Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tiếp quản Thủ đô - mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc
Kỳ 2: “Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội”
Thứ bảy: 00:01 ngày 05/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dự cảm và ước mong ấy của thi sĩ, chiến sĩ Chính Hữu đã trở thành sự thật. Ngày 10.10.1954, những người lính Việt Nam, người lính Cụ Hồ, những người lính của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã vang khúc khải hoàn trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Khi còn trên chiến khu Việt Bắc, nhà thơ Chính Hữu đã viết bài thơ “Ngày về” với những câu thơ đầy tính dự báo như trên. Dự cảm và ước mong ấy của thi sĩ, chiến sĩ Chính Hữu đã trở thành sự thật. Ngày 10.10.1954, những người lính Việt Nam, người lính Cụ Hồ, những người lính của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã vang khúc khải hoàn trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Bác sĩ Trần Duy Hưng (đứng)- Phó Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội trong đội ngũ tiến về tiếp quản Thủ đô, sáng 10.10.1954

“… Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu

Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội

Bao giờ trở lại?

Phố phường xưa gạch ngói ngang đường

Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang

Bức tường điêu tàn ngày xưa trấn ngự

Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa

Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm

Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa

Mái đầu xanh thề mãi đến khi già

Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại

Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội

Trở về, trở về, chiếm lại quê hương

Nguy nga sao cái buổi lên đường

Súng chuốt gươm lan, mắt ngời sáng quắc

A ha! Nhà xiêu mái sập

Xác oan cừu ngập lối chân đi

Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly

Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp

Mịt mù khói ngợp

Cờ máu huy hoàng

Phất nắng

Ôi bài chiến thắng reo vang”

                        (Ngày về - Chính Hữu)

Những người lính Việt Nam của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp từ rất nhiều vùng quê khác nhau trên cả nước đã đi theo tiếng gọi của non sông; đã chiến đấu, hy sinh để rồi làm nên một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ngày 1.8.1954, Hiệp định Genève kết thúc chiến tranh chính thức có hiệu lực. Quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chiến thắng, tiến vào Hà Nội, còn người Pháp thất trận, thì chuẩn bị rút quân.

Những người lính trẻ được người dân Hà Nội hân hoan chào đón trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngày 10.10.1954

Ngày 6.10.1954, quân Pháp rút khỏi quận Văn Điển. Đây là quận đầu tiên ở ngoại thành được Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiếp quản. Cùng ngày, quân Pháp rút khỏi thị xã Hà Đông và ở phía Bắc, Pháp rút về Dốc Lã, cách Yên Viên 3 km. Ngày 7.10, nhiều đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia tiếp quản Thủ đô, theo nhiều đường tiến về Hà Nội. Chiều 8.10, một số đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tiến sát vành đai Đê La Thành, Nhật Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Bạch Mai và Vĩnh Tuy. Trong khi đó, quân Pháp rút khỏi Yên Viên. Sáng 9.10.1954, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiếp quản 4 quận Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở và Quỳnh Lôi, tiếp theo là Đại lý Hoàn Long. Quân đội nhân dân Việt Nam theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp thu Hà Nội, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi toả ra các khu. Lần lượt, họ tiếp thu nhà ga Hà Nội, phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn Thuỷ, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ. 16 giờ ngày 9.10.1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên; quân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng 10.10.1954, Uỷ ban Quân chính thành phố và các đơn vị Quân đội nhân dân gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân tiến vào Hà Nội. 15 giờ ngày 10.10.1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội dự lễ chào cờ long trọng do Uỷ ban Quân chính Thành phố tổ chức. Sau 9 năm, lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chính thức được kéo lên tại cột cờ Hà Nội. Còi Nhà hát Thành phố nổi lên, hàng chục vạn quân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào cờ do Uỷ ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Tại buổi lễ trang trọng này, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Vương Thừa Vũ đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng: “Tám năm qua, Chính phủ phải rời xa Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hoà bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về với Thủ đô, với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”.

Hàng vạn người dân đổ ra các tuyến phố chào đón đoàn quân chiến thắng về Thủ đô

Thăng Long - Hà Nội là nơi lắng hồn núi sông. Trong lịch sử, Thăng Long - Hà Nội đã từng là nơi chiến trường khốc liệt và trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng vậy. Có câu thơ khuyết danh rằng: “Thăng Long phi chiến địa, Thiên hạ vạn đại xương”.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng câu thơ khuyết danh ngụ ý rằng Thăng Long - Hà Nội là kinh đô, là trái tim của cả nước, bởi vậy mà bất kỳ kẻ thù nào nhòm ngó đất nước Việt Nam đều nhắm vào vùng địa linh này.

Cho dù Thăng Long - Hà Nội chưa bao giờ khuất phục trước quân thù, song đâu ai muốn Thăng Long - Hà Nội lúc nào cũng là chiến địa. “Vì thế, tác giả câu thơ trên muốn khẳng định một điều: Khi Thăng Long không phải là chiến địa (có nghĩa là không kẻ thù nào nhòm ngó đất nước) thì cuộc sống của mọi người sẽ mãi hạnh phúc”. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam lại một lần nữa đưa “chiến địa” ra xa khỏi kinh thành Thăng Long - Hà Nội và chỉ trở về với chiến thắng reo vang trong hoà bình.

Việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội là minh chứng khẳng định tính chính danh của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Từ đây, các cơ quan của Đảng, Chính phủ tập trung tại Hà Nội. Tiếp quản Thủ đô Hà Nội năm 1954 mang ý nghĩa vô cùng to lớn bởi sự kiện này mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của vùng đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Cùng với những chiến công lớn trong lịch sử dân tộc, tiếp quản Thủ đô ngày 10.10.1954 là thành tựu to lớn trong thời đại Hồ Chí Minh. Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của các lực lượng ngoại quốc. Người dân Thủ đô được quyết định và làm chủ vận mệnh của mình, bắt tay vào xây dựng và kiến thiết Thủ đô, kiến thiết nước nhà, trở thành chỗ dựa về tinh thần và vật chất cho công cuộc thống nhất hoàn toàn đất nước năm 1975.

Ngày 10.10.1954 đã trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Hồng Phúc

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục