Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giá trị dẫn đường trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Kỳ 4: Chủ đề xuyên suốt về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam 

Cập nhật ngày: 29/07/2024 - 17:44

BTN - Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động...

Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được CNXH ở Việt Nam? Đây là chủ đề xuyên suốt, được tác giả - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề qua các báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá XII, diễn văn bế mạc Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Ðảng Cộng sản Việt Nam và các bài phát biểu tại kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội khoá XV, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, các hội nghị của các tổ chức chính trị - xã hội, các bộ, ngành, Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Hội nghị về đối ngoại toàn quốc, Hội nghị tổng kết của Hội đồng Lý luận Trung ương, Ðại hội Công đoàn Việt Nam, Ðại hội Hội Nông dân, Ðại hội thi đua yêu nước toàn quốc… và diễn văn tại các lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra mục tiêu tổng quát với khát vọng “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa (1)”, trong đó có mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 và 2045. Đặc biệt, “đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, nay là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao (2)”. Để đi tới khát vọng phồn vinh, hạnh phúc này không phải là con đường dễ dàng, bằng phẳng, nhất là trong một thế giới đầy những biến động khó lường như hiện nay. Vậy nên, trong tác phẩm này, Tổng Bí thư đã khẳng định chúng ta cần tỉnh táo và xử lý một cách kịp thời, hiệu quả với “tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới (3)”, đó chính là từ những chỉ dẫn toàn diện trong cuốn sách này.

Để thích ứng với một thế giới đầy biến động hôm nay, để không đi chệch hướng, tức là không phản bội lại lý tưởng, máu xương của các thế hệ đi trước, không phản bội lại niềm tin, kỳ vọng của Nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam phải vượt lên chính mình, phải hoà nhịp bước chung trong dòng chảy văn minh, tiến bộ của nhân loại. Vì lẽ đó, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động (…). Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống (4)”. Quan điểm này của Tổng Bí thư cũng chính là sự nhất quán về nguyên tắc mà Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định, đó là: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… (5)”.

Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, chắc chắn có nhiều cách thức khác nhau. Tổng Bí thư chỉ rõ chúng ta cần: “Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện (6)”.

Tổng Bí thư khẳng định rằng chúng ta cần đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng để làm cho đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng và sự ủng hộ của Nhân dân: “Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng XHCN (7)”. Đặc biệt, chúng ta cần phải quay trở về với Bác Hồ, với những chỉ dẫn đặc biệt từ tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong tác phẩm này, Tổng Bí thư đã có 2 bài viết về việc học và làm theo Bác Hồ trong giai đoạn hiện nay. Bài viết: “Kế tục trung thành sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vững bước đi lên CNXH”, tác giả khẳng định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx- Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh “đã vạch ra con đường cách mạng sáng tạo, phù hợp với đặc thù của thực tiễn cách mạng Việt Nam (8)”. Vậy nên, học Bác Hồ chính là chúng ta học tư duy đổi mới, sáng tạo của Người bởi vì Người là một nhà chính trị, nhà tư tưởng với những tư duy đổi mới vượt thời đại. Trong khi đa phần các sĩ phu đi phương Đông để tìm con đường cứu nước thì Nguyễn Tất Thành đi phương Tây. Theo Lenin, quy luật ra đời của Đảng Cộng sản là CNXH kết hợp với phong trào công nhân, Nguyễn Ái Quốc cho rằng ở Việt Nam cần thêm thành tố là phong trào yêu nước Việt Nam. Chính vì tư duy đặc biệt này mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã quy tụ được tất cả các giới đồng bào vì lợi ích cao nhất của quốc gia, dân tộc, năm 1959, khi thế giới chưa xem bảo vệ môi trường là cấp thiết thì Hồ Chí Minh đã phát động Tết trồng cây… Tổng Bí thư yêu cầu chúng ta cần “đưa việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành sinh hoạt chính trị thường xuyên, trở thành nhu cầu văn hoá trong Đảng, trong dân (9)”. Muốn vậy, theo Tổng Bí thư, mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu “người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong Đảng và trong bộ máy chính quyền lại càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, Nhân dân noi theo như lời Bác dạy: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền (10)”.

Vũ Trung Kiên

(còn tiếp)

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập II, tr. 326

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập II, tr. 327

(3) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 35

(4) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 37-38

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập II, tr. 324

(6) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 24

(7) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 29

(8) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 234

(9) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 239

(10) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 239

Tin liên quan