Văn hóa - Giải trí   Văn hóa - Giải trí

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng- từ dân gian đến di sản quốc gia

Kỳ 3: Giấc mơ làng nghề 

Cập nhật ngày: 22/12/2018 - 17:34

BTN - Hiện thực trước mắt: những trở ngại, khó khăn- thuộc loại vô vàn của làng nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là có thật. Nỗi lo “đứt mạch” làng nghề truyền thống cũng rất thật!

Bút ký: Nhất Phượng (Tiếp theo và hết)

Khách đến xem các sản phẩm chế biến từ bánh tráng ở Tuần lễ văn hoá, du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần II. Ảnh: Đ.H.T

Ai cũng biết nghề bánh tráng phơi sương có xuất xứ ở Trảng Bàng, tập trung nhiều nhất ở khu phố Lộc Du, Gia Huỳnh và xã Gia Lộc. Nhưng sau này nó cũng xuất hiện ở một số vùng lân cận, như Cẩm Giang (Gò Dầu), sang tận xã Lộc Giang của huyện Đức Hoà, thuộc tỉnh Long An. Nghe kể, ấy là do các cô gái xứ Trảng khi đi lấy chồng đã mang theo cả nghề mẹ dạy về “truyền bá” ở quê chồng.

Ngày nay, ở làng nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, ít ai tự đảm đương tất tật các khâu từ sản xuất tới tiêu thụ. Thường là có sự phân công tự nhiên. Như một kiểu tương tác giữa các mắt xích trong cái “dây chuyền công nghệ dân gian”: người chuyên tráng bánh, người chuyên nướng hoặc phơi bánh, người chỉ độc khâu phân phối...

Chị Gái, năm nay ngoài 40, vẫn bền bỉ công việc tráng bánh như thời con gái, trong khi nhiều người khác do tuổi tác hoặc hoàn cảnh riêng đã phải bỏ không lò tráng để chuyển sang nướng bánh, phơi bánh thuê. Lại có người, như chị Nguyễn Thị Nhiều, 61 tuổi, nhà tại Lộc Du, chuyên khâu thu gom, tiêu thụ. Vựa bánh đặt ngay tại nhà chị. Theo lời kể, chị Nhiều làm công việc này từ ngày giải phóng đến nay. Nghề do mẹ chị truyền lại.

Từ xưa, nhà chị đã gần như “gồm thâu” bánh tráng của tất cả các lò bánh trong vùng. Có lò, chị thu nhận bánh của họ liên tục qua mấy thế hệ- từ đời bà tới đời cháu nội. Bánh thu gom về, một phần gia đình chị Nhiều tự bỏ công ra nướng, phơi sương; một phần thuê các hộ khác làm hoặc có khi gọi thợ đến tập trung làm ngay tại nhà chị.

“Gì chứ phơi bánh cực lắm, ngán lắm, nhất là dịp tết, nhu cầu về bánh tráng phơi sương rất cao. Phơi sương thì phải từ 5, 6 giờ chiều và thường phải thức suốt đêm mới có đủ hàng để giao”- chị nói. Mới hay, ngoài tạo công ăn việc làm cho các hộ tự sản xuất hoặc chỉ gia công, tiêu thụ, nghề làm bánh tráng phơi sương còn góp phần hữu ích, giải quyết sinh kế cho không ít hộ nghèo chuyên nướng bánh, phơi bánh thuê.

Chưa kể, nó còn dắt dây thêm một số nghề “ăn theo” khác: các hộ chuyên đương, bán vỉ phơi, mua bán nhỏ lẻ, trồng rau sông (cung cấp cho các tiệm bánh tráng thịt luộc)... Và ai cũng “sống được” nếu như chịu khó, chăm chỉ với nghề. Tôi đã có dịp tham quan một xóm chuyên trồng rau sông ở xã Gia Lộc, mới biết đây là cái nghề có hướng phát triển tốt, đầu ra tiêu thụ không tệ nên khá hấp dẫn đối với nhiều hộ nông dân ở địa phương.

Trở lại chuyện bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, đường đi của nó theo như tôi nắm bắt được: bánh thành phẩm sau khi về tay đầu mối thu gom sẽ toả đi các hướng. “Việc tiêu thụ cũng không chừng, đắt ế tuỳ thời điểm. Khi nào khách hàng cần, chỉ việc alo là mình chuyển tới”- chị Nhiều cho biết. Các tiệm bánh canh, bánh tráng phơi sương thịt luộc nổi tiếng tại thị trấn Trảng Bàng như Năm Dung, Út Huệ ngày nào cũng lấy hàng của chị Nhiều. Chị cũng cung cấp hàng cho khách ngoài tỉnh, TP. Hồ Chí Minh chẳng hạn nhưng phải qua một đầu mối trung gian khác.

Đừng tưởng việc thu gom, phân phối, tiêu thụ- không phải ngồi bên lò tráng hầm hập nóng cả ngày hay phải lỉnh kỉnh vác ra, vác vô cả đống vỉ phơi là khoẻ! Ngoài việc phải tiết kiệm công thuê mướn bằng cách huy động cả nhà cùng tham gia nướng bánh, phơi sương, chủ vựa như chị Nhiều cũng phải biết tính toán một cách khéo léo, thông minh. Phải làm sao để khỏi bị động khi khách hàng yêu cầu số lượng nhiều và gấp.

Phải biết sắp xếp giao hàng cho hợp lý, không để hàng ứ đọng lâu. Vì đặc điểm của bánh tráng phơi sương- sau khi đã hoàn chỉnh các công đoạn, đủ tiêu chuẩn để lên bàn ăn là càng để lâu càng... dở, tốt nhất nên ăn ngay trong vòng một vài ngày, tối đa cũng chỉ một tuần lễ. Quá thời hạn đó, bánh sẽ rơi vào trạng thái “nằm mê”- ăn rất tệ.

Lễ hội Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần II- 2018 diễn ra khi tôi còn đang dang dở bài viết này. Thông tin nắm được từ một cán bộ của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Trảng Bàng: hiện tại, số hộ làm thủ công ở làng nghề bánh tráng phơi sương chỉ còn khoảng 20 hộ (không tính các hộ tranh thủ làm lẻ tẻ theo vụ). Có 6-7 hộ trong số đó tham gia biểu diễn, tái hiện công việc tráng bánh cho du khách được chứng kiến ngay tại lễ hội lần này. Tại đây, nhiều khách tham quan cũng được trực tiếp trải nghiệm thực tế, tự tay mình xoa bột, tráng bánh để rồi nhận ra: coi vậy mà không phải dễ!

Lễ hội nằm trong khuôn khổ Tuần lễ văn hoá và du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng- Tây Ninh 2018 được tổ chức theo lệ 2 năm một lần không ngoài mục đích “bảo tồn, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm văn hoá phi vật thể của địa phương”. Đó cũng là chủ trương của tỉnh, của huyện để giữ lấy một làng nghề truyền thống. Nhưng chủ trương là một chuyện, còn hiện thực với muôn ngàn khó khăn đang diễn ra lại là chuyện khác.

Trong thực tế, số nghệ nhân thâm niên của làng nghề ngày càng “rơi rụng”, trong khi lớp hậu bối lớn lên trong hoàn cảnh xã hội đã khác xưa, nhu cầu, khát vọng cũng khác xưa không còn mặn chuyện kế thừa cái nghề gia truyền “quá cực mà thu nhập không hấp dẫn chút nào”. Bên cạnh đó, một hướng đi thông thoáng, rộng mở cho làng nghề- về đề án quy hoạch, hỗ trợ đầu tư, về tổ chức quảng bá thương hiệu, xúc tiến sản phẩm thường niên, về kết nối làng nghề với du lịch vv...vv... hãy còn là chuyện “lực bất tòng tâm”.

Cũng vì thế, hiện nay, hiếm có hộ nào ở làng nghề chỉ thuần sản xuất bánh tráng phơi sương, trừ khi có khách đặt hàng còn bình thường họ chỉ làm bánh tráng nhúng mà thôi. Các hộ làng nghề vẫn còn phải tự loay hoay đối mặt với những thách thức đang tồn tại mà họ khó vượt qua.

Thành lập một làng nghề bánh tráng phơi sương thủ công tiêu biểu, kết nối với du lịch, thông qua các loại hình du lịch giải trí, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng; đưa sản phẩm làng nghề có chỉ dẫn địa lý đàng hoàng vào các điểm dừng chân du lịch là điều mà các cấp, ngành chức năng đã nghĩ tới. Nhưng bắt đầu từ đâu, kênh đầu tư nào... cho đến bây giờ còn là vấn đề nan giải. Chưa kể, nhiều yếu tố quan trọng khác như điều kiện môi trường, mặt bằng sản xuất, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, bảo quản, đóng gói, lưu thông sản phẩm...

Mấy ngày lang thang ở khu phố Lộc Du, nơi dân cư đông đúc, tôi đã chứng kiến và có chút băn khoăn về chuyện nơi ở cũng là nơi sản xuất của nhiều hộ làm nghề bánh tráng phơi sương. Sân phơi không có, nên nhiều người phải phơi bánh ngay trên lề đường, chấp nhận cho nó thi gan cùng xe cộ, khói bụi. Tất cả những chuyện ấy đều cần phải tính tới khi xây dựng đề án quy hoạch làng nghề, tuân theo một quy chuẩn chung nhằm nâng cao giá trị văn hoá du lịch địa phương nói chung, giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống nói riêng.

Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng hiện đã được công nhận thương hiệu tập thể nhưng muốn sản phẩm độc đáo này có cơ hội bay cao, bay xa, tương lai là xuất khẩu (tại sao không nhỉ?) thì ngay từ bây giờ phải quan tâm tất cả những điều như thế. Và nếu như không chủ quan hay quá lời, sự quan tâm ấy chắc chắn phải bắt đầu ở cấp vĩ mô.

Xin phép lan man một chút. Cách đây vài năm, tôi đã có dịp đặt chân đến làng cổ Soengup, nằm trên đảo Jeju của Hàn Quốc. Đây được gọi là một bảo tàng dân tộc sống của xứ sở kim chi, được Chính phủ Hàn đặc biệt coi trọng, chăm chút để biến nó thành một địa chỉ văn hoá du lịch độc đáo, thu hút khách du lịch nước ngoài.

Vì thế họ đã ban ra nhiều chính sách ưu đãi thiết thực cho người dân sinh sống ở làng cổ như miễn tiền điện nước, miễn học phí cho con em trong làng, hỗ trợ công ăn việc làm bằng chính các dịch vụ du lịch ở địa phương vv...vv... Chính điều đó đã khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ di sản làng cổ ngay tại địa phương mình. Có điểm tương quan nào chăng- với chuyện bảo tồn làng nghề bánh tráng phơi sương của ta? Thôi cứ để mọi người cùng ngẫm nghĩ.

Hiện thực trước mắt của ta: những trở ngại, khó khăn- thuộc loại vô vàn của làng nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là có thật. Nỗi lo “đứt mạch” làng nghề truyền thống cũng rất thật! Xin dẫn lại câu nói như lời tâm sự của chị Nhiều: “Thiệt tình, nếu giàu có, chắc không ai làm nghề này”. Nhưng chị Nhiều cũng đồng tình với ý kiến của nhiều người khác khi nói về nghề làm bánh tráng phơi sương: tuy không giàu nhưng có thể kiếm tiền đều đều mỗi ngày, không lo đói. Với họ, như vậy là chấp nhận được, để còn tiếp tục với nghề, dù trong lòng vẫn tiềm tàng một ước mơ cháy bỏng: mai này, làng nghề bánh tráng phơi sương....

N.P

Tin liên quan
  • Kỳ 1: Nghề của sự tinh tường và không nhàn hạ 

    Kỳ 1: Nghề của sự tinh tường và không nhàn hạ

    Nghề bánh tráng phơi sương rõ ràng không phải là một nghề nhàn hạ, có thể làm theo kiểu... đại khái, hời hợt, qua quýt. Có công thức đo lường nào chăng, cho từng công đoạn sản sinh ra chiếc bánh tráng phơi sương theo phong cách dân gian truyền thống? Câu trả lời chung là không!

  • Kỳ 2: Thầm lặng một tình yêu 

    Kỳ 2: Thầm lặng một tình yêu

    Người ta nói làm nghề nào yêu nghề đó, ai không yêu thích công việc của mình thì khó có thể đi với nó đến cuối cùng. Ðiều này cũng đúng với nghề bánh tráng phơi sương.