Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
“Năm 1997, Úk Long - già làng phum Tầm Phô – dù đã 65 tuổi nhưng vẫn được Huyện uỷ Tân Châu chuẩn y kết nạp đảng. Đó là đảng viên đầu tiên và duy nhất của cả cộng đồng người Khmer đang sinh sống trong ba ấp người dân tộc ở Kà Tum: Tầm Phô, Kà Ốt và Suối Dầm lúc bấy giờ…” – Ông Tô Thanh Nam, Phó Bí thư xã Tân Đông hào hứng cho biết.
Bộ tam Già làng Nin Phay - Bí Thư Chi bộ Nguyễn Văn Mậu và ông Nguyễn Văn Lực - Trưởng ban công tác mặt trận ấp Tầm Phô luôn sát cánh với nhau tiếp bước Úk Long xây dựng Tầm Phô trở thành điểm sáng.
“Năm 1997, Úk Long - già làng phum Tầm Phô – dù đã 65 tuổi nhưng vẫn được Đảng uỷ Tân Đông chuẩn y kết nạp đảng. Đó là đảng viên đầu tiên và duy nhất của cả cộng đồng người Khmer đang sinh sống trong ba ấp người dân tộc ở Kà Tum: Tầm Phô, Kà Ốt và Suối Dầm lúc bấy giờ. Hôm nay thì, mỗi ấp Khmer ấy có một chi bộ, mỗi chi bộ cũng hơn chục đảng viên. Trong danh sách cảm tình đảng trong cộng đồng người Khmer tại đây năm 2020 có thêm nhiều gương mặt thanh niên ưu tú đang được quan tâm, bồi dưỡng… dự kiến cuối năm sẽ kết nạp thêm vài đồng chí nữa” - Ông Tô Thanh Nam, Phó Bí thư xã Tân Đông, huyện Tân Châu hào hứng cho biết.
Cơn mưa dầm trong những ngày Tây Ninh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 5 đổ vào miền Trung vẫn không làm khó chúng tôi khi quyết định tìm gặp Úk Long, cây “đại thụ” trong cộng đồng người Khmer ở Tầm Phô, người mở đường đầu tiên đi về hướng có Đảng.
Nhà Úk Long nằm cạnh chốt biên giới thuộc địa bàn quản lý của Đồn biên phòng Kà Tum. Trước nhà ông là con đường nhựa (ĐT792) dọc biên giới Việt Nam – Campuchia, nối liền từ cầu Cần Lê (xã Tân Hoà) về ngã ba Vạc Xa (xã Tân Hà).
Già Làng Úk Long (thứ 3) được Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh tặng giấy khen trong dịp kỷ niệm 15 năm ngày biên phòng toàn dân năm 2005.
Con đường đã hư hỏng nhiều, nhưng là tuyến đường nằm trong dự án đường tuần tra biên giới của Bộ Quốc phòng. Tỉnh Tây Ninh đã thống nhất chủ trương hỗ trợ thêm 50% vốn đối ứng trên toàn tuyến biên giới dài 240 cây số để mở rộng gấp đôi làn đường thuộc Dự án nâng cấp đường tuần tra biên giới vừa phục vụ lưu thông cho nhân dân khu vực biên giới.
Không lâu nữa, trước nhà Úk Long là con đường bê tông nhựa rộng thênh thang. Bên kia đường, cách cột mốc biên giới giữa hai nước vài ba trăm mét ẩn hiện ngôi chùa Uđông Mean Chy Sre Ta Nuôl của phum Ta Nong (xã Chan Mul, huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum), trên đất bạn.
Nhiều gia đình người Khmer ở Tầm Phô có họ hàng bên Chan Mul, ngày ngày họ vẫn qua lại với nhau. Cũng dễ hiểu, sau nạn diệt chủng do Pol Pot – Ieng Sary gây ra, năm 1979 có khoảng vài chục hộ dân ở Chan Mul theo Úk Long và Sô Neang từ bên kia biên giới chạy sang vùng Kà Tum, Tân Châu để lánh nạn, rồi an cư và lập nghiệp đến giờ.
Các chiến sĩ Đồn biên phòng Kà Tum đến thăm gia đình anh Chom Chùm Ran - nay là Trưởng ấp Tầm Phô.
Úk Long thành già làng Tầm Phô, còn So Neang thành già làng Kà Ốt từ thời điểm đó. Khi Úk Long được đứng vào hàng ngũ của Đảng thì sức khoẻ của So Neang suy yếu. Theo nguyện vọng của So Neang, dân làng Kà Ốt thống nhất chọn Nách Chan kế thừa vị trí già làng cho đến bây giờ. Tương tự, nguyện vọng của Úk Long cũng được dân Tầm Phô đồng ý và chọn Nin Phay làm người thay thế.
Úk Long hiện đã chạm ngưỡng 90. Vợ chồng ông sống chung người con trai trong căn nhà tôn theo thiết kế đã Việt hóa hoàn toàn.
Ông Úk Long (thứ 2 bên phải) cùng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Đồn Kà Tum tặng nhà cho chị Lò Út một hộ nghèo trong phum Tầm Phô.
Trò chuyện với ông, cảm giác trí nhớ của người thủ lĩnh tinh thần trong cộng đồng ngày nào đã có phần suy giảm. Những chuyện ngày xưa, chuyện con cái, chuyện làm ăn… gần như đã là những vệt mờ, cần phải lau chùi vài lần mới rõ.
Nhưng khi nhắc đến chuyện của Đảng, dù không phải nói nhiều, ánh mắt ông nhanh chóng sắc trong trở lại, nụ cười rạng rỡ hẳn ra. Ông kêu vợ lấy tấm thẻ màu đỏ có hình Bác Hồ ở mặt ngoài, hình ông ở mặt trong do Đảng bộ Tây Ninh cấp cho ông năm 2004. Ông cười: “Cái gì quý tui giao bả giữ hết!”. Tấm thẻ Đảng được bà cất trong cái bóp cũ và được gói cẩn thận trong chiếc khăn vải gấp nhiều lần. Cầm lại tấm thẻ, ông không giấu được niềm tự hào. Ông bảo cái thẻ này hay lắm. Mỗi lần ông giờ nó lên quá đầu (PV- biểu quyết) là ông vui cả ngày.
Một đám cưới của bà con Khmer tại ấp Tầm Phô vào năm 2005.
Người đề nghị kết nạp Úk Long đứng vào hàng ngũ của Đảng chính là Bảy Liêm- Bí thư Đảng uỷ xã Tân Đông lúc bấy giờ. Ông Bảy Liêm là cán bộ lãnh đạo kỳ cựu, gắn bó với xã Tân Đông lâu năm nhất. Từ năm 1980, ông đã là Chủ tịch xã. Đến năm 1993, ông làm Bí thư xã, suốt ba nhiệm kỳ. Năm 2005, ông về làm Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Tân Châu đến năm 2011, mới về hưu. Ký ức về Tân Đông ông vẫn còn nhớ rõ, như mới hôm qua.
Ông bảo xã Tân Đông có 9 ấp, trong đó có e ấp là người dân tộc Khmer với mấy trăm hộ dân mà không có đảng viên nào. Như vậy, rất khó trong việc phổ biến tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng ông Úk Long vẫn luôn căn dặn vợ cẩn thận giữ gìn tấm thẻ Đảng như một báu vật.
“Rà lại một lượt các đối tượng có thể phát triển đảng, tôi chấm Úk Long. Về lý lịch, năm 1964 Úk Long làm trụ trì chùa Kà Ốt. Sau xuất sư về Tầm Phô làm già làng kiêm trưởng ấp. Đối với người Khmer chuyện đi tu là thường. Còn trong cuộc sống, ông ấy lại là người chất phác, có đạo đức và uy tín cao trong cộng đồng. Tôi thuyết phục Huyện uỷ xem xét lại vấn đề tuổi tác và trình độ văn hoá của trường hợp cá biệt này nhằm xây dựng nền tảng phát triển cơ sở đảng sau này.
May mắn là anh Tám Một- Bí thư Huyện uỷ thời đó đồng ý. Ngày 26/12/1997, Úk Long được Đảng uỷ xã kết nạp. Năm sau ông trở thành đảng viên chính thức”.
Ông Úk Long vui nhất là mỗi khi được cầm tấm thẻ Đảng giơ lên để biểu quyết những vấn đề hệ trọng cho phum cho sóc.
Nhắc lại vai trò của Úk Long, Thượng tá Trương Văn Tòng, nguyên Đồn trưởng Đồn biên phòng Kà Tum - người có thâm niên trên 25 năm gắn bó với vùng biên này nhớ rõ từng chi tiết: “Thời điểm đó, việc một người Khmer, cao tuổi, ít học được đứng vào hàng ngũ của Đảng, không chỉ là bước ngoặt lớn cho bản thân Úk Long và cả cộng đồng người Khmer ở Kà Tum mà còn là quyết định sáng suốt, kịp thời của Đảng uỷ xã Tân Đông, huyện Tân Châu. Mùa mưa năm 1999, một số người Campuchia bên xã Chan Mul sang cày, bừa, sạ lúa ngay trên đất của bà con ấp Tầm Phô đang canh tác.
Tranh chấp nổ ra, hai bên giằng co gần cả tuần lễ, phải nhờ chính quyền các cấp hai bên vận động, tình hình mới tạm ổn. Tuy nhiên, sau vụ việc ấy, nhân dân hai bên biên giới cắt đứt quan hệ mua bán, trao đổi hàng hoá. Bà con nông dân cả hai bên đều thiệt hại về kinh tế lẫn tinh thần. Nếu không có đảng viên – già làng Úk Long nhận thức đúng vấn đề, nói lời hay lẽ phải, thì tình hình vãn hồi sau căng thẳng hai bên khó mà lập lại trong thời gian ngắn” - ông Tòng nhớ lại.
Việc tranh chấp giữa bà con Khmer ở Tầm Phô với người Campuchia xã Chan Mul kéo dài và căng thẳng. Nếu không có cuộc đối thoại trực tiếp già làng hai bên, sự việc cũng khó vãn hồi.
Ông Hồ Thanh Liêm.
Ông Bảy Liêm, buông tách trà xuống bàn, ánh mắt sáng lên một niềm hãnh diện: “Hồi đó, để giảm nhiệt, chính quyền hai bên tổ chức cho các già làng đối thoại trực tiếp. Úk Long - Già làng ấp Tầm Phô (xã Tân Đông) chỉ cho già làng bên phum Ta Nong (xã Chan Mul) mảnh ruộng đang đứng, rồi nói: Hồi năm bốn mươi mấy, tao đã chăn trâu ở đây. Già làng bên kia xác nhận việc ông Úk Long nói là đúng với một vị quan chức bên Campuchia. Vị đó quay sang bảo với mấy người tranh chấp phía Campuchia: Đất người ta ở đây mấy ông còn đòi gì. Rút!”.
Nguyễn Thiện – Đức An – Lê Quân
(còn tiếp)