BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường

Cập nhật ngày: 21/11/2010 - 04:14

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XII, các vị ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh thu thập nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri về nhiều lĩnh vực. Các ý kiến cử tri đã được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi đến các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương để giải quyết, trả lời. Mới đây, Đoàn ĐBQH đã chuyển cho Báo Tây Ninh văn bản của các Bộ trả lời ý kiến cử tri Tây Ninh. Báo Tây Ninh lược trích công văn trả lời của Bộ Tài nguyên - Môi trường để thông tin đến cử tri trong tỉnh.

Cử tri Tây Ninh rất bức xúc trước tình trạng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, xả chất thải ra môi trường không qua xử lý vẫn phổ biến và ngày càng tinh vi, điển hình như  các vụ Nhà máy VEDAN ở Đồng Nai, Công ty Tungkuang 100% vốn nước ngoài ở Hải Dương mà báo chí đã đưa tin. Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh các chế tài xử phạt trong công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, công ty,… vì hiện nay các chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe nên việc vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực này vẫn xảy ra ngày càng phổ biến.

Trả lời ý kiến trên của cử tri Tây Ninh, Bộ TN&MT khẳng định: Phát triển kinh tế phải luôn đi đôi với bảo vệ môi trường là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường quán triệt, cụ thể hoá trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong thời gian vừa qua, để tăng cường việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan từ Trung ương đến địa phương tiến hành kiểm tra, thanh tra, đã phát hiện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bất kể đó là doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước hay nước ngoài.

Quan điểm của Bộ TN&MT là kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt đối với các vi phạm nghiêm trọng, kéo dài. Ngoài biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn bị áp dụng các hình thức xử lý như tạm đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong các biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết hoặc cấm hoạt động. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 có bổ sung các tội phạm gây ô nhiễm môi trường, do đó mọi hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường sẽ bị xử phạt nặng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tây Ninh đã xử lý triệt để các cơ sở sản xuất gạch gây ô nhiễm môi trường

Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách, pháp luật có liên quan công tác phòng chống tội phạm và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cụ thể:

Về tổ chức, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2009/NĐ-CP ngày 7.4.2009 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tài nguyên và Môi trường, trong đó quy định nhiệm vụ và quyền hạn về kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường cho lực lượng Thanh tra môi trường và mối quan hệ phối hợp với lực lượng thanh tra môi trường tại các địa phương; song song với đó là việc kiện toàn lực lượng cảnh sát môi trường từ Trung ương đến địa phương;

Về chế tài xử lý, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Chương XVII về Tội phạm môi trường trong Bộ luật Hình sự để hoàn thiện các quy định pháp lý cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường trong tình hình mới. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với nhiều điểm mới như: mức xử phạt vi phạm hành chính cao nhất về bảo vệ môi trường đã được tăng từ 70 triệu lên 500 triệu đồng đối với một hành vi vi phạm, chi tiết hoá khung và mức phạt cho từng hành vi vi phạm và bổ sung thêm hành vi vi phạm và chế tài xử lý. Nghị định số 117/2009/NĐ-CP còn quy định nhiều hình thức xử lý khác đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như cấm hoạt động, tạm đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời địa điểm. Có thể nói, đây là những biện pháp chế tài khá mạnh và kiên quyết, cùng với các quy định tại Chương XVII của Bộ luật Hình sự về Tội phạm môi trường chắc chắn trong thời gian tới sẽ tạo được sự răn đe, buộc các doanh nghiệp, công ty phải thực hiện tốt biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.

Về cơ chế phối hợp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2010/NĐ-CP ngày 8.7.2010 quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường trong đó đã quy định về tổ chức, hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác về môi trường, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các cơ quan chức năng hoạt động trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an cũng đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 02/2009/TTLT-BCA-BTNMT ngày 6.2. 2009 hướng dẫn quan hệ phối hợp công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động giữa lực lượng thanh tra môi trường và lực lượng cảnh sát môi trường.

Với cơ chế, chính sách, pháp luật đồng bộ trên đây, theo Bộ TN&MT, chắc chắn trong thời gian tới công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường sẽ được đẩy mạnh và đạt hiệu quả.

QUANG NHÀN

(Lược ghi)