Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cải lương Tây Ninh - thời vang bóng
Kỳ 3: Những năm tháng gian khó
Thứ tư: 14:25 ngày 17/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong 10 năm (1962-1971), Đoàn Văn công đã biểu diễn phục vụ cho gần 1 triệu lượt người xem với trên 200 tiết mục lớn nhỏ.

Đội Xung kích của Đoàn Văn công Tây Ninh biểu diễn phục vụ bộ đội năm 1971.

Một tối chủ nhật, cách nay mười lăm năm, tôi đến nhà ông Nguyễn Thế Nghiệm (thường gọi là Út Nghiệm) - Trưởng đoàn Văn công Tây Ninh bây giờ. Điều trùng hợp là cả hai vợ chồng ông đều là những nghệ sĩ của Đoàn Văn công Giải phóng trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ.

Xem tập album hình ảnh của đoàn, trắng đen thôi, chiến tranh gian khổ thế, mất mát hy sinh thế, nhưng ai cũng thật đẹp, thật yêu đời. Vài tách trà nóng, nhạt nhoà khói thuốc, ông Út Nghiệm cho tôi biết, đoàn lấy ngày Chiến thắng Tua Hai 26.1.1960 làm ngày thành lập. Thật ra, cũng chẳng ai nhớ nỗi cụ thể ngày nào, chỉ nhớ là khoang khoảng như vậy.

 

Một số nhà Cách mạng lão thành hoặc những người gắn bó với Đoàn Văn công Giải phóng từ những ngày đầu mới thành lập cho biết: Khoảng cuối tháng 12.1960, nhân dịp Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam mới được thành lập, ta tổ chức mít tinh chào mừng ở rừng Bời Lời, ông Hai Bình (tức Nguyễn Văn Tốt, thời kỳ này giữ chức Phó Bí thư Tỉnh uỷ) yêu cầu nhóm ông Hai Thọ thực hiện một chương trình văn nghệ phục vụ đồng bào. Ông Hai Thọ phối hợp với ông Bảy Dũng dựng lại vở “Tống cổ đế quốc Mỹ”.

Dưới tầm đạn pháo

Trong hồi ký của mình, ông Bảy Phát viết: “… Khi tôi được Tỉnh uỷ gọi về Bời Lời gặp anh Tư Văn (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh- NV) vào đầu tháng 3.1961, tôi có hỏi phân công tôi làm công tác gì, anh nói gọi tôi về để xây dựng Đoàn văn công vì đoàn đã được thành lập rồi mà không có người chuyên môn phụ trách”. Về Bời Lời, ông Bảy Phát lấy vở “Đời Cô Lựu” của soạn giả Trần Hữu Trang làm sườn, viết thêm vở “Tức nước vỡ bờ” (còn có tên khác là "Nợ nước thù nhà").

Trong giai đoạn này còn có một soạn giả cải lương nổi tiếng khác là “Bác Tư” Thanh Hiền – tác giả của tân cổ “Chuyến xe Tây Ninh” sáng tác năm 1977 đến nay vẫn còn được xem là “bản tủ” của nhiều người mê vọng cổ, nhất là những người ca giống nghệ sĩ Thanh Tuấn.

Một lần ngồi dưới bóng những cây cổ thụ trong khuôn viên trụ sở của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh, khi còn đóng trong khuôn viên Toà Thánh Cao đài Tây Ninh, tôi đề nghị ông kể về đời mình, soạn giả Thanh Hiền cười khà khà với cốt cách đặc biệt mà hình như chỉ có dân xứ Trảng mới có: “Con còn lạ gì Bác Tư mà hỏi! Nhưng đã hỏi thì Bác Tư nói, người già thường sống với những hoài niệm, thèm được kể chuyện xưa cho lớp trẻ bây giờ nghe".

Soạn giả Thanh Hiền tên thật là Đỗ Văn Trượng, sinh năm 1942 tại ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Năm 1958, ông tham gia du kích xã nhưng đến năm 1960 thì bị lộ, phải nhảy vô bưng. Các vị lãnh đạo khi đó như ông Tư Văn (Phan Văn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - NV) biết ông có ngón đờn kìm khá mướt nên phân về Đoàn Văn công. 

Nhắc lại chuyện này, ông kể: "Có lần, ông Bảy Phát hỏi Bác Tư: 'Sao hồi đó mày gan vậy, mới vô 3 ngày đã dám sửa kịch bản của tao?'. Bác đáp liền: 'Gan gì anh! Thấy anh làm cực quá, mà cái vở ‘Nợ nước thù nhà có nhiều đoạn ca từ không khớp, tôi sửa chủ yếu là vì phong trào mà anh'".

Cũng trong năm đó, ông viết bản cải lương đầu tiên là bài ca theo điệu xang xừ líu có tựa đề ‘Cho đời ta mãi đượm hương hoa’, ca ngợi những người nữ du kích. Ở Đoàn được hơn tháng, ông được rút lên R (Trung ương Cục miền Nam).

Đoàn Văn công Tây Ninh biểu diễn tiết mục múa “Đồng khởi” phục vụ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 14 năm.

Đoàn hoạt động rất mạnh, đi biểu diễn phục vụ đồng bào ở khắp nơi trong tỉnh. Có khi phải luồn rừng, băng qua sông trong đêm ngay trước mũi súng của giặc, để kịp đến nơi biểu diễn. Cái sống và cái chết cách nhau trong gang tấc.

Cũng vì lẽ đó, trong suốt năm 1961, Tỉnh uỷ không cho phép đoàn tuyển diễn viên nữ, phải bắt diễn viên nam đóng giả. Trong vở “Quét sạch quân xâm lược” có vai “Đệ nhất phu nhân” Trần Lệ Xuân. Lúc mới thành lập, vai này do ông Hai Một thủ diễn. Sau ông Hai Một chuyển công tác khác, vai Trần Lệ Xuân giao lại cho ông Năm Nam. Soạn giả Xuân Phát kể: Có lần, đoàn diễn phục vụ ở Bến Cầu. Một số cô gái kéo ra phía sau sân khấu để xem mặt “đào” Năm Nam.

“Đào” Năm Nam khá đẹp trai, mặt đầy đặn, sóng mũi cao… lại mặc đầm khá mốt, do đoàn gởi cơ sở ra ngoài mua. Nhìn “đào Năm Nam dễ thương quá, các cô cứ tìm cách nắm tay, vịn vai, chắt lưỡi khen đẹp. Ngồi trò chuyện khá lâu, “đào” Năm Nam “mót” quá, xin phép ra ngoài một chút. Có cô lén theo rình. Lúc phát hiện “đào” Năm Nam đứng vén đầm lên, cô này la ầm lên “Trời ơi! Đào là… là đàn ông tụi bây ơi!”, rồi ù té chạy.

Đối với ông Bảy Phát, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần cùng với đoàn đi biểu diễn phục vụ bà con xã Ninh Điền (Châu Thành), khoảng đầu mùa mưa năm 1961. Sân khấu được dựng cặp bên một con suối, hai bên đào hai cái lỗ sâu, đặt đèn măng-xông bên dưới để giấu ánh sáng, khi nào máy bay địch bay qua thì lấy nón lá úp lại. Đêm ấy, hơn 5.000 người đến xem đoàn biểu diễn.

Cũng nhờ dân, đoàn mới phát hiện một tên gián điệp giấu lựu đạn trong bụi tầm vông gần đó, chờ cơ hội. Bà con xã Ninh Điền còn bắt được một nữ gián điệp vừa qua Bến Sỏi báo cho địch biết địa điểm đoàn văn công “Việt Cộng” biểu diễn. Khoảng hơn 19 giờ, lúc đoàn chuẩn bị mở màn, địch bắn pháo cấp tập.

Ông Xuân Phát nhớ rất rõ, địch bắn đúng 32 quả. Bà con ào xuống lòng suối để tránh pháo. Ngớt pháo thật lâu, nhưng bà con vẫn chưa dám lên. Lúc này, lãnh đạo đoàn quyết định cử ông Cửu Long Thi, người có giọng vang rất xa, lên hát bài xàng xê. Ông Cửu Long Thi bước ra, mặt quay về hướng con suối, nói lối:

“Đất Phú Lợi long lanh dòng máu đỏ

Trời miền Nam ủ rũ đoá mai vàng…”

Mới đến đó, một ông cụ lớn tuổi nhổm dậy, la lớn: “Hay quá, bây ơi! Lên… lên, dân Thanh Điền mình lên trước!”. Cửu Long Thi ca sang bài thứ hai, tất cả người dân tránh pháo dưới lòng suối đều lên hết.

“Tiếng hát át tiếng bom”

Ông Út Nghiệm kể lại, trong những năm kháng chiến, đoàn đi biểu diễn phục vụ nhân dân, chiến sĩ khắp nơi trong tỉnh. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu phục trang, đạo cụ… cả đoàn cùng nhau đi gặt lúa mướn, thậm chí còn nấu cả cao hà thủ ô mang ra ngoài bán. Có người dân, thương quá, mướn gặt lúa xong, còn cho cả một con bò để khao. Những năm ác liệt, đoàn phải phân tán nhỏ thành nhiều đội xung kích phục vụ cho bà con vùng ven, ấp chiến lược, vùng căn cứ lõm, vùng biên giới, sang tận Bình Dương, Bình Phước.

Các nghệ sĩ của đoàn còn tham gia tiếp lương, tải đạn, chuyển thương trong các chiến dịch lớn. Có người còn được phong tặng danh hiệu "kiện tướng dân công". Không ít lần phải gánh chịu những trận bom dập, pháo nhồi đến ra máu lỗ tai, suýt chết vì B-52 rải thảm… Giặc đến, họ gác đàn sang bên, sẵn sàng xung trận. Giặc đi, lại mang tiếng hát, lời ca phục vụ đồng bào, khích lệ tinh thần chiến sĩ.

Ngoài những chương trình ca múa các bài hát kháng chiến và vở cải lương "Tống cổ đế quốc Mỹ" do ông Hai Thọ viết trong những ngày đầu mới thành lập, những năm sau này, Đoàn Văn công Giải phóng còn diễn thêm một số vở như "Cây đắng sinh trái ngọt" (ông Hai Thọ viết, năm 1963), "Hai ngã đường (Xuân Phát, 1964), "Ai là thủ phạm" (Cửu Long Thi, 1963), "Ngọn gió đêm hè" (Lê Ngọc Phái tức Phạm Ngọc Truyền, 1963), kịch nói "Bình định thủng thỉnh" (Nguyễn Vũ, 1969)…

Sách Truyền thống ngành Tuyên giáo, 1945 – 2000 viết: “Trước tình hình bom đạn ác liệt của chiến tranh cục bộ, anh chị em diễn viên Đoàn Văn công Tây Ninh vẫn không sờn lòng, đã nêu cao khẩu hiệu ‘tiếng hát át tiếng bom’. Đoàn đã vượt biết bao trở ngại, khó khăn, át liệt, thiếu kém, đem lời ca tiếng hát đến từng thôn xóm, từng chiến hào, từng bệnh viện và đến tận đồng bào vùng địch tạm kiểm soát…

Trong những năm 1965-1967, để thích nghi với chiến tranh cục bộ, Đoàn thường phân tán thành nhiều đội xung kích đi biểu diễn dưới tầm bom pháo của địch. Tại Trảng Bàng, khi trực thăng đổ quân, diễn viên xuống hầm bí mật; trực thăng hốt quân đi, diễn viên trồi lên diễn tiếp. Có ngày diễn năm, bảy cuộc, diễn viên cũng năm bảy lần xuống hầm, đêm lại tiếp tục diễn, có bao nhiêu người xem cũng diễn. Cứ như thế, các đội xung kích diễn liên tục hàng tháng, hết tháng này sang tháng khác. Hoạt động sôi nổi của các đội xung kích không những đã góp phần nâng cao đời sống văn hoá lành mạnh cho nhân dân trong tỉnh, mà còn góp phần động viên khí thế đánh Mỹ, diệt nguỵ của quân và dân ta”.

Theo lời kể của ông Út Nghiệm, ngoài việc biểu diễn phục vụ, các đội xung kích của Đoàn còn phối hợp với thầy và trò Trường nội trú Hoàng Lê Kha anh dũng chống càn. 5 diễn viên đã tiêu diệt 20 tên địch, 2 diễn viên bị thương nhưng vẫn tiếp tục công tác.

Trong 10 năm (1962-1971), Đoàn Văn công đã biểu diễn phục vụ cho gần 1 triệu lượt người xem với trên 200 tiết mục lớn nhỏ. Được người xem tán thưởng nhất các vở ca kịch cải lương tự biên như: Tống cổ đế quốc Mỹ, Cây đắng sanh trái ngọt, Nợ nước thù nhà, Hai ngã đường, Gieo gió gặt bão, Ai gây nên tội, Trăng lên, Ly rượu...

Đ.H.T

(còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục