Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Kỳ 3: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển
Thứ tư: 00:32 ngày 24/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc là điều vô cùng cần thiết, trong đó, thu hút đầu tư các doanh nghiệp có tiềm năng, năng lực sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, kể cả nông nghiệp công nghệ cao là những vấn đề rất cần được quan tâm.

Thu hoạch dưa lưới

Thu hút doanh nghiệp tiềm năng

Công ty TNHH thương mại - sản xuất - chế biến - xuất nhập khẩu trái cây Tam Nguyên chi nhánh 2 (xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu) đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cấp đông, do đó, trái mãng cầu xiêm hoa vàng được công ty áp dụng quy trình sản xuất chuẩn GlobalGAP.

Ông Đặng Ngọc Quý- Chủ tịch Công ty cho biết, với hướng mở rộng vùng nguyên liệu, công ty đã liên kết với nông dân trồng 3,2 ha mãng cầu xiêm hoa vàng trên địa bàn xã Lộc Ninh. Tuy nhiên, do người dân canh tác theo kiểu truyền thống, không áp dụng tiêu chí nông nghiệp mới; không đáp ứng được quy trình canh tác của công ty đưa ra.

Nông dân trồng được một thời gian thì bỏ, không chăm sóc cây trồng, gây khó khăn về nguồn nguyên liệu của công ty. Sau hai năm triển khai, đến nay, vùng nguyên liệu của Công ty không đủ cung ứng cho khách hàng quốc tế như:  Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Đức. Điều đáng nói hơn là công ty sẽ mất luôn chi phí đầu tư ban đầu.

 Năm 2021, Công ty xây dựng dự án liên kết phát triển vùng trồng nguyên liệu mãng cầu xiêm hoa vàng tiêu chuẩn GlobalGAP và xây dựng nhà máy chế biến mãng cầu xiêm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau hơn một năm trình dự án lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND tỉnh, đến nay, dự án vẫn chưa được xem xét thông qua.

Để phát triển bền vững nông nghiệp công nghệ cao, công ty kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án phát triển khả thi, có tâm huyết trong sản xuất nông nghiệp để doanh nghiệp lập dự án xúc tiến đầu tư, được hỗ trợ về đất đai để mở rộng vùng nguyên liệu, còn nếu dự án đó không khả thi, tỉnh cần có những hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp.

Hiện nay, công ty chờ dự án trên được tỉnh phê duyệt để được hỗ trợ trong việc triển khai vùng nguyên liệu 24 ha trên địa bàn xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu; tái lập nhà xưởng theo tiêu chuẩn mới để phát triển sản phẩm nông sản; hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng để đầu tư sản xuất. Chính vì vậy, Công ty mong muốn UBND tỉnh xem xét thông qua dự án trên để tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Dưa lưới sản xuất theo hướng công nghệ cao.

Nhiều đề xuất, kiến nghị cần giải quyết

Huyện Dương Minh Châu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 1-2 doanh nghiệp được công nhận đủ tiêu chí là doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khép kín theo “chuỗi” từ sản xuất nguyên liệu, chế biến, bảo quản, tiêu thụ.

Đồng thời, xây dựng ít nhất 1-2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, ưu tiên phát triển tại xã Cầu Khởi diện tích 503,25 ha, xã Chà Là 150 ha, xã Lộc Ninh 500 ha, xã Phan 20 ha với nhiệm vụ chính: chuyển giao, ứng dụng, trình diễn mô hình kỹ thuật đối với chăn nuôi bò thịt tập trung quy mô công nghiệp, trồng cây ăn trái xuất khẩu, trồng rau, củ quả xuất khẩu, nuôi trồng thuỷ sản.

Ông Đặng Thủ Thừa- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra, địa phương đề xuất tỉnh, đối với các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã được tỉnh ban hành (chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…) cần được rà soát, đánh giá những vấn đề khó khăn, bất cập để điều chỉnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể, nông dân tiếp cận chính sách.

Bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện nay, UBND huyện phối hợp với Sở NN&PTNT quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh lựa chọn kêu gọi các nhà đầu tư tâm huyết, đủ lực đến Tân Châu, đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao để dẫn dắt nông dân tiếp cận; đồng thời, sớm phê duyệt các vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT, trong thời gian tới, ngành tiếp tục khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo định hướng, gắn phát triển chuỗi giá trị nông sản; làm cơ sở đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phát triển nguyên liệu đáp ứng nhu cầu cho chế biến, tiêu thụ.

Một số chỉ tiêu phấn đấu như: nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030. Gia tăng giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích (ha) đất trồng trọt đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng và năm 2030 đạt 130 triệu đồng. Riêng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt giá trị sản phẩm trên 1 ha sản xuất từ 150 triệu đồng năm 2025 và 180 triệu đồng vào năm 2030.

Ngành sẽ tập trung tích hợp và triển khai có hiệu quả quy hoạch nông nghiệp vào quy hoạch chung của tỉnh; đẩy mạnh việc thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo đúng định hướng, đầu tư nông thôn mới có hiệu quả, chú trọng mời gọi đầu tư phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chế biến.

Tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện Đề án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh và Đề án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu để tập trung nguồn lực hình thành vùng NNCNC của tỉnh.

Ngành cũng tập trung tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành phương án bàn giao quỹ đất của các công ty nông nghiệp giao về địa phương quản lý, đồng thời rà soát đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao- nhất là các dự án liên kết cùng nông dân, hình thành chuỗi liên kết sản xuất NNCNC bền vững. Ngoài ra, tiếp tục rà soát và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo động lực chuyển đổi phương thức sản xuất của người dân.

Nhi Trần - Trúc Ly

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục