn thực hiện luỹ kế trên địa bàn tỉnh ước đến cuối năm 2020 đạt gần 4 tỷ USD.

Các dự án đầu tư nước ngoài hoạt động trải đều trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Tây Ninh. Trong đó, các dự án tập trung chủ yếu tại thị xã Trảng Bàng (202 dự án, chiếm 57,71% số dự án FDI trên địa bàn tỉnh); Gò Dầu (77 dự án, chiếm 22%). Ðây là hai địa bàn có lợi thế về giao thông, gần Thành phố Hồ Chí Minh, thuận tiện cho việc xuất nhập khẩu hàng hoá.

Thời gian qua, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định. Các chỉ tiêu: doanh thu, xuất khẩu, nhập khẩu của các dự án tăng dần theo từng năm. Khu vực FDI đã góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.

Giai đoạn 2011-2015, khu vực FDI nộp ngân sách Nhà nước chiếm 6,4% tổng thu nội địa. Giai đoạn 2016-2020, nộp ngân sách Nhà nước khu vực FDI chiếm 7,4% tổng thu nội địa. Khoản thu này khá ổn định và tăng cao trong những năm gần đây.

Trong thời gian qua, tỉnh đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát, điều chỉnh, bổ sung và công bố công khai các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư để thu hút đầu tư. Ðồng thời, tỉnh tăng cường đối thoại với nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho các doanh nghiệp - nhất là về thủ tục cấp chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giải phóng mặt bằng và cho thuê đất. Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt cơ chế “một cửa” về đầu tư và cơ chế “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh.

Dù vậy, tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức như: Chưa thu hút được nhiều dự án có công nghệ tiên tiến, dự án thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao. Các dự án dệt (sợi, vải) có công đoạn nhuộm tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng chưa có hiệu quả về đất đai, vi phạm chính sách - pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường. Tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký chưa cao. Tính liên kết giữa đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong tỉnh chưa được phát huy.

Ðầu tư FDI chưa đa dạng về ngành nghề. Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chưa đồng bộ. Nhân lực chất lượng cao của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Việc phát triển tổ chức và phát huy vai trò của các tổ chức đảng, công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn khó khăn, hoạt động chưa hiệu quả.

Nhân lực làm công tác thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài của cơ quan đăng ký đầu tư (Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế) còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác xúc tiến, quản lý và thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Một phân xưởng dệt sợi ở KCN Phước Ðông (ảnh: Hoàng Anh).

Trước thực trạng này, theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư, để đa dạng đầu tư, huy động các nguồn vốn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ và kết nối chuỗi giá trị doanh nghiệp của tỉnh và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển hạ tầng đồng bộ, đầu tư hệ thống đường bộ, đường thuỷ, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hoá giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế với các tỉnh, thành phố; tiếp tục phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; nâng cao hiệu quả logistics nhằm giảm chi phí vận tải, chi phí đầu vào doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của địa phương.

Thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Ðình Chung

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, những năm qua, Ban đã nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, tạo lập lòng tin và tăng cường mối quan hệ thân thiện hợp tác giữa nhà đầu tư với cơ quan quản lý Nhà nước, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với Tây Ninh.

5 năm qua, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp trong GRDP, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; mở rộng nguồn thu ngân sách cho tỉnh nhà; tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng mới trong và ngoài KCN có giá trị lâu dài tại địa phương, đồng thời tác động tích cực đến việc hình thành đô thị mới và dịch vụ tại chỗ như tài chính, ngân hàng, dịch vụ lưu trú, ăn uống... tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, nâng cao dân trí.

Trong 5 năm, các KCN, KKT nộp ngân sách 4.388 tỷ đồng, chiếm 10,6% trong cơ cấu thu ngân sách Nhà nước của tỉnh (41.399 tỷ đồng). Luỹ kế đến nay, KCN, KKT đã giải quyết việc làm gần 130.000 lao động.

Thời gian tới, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án sản xuất công nghiệp phụ trợ, các dự án ứng dụng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; lựa chọn thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu quốc tế, năng lực tài chính, có ý thức bảo vệ môi trường, hình thành doanh nghiệp đầu mối để kêu gọi các doanh nghiệp vệ tinh phát triển những ngành công nghiệp phụ trợ, tạo chuỗi liên kết phát triển.

Các KCN Tây Ninh sẽ phát triển theo mô hình công nghiệp - dịch vụ - đô thị gắn liền nhau, lấy KCN làm hạt nhân để hình thành đô thị và kích thích dịch vụ phát triển. Ở chiều ngược lại, đô thị, dịch vụ là hậu cần bổ trợ cho sự phát triển sản xuất công nghiệp. Trong phát triển công nghiệp, tỉnh chú trọng không phát triển bằng mọi giá, mà định hướng phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

TRÚC LY - HOÀNG THI

Tin cùng chuyên mục