Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vẫn còn nhiều chính sách thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ và không phù hợp đã gây tác động tiêu cực đến quá trình đầu tư, phát triển ở Khu Kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài.
Đánh giá về tình hình phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài từ khi Khu này đi vào hoạt động năm 2004 đến nay, Ban quản lý (BQL) KKTCK nhận định: Trong những năm qua, các chính sách ưu đãi của Chính phủ đã tạo điều kiện cho KKTCK Mộc Bài phát triển trên nhiều lĩnh vực: thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu, thương mại-dịch vụ, du lịch… Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều chính sách thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ và không phù hợp đã gây tác động tiêu cực đến quá trình đầu tư, phát triển ở KKTCK Mộc Bài.
Thương mại phát triển, xuất nhập khẩu tăng cao
Hiện KKTCK Mộc Bài thu hút được 34 nhà đầu tư với 46 dự án, đăng ký sử dụng 1.629,44 ha đất, đăng ký đầu tư 5.828,909 tỷ đồng và 219,125 triệu USD. Trong đó có 6 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; 8 dự án về nhà ở, khu dân cư; 30 dự án thuộc lĩnh vực thương mại-dịch vụ; 1 dự án khu du lịch sinh thái; 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực vận chuyển hành khách, sân golf và may giày xuất khẩu.
Đến nay đã có 12 dự án (chủ yếu thuộc lĩnh vực thương mại-dịch vụ và nhà ở) đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư thực hiện là 971,190 tỷ đồng và 17,963 triệu USD, tạo việc làm cho 1.800 lao động (trong đó có hơn 80% lao động là người địa phương huyện Bến Cầu và vùng phụ cận). Dự kiến, đến quý IV năm nay, khi nhà máy sản xuất giày thể thao có công suất 10 triệu đôi/năm của Công ty cổ phần Việt Nam Mộc Bài (100% vốn đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc) đi vào hoạt động, sẽ thu hút thêm 10.000 lao động tại đây.
Do chính sách ưu đãi “bất nhất”, nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa tại thời điểm đầu tháng 7.2009 |
Trong lĩnh vực xuất-nhập khẩu, năm 2004, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đạt 32,106 triệu USD, tăng 21,45% so với năm 2003 và tăng 5,1 lần so với năm 2002, chiếm tỷ trọng 6,23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia. Trong đó, giá trị hàng xuất khẩu chiếm 86,8%. 5 năm qua, đến năm 2009 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 193 triệu USD tăng hơn 6 lần so với năm đầu hoạt động.
Hàng hoá xuất sang Campuchia chủ yếu là hàng tiêu dùng, dụng cụ gia đình và vật liệu xây dựng. Hiện nay, tỷ trọng hàng hoá Việt Nam tại Campuchia chiếm khoảng 40 đến 45% hàng hoá lưu thông tại nước bạn. Theo nhận định của BQL KKTCK Mộc Bài, cơ chế phi thuế quan áp dụng tại Khu Thương mại-Công nghiệp Mộc Bài đã tạo cơ hội tốt để Việt Nam cạnh tranh đưa hàng vào Campuchia cũng như xuất sang thị trường khác. Việt Nam và Campuchia đã ký kết hiệp định thanh toán từ những năm 2000. Tuy nhiên, do chưa có sự hiện diện của các ngân hàng thương mại giữa hai nước tại cửa khẩu nên việc thanh toán theo thông lệ quốc tế ít phát sinh, phần lớn là dùng tiền mặt.
Cùng với việc đầu tư phát triển KKTCK Mộc Bài, đường Xuyên Á là tuyến giao thông quan trọng đi qua đây được hình thành cùng với việc thông quan hai cửa khẩu Mộc Bài - Ba Vét được điều chỉnh (từ 6 giờ đến 22 giờ) đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu xuất nhập cảnh và phát triển du lịch. Năm 2004 có 403.765 người qua cửa khẩu Mộc Bài, đến năm 2009 là trên 2,2 triệu người (tăng hơn 5 lần). Số phương tiện qua lại cửa khẩu cũng tăng nhanh, nếu như năm 2005 chỉ có 5.697 xe các loại thì đến năm 2009 có đến 62.158 xe qua lại (tăng gần 11 lần).
Hiện toàn KKTCK Mộc Bài có 48 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại với 4 siêu thị lớn, 4 siêu thị nhỏ, còn lại là các cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế. Doanh số bán ra năm 2006 tại KKTCK Mộc Bài đạt 533 tỷ đồng, đến năm 2009 bán được 1.332,206 tỷ đồng (lượng hàng bán sang Campuchia trong năm này chiếm 28,3% tổng giá trị). Lượng khách đến tham quan mua sắm tại KKTCK Mộc Bài cũng tăng nhanh, năm 2006 là 1,289 triệu lượt khách, đến năm 2009 là 2,7 triệu lượt khách.
Nhưng còn nhiều bất cập
Theo ông Phan Minh Thành-Trưởng BQL KKTCK Mộc Bài dù đã được Chính phủ cho áp dụng một số chính sách thí điểm với cơ chế ưu đãi đặc biệt có tính chất đổi mới trong cải cách thể chế và thực nghiệm chính sách, nhưng trong thực tế triển khai, UBND tỉnh Tây Ninh và BQL không đủ thẩm quyền để thực hiện các chính sách này tại Mộc Bài. Các đề xuất liên quan đến chính sách mới thường bị trì hoãn hay từ chối với lý do… chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Quy trình ban hành các quyết định thực hiện chính sách phải dựa trên sự đồng thuận của các Bộ, trong khi quan điểm giữa các Bộ lại không thống nhất cuối cùng cho thấy các chính sách được ban hành thiếu sự đồng bộ.
Chủ trương chung là xã hội hoá đầu tư trên mọi lĩnh vực nhưng trên thực tế, KKTCK Mộc Bài chỉ thu hút được các nhà đầu tư vào những lĩnh vực sinh nhiều lợi, nhanh sinh lợi. Còn các lĩnh vực khác ít sinh lợi, chậm thu hồi vốn như các công trình hạ tầng giao thông, cấp nước và xử lý nước thải… thì khó thu hút đầu tư nên chỉ có thể đầu tư từ vốn ngân sách. Thế nhưng, nguồn vốn ngân sách hạn hẹp không đủ để cấp phát. Hạ tầng không đồng bộ đã làm chậm sự phát triển, đặc biệt là đối với các khu, cụm công nghiệp ở Mộc Bài.
Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại ở KKTCK Mộc Bài gần như hình thành một cách “tự phát”, chưa có định hướng cụ thể về thị trường, về thương nhân, về cơ cấu ngành hàng. Cơ cấu hàng hoá chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu phía Campuchia và cư dân biên giới, phần còn lại tập trung nhiều ở những ngành hàng có thuế nhập khẩu cao và nhu cầu tiêu thụ nội địa mạnh như rượu, bia, mỹ phẩm. Diễn biến thực tế trong thời gian qua tại KKTCK Mộc Bài cho thấy, do chạy theo lợi nhuận đơn thuần nên nhiều doanh nghiệp ít chú trọng khai thác nguyên liệu nhập khẩu từ phía nước láng giềng Campuchia về phục vụ sản xuất trong nước… Những yếu tố trên làm cho hiệu quả xuất nhập khẩu chưa cao, hàng hoá nhập khẩu vẫn còn tác động tiêu cực đến thị trường nội địa và chưa hỗ trợ được nhiều cho hoạt động sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, tình trạng lưu thông và thanh toán tiền tệ, nhất là ngoại tệ cũng diễn ra một cách tự phát, trôi nổi, nằm ngoài sự kiểm soát của hệ thống ngân hàng thương mại nên dễ gây rủi ro, thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Tình trạng lợi dụng những “kẽ hở” của các chính sách trong lĩnh vực thương mại chưa được kiểm soát có hiệu quả do các văn bản pháp lý không hướng dẫn xử lý một cách cụ thể, minh bạch, hoặc không đồng bộ vẫn diễn ra như tình trạng mua gom hàng miễn thuế, tình trạng doanh nghiệp hạ giá nhập khẩu một số mặt hàng rồi tìm cách tuồn ra thị trường để hưởng lợi bất chính…
Theo ông Phan Minh Thành, cho đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn chưa có một chính sách biên mậu cụ thể cho từng giai đoạn đối với quốc gia láng giềng để từ đó quy định chính sách ưu đãi, tạo động lực phát triển hiệu quả. Hiện tại, chính sách ưu đãi đối với các KKTCK trong nước còn chung chung, thiếu nhất quán. Điều này đã gây tác động tiêu cực đến sự phát triển, làm mất niềm tin nơi nhà đầu tư. Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hiện có nhiều Bộ, ngành tham gia điều hành, quản lý hoạt động của các KKTCK theo cách của Bộ, ngành mình. Do đó dẫn đến việc các văn bản hướng dẫn chồng chéo, thiếu đồng bộ, thậm chí “đá” nhau.
BẢO TÂM