Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong tình hình dịch bệnh

Kỳ 2: Cung ứng lương thực, thực phẩm phù hợp 

Cập nhật ngày: 05/09/2021 - 23:06

BTN - Tây Ninh quyết định kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với yêu cầu “ai ở đâu thì ở đó”. Một trong những vấn đề mà người dân quan tâm hàng đầu chính là việc bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội.

Người dân mua thịt heo tại chợ phường 3.

Bảo đảm đủ nguồn cung ứng hàng hoá

Trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh có 10 siêu thị, 72 cửa hàng Bách Hoá Xanh, 86/108 chợ hoạt động. Ngoài ra, ở các địa phương còn tổ chức nhiều chuyến xe bán hàng bình ổn khi có chợ bị phong toả do có ca F0.

Ðể thực hiện có hiệu quả đợt tổng xét nghiệm sàng lọc trên địa bàn, tỉnh đã làm việc với các đơn vị đầu mối cung ứng, chuẩn bị nguồn cung hàng hoá trong thời gian dài, như gạo, trứng, mì tôm, muối, mắm, thịt, cá, rau củ quả...

Nhằm bảo đảm hoạt động vận chuyển, trao đổi hàng hoá giữa tỉnh Tây Ninh với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Sở Công Thương thành lập Tổ điều hành bãi hàng hoá, nông sản tại trạm xăng dầu Suối Sâu thuộc khu phố Suối Sâu, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng. Bình quân, xe ra vào trạm dừng đỗ hàng hoá có từ 25-30 xe, lượng hàng khoảng 35-40 tấn, chủ yếu là nông sản rau củ quả, hải sản.

Sở Công Thương thực hiện việc xác nhận vận chuyển, giao nhận hàng hoá thiết yếu trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm hạn chế tối đa việc đi lại không cần thiết; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên giao, nhận hàng hoá bằng phương tiện xe mô tô 2 bánh của các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Bưu điện tỉnh Tây Ninh tổ chức bán hàng bình ổn trên trang web Postmart.vn; chi nhánh Bưu chính Viettel Tây Ninh triển khai các hoạt động bảo đảm cung cấp hàng hoá thiết yếu, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Voso.vn và hỗ trợ mức cước vận chuyển các mặt hàng thiết yếu đến 19 tỉnh, thành phía Nam và nội tỉnh.

Ðể bảo đảm cung ứng hàng hoá cho người dân trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Sở Công Thương chỉ đạo hệ thống siêu thị Co.opMart, Bách Hoá Xanh, Công ty TNHH XNK-TM-DV Hùng Duy và các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường xây dựng phương án tổ chức sản xuất, vận chuyển, dự trữ, cung ứng hàng hoá.

Ông Huỳnh Thế Vinh- Quản lý chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh tại Tây Ninh cho biết, nguồn hàng dự trữ tại cửa hàng luôn bảo đảm để phục vụ cho người dân, hàng hoá về kho hiện nay tăng lên tới 200% so với trước. Bên cạnh việc bán trực tiếp tại cửa hàng, Bách Hoá Xanh còn tăng cường phục vụ bán hàng trên trang web và zalo.

Hiện chỉ có nhóm mì gói và bột làm bánh là có nguồn hàng hạn chế; giá của nhóm thực phẩm khô tăng nhẹ; còn nhóm hàng thiết yếu như gạo, thịt, cá, gia vị… đều có giá cả ổn định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của người dân.

Ông Nguyễn Hữu Phong- Trưởng Ban quản lý chợ phường 3, thành phố Tây Ninh cho biết, từ khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và tỉnh áp dụng Chỉ thị 16, tại chợ chỉ còn khoảng 100 hộ kinh doanh- giảm 70% so với trước đây.

Tuy nhiên, các mặt hàng thiết yếu vẫn bảo đảm đầy đủ để cung ứng cho người dân. Tiểu thương tại chợ cho biết, các mặt hàng đều có mức giá tương đối ổn định: thịt ba rọi 160.000 đồng/kg; sườn chéo 180.000 đồng/kg; thịt đùi 130.000 đồng/kg; bí đao, dưa leo 15.000 đồng/kg; bắp cải 20.000 đồng/kg…

Sở Công Thương đề nghị các siêu thị, cửa hàng Bách Hoá Xanh, các doanh nghiệp cung ứng hàng hoá có phương án kiểm tra, giám sát, triển khai đầy đủ, nghiêm túc các giải pháp bình ổn thị trường; tổ chức tốt phương án huy động các nguồn cung ứng, dự trữ hàng hoá từ các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, các đơn vị bảo đảm tăng số lượng hàng hoá dự trữ hợp lý với giá cả ổn định, phù hợp, tổ chức tốt phương án vận chuyển, cung ứng hàng hoá. Tại các chợ, hệ thống siêu thị Co.opMart, Bách Hoá Xanh, Công ty TNHH XNK-TM-DV Hùng Duy và Công ty cổ phần doanh nhân Tây Ninh, hàng hoá được dự trữ trong kho, bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.

Ðể kiểm soát hàng hoá, mỗi ngày, Sở Công Thương đều tổng hợp các nguồn cung ứng hàng hoá thiết yếu từ hệ thống siêu thị Co.opMart, Bách Hoá Xanh, Công ty TNHH XNK-TM-DV Hùng Duy và các doanh nghiệp phân phối; yêu cầu các siêu thị, cửa hàng bách hoá và nhà phân phối chủ động tìm nguồn hàng, dự trữ, vận chuyển, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân và công tác phòng chống dịch bệnh.

Linh hoạt các hình thức mua sắm

Tại huyện Dương Minh Châu, Ban Chỉ đạo (BCÐ) phòng, chống dịch Covid-19 huyện yêu cầu các ban, ngành đăng ký xe nhận diện luồng xanh để việc vận chuyển hàng hoá, lương thực thực phẩm trên địa bàn huyện thuận lợi.

Khuyến khích người dân mua hàng trực tuyến. Riêng đối với các khu vực phong toả, BCÐ phòng, chống dịch xã, thị trấn linh hoạt hỗ trợ, giúp người dân mua hàng hoá thiết yếu. Ðến nay, hệ thống cung ứng hàng hoá trên địa bàn huyện bảo đảm được nhu cầu, không xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ, hay tăng giá.

Ðến nay, nhiều xã, thị trấn đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội triển khai đội tình nguyện là đầu mối kết nối giữa bên cung ứng hàng hoá với người dân có nhu cầu. Bà Hà Thị Huế Nhung- Chủ tịch UBND xã Suối Ðá cho biết “Gần 1 tháng qua, Xã đoàn đã triển khai mô hình “Áo xanh đi chợ”. Theo đó, đoàn viên thanh niên nhận đơn hàng của người dân qua tin nhắn zalo, sau đó, Bí thư Xã đoàn sẽ liên hệ với Bách Hoá Xanh hoặc siêu thị Co.op Mart để mua hàng và giao đến tận nhà cho người dân”.

Hệ thống cửa hàng Bách Hoá Xanh triển khai hình thức mua hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà cho người dân; còn siêu thị Co.opMart ra mắt combo mua sắm, tiết kiệm và giao hàng tận nhà trong bán kính 6km, giúp người dân thuận tiện hơn trong mua sắm.

Nhi Trần - Vũ Nguyệt- Trúc Ly

Tin liên quan
  • Kỳ 1: Nhiều vấn đề cần quan tâm 

    Kỳ 1: Nhiều vấn đề cần quan tâm

    Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp, tỉnh phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Trong các đợt giãn cách, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên. Ðể bảo đảm cung ứng hàng hoá thiết yếu, các doanh nghiệp không ngừng đẩy mạnh sản xuất.