Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xuân nơi đầu sóng, ngọn gió
Kỳ cuối: Hạnh phúc nảy mầm từ những gian khó, hy sinh
Chủ nhật: 20:16 ngày 04/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không thể ở lại quá lâu, song, chúng tôi vẫn kịp nghe được nhiều câu chuyện cảm động về những đảng viên, cán bộ đã dành trọn tuổi xuân cho biển đảo quê hương. Với các anh, “đảo là nhà, biển là quê hương, đồng đội là anh em”.

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Nam Du gói bánh chưng đón tết sớm.

Vùng biển Tây Nam của Tổ quốc vẫn ngày đêm sóng gió gầm gào, luôn đối mặt với nhiều hiểm hoạ. Song, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ nơi đảo tiền tiêu vẫn một lòng sắt son, giữ trọn lời thề giữ vững từng tấc đất, hòn đảo của cha ông, cùng nhau xây đắp và giữ gìn truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng, giúp bạn tận tình, đoàn kết hiệp đồng, làm chủ vùng biển”.

Dành trọn tuổi xuân cho biển đảo quê hương

Trong hành trình 7 ngày cùng hai tàu 528 và 924 đi thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các lực lượng trên vùng biển Tây Nam, nhờ sóng yên biển lặng, chúng tôi được ghé đến 5 điểm đảo. Không thể ở lại quá lâu, song, chúng tôi vẫn kịp nghe được nhiều câu chuyện cảm động về những đảng viên, cán bộ đã dành trọn tuổi xuân cho biển đảo quê hương. Với các anh, “đảo là nhà, biển là quê hương, đồng đội là anh em”.

Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, từ bé, Trung tá Bùi Anh Dũng- nhân viên kỹ thuật Trạm ra-đa 610 đảo Thổ Chu đã mơ ước trở thành người lính. Ngày được khoác lên mình bộ quân phục màu trắng Hải quân, Trung tá Dũng tự hứa với bản thân luôn phấn đấu, rèn luyện để được đứng vào hàng ngũ Đảng. Hơn 30 tuổi quân, tuổi Đảng, Trung tá Bùi Anh Dũng đã dành trọn thanh xuân ở đảo.

Trung tá Dũng kể, ngày được cấp trên phân công về công tác tại Trạm ra-đa 610, anh quyết tâm gắn bó với mảnh đất này, nên thuyết phục vợ cùng ra đảo sinh sống. Đến nay, đã hơn 30 năm gắn bó với Thổ Chu, nơi đây không còn là điểm công tác mà là nhà, quê hương thứ hai của vợ chồng anh.

Anh Dũng tâm sự: “Không chỉ thanh xuân mà cả cuộc đời binh nghiệp của tôi gắn bó với biển đảo. Ở nơi tiền tiêu, quân và dân rất tình cảm, giống như một gia đình vậy. Khi cần, tất cả đều chung một lòng, xây thế trận vững chắc để bảo vệ phên giậu Tổ quốc”.

Còn với Thiếu uý Hứa Quốc Triệu, nhân viên Trạm ra-đa 600 đảo Nam Du, hơn 1 năm gắn bó với đảo là từng đó thời gian Thiếu uý Triệu thực hiện nghiêm lời thề của người quân nhân, người đảng viên bằng những việc làm thiết thực như vận động mạnh thường quân xây dựng nhà mới cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; giúp đỡ người dân tháo dỡ, sửa chữa nhà cửa đã xuống cấp; đồng hành cùng chiến sĩ, đoàn viên thanh niên dọn dẹp vệ sinh khu vực biển; đoàn kết, giúp đỡ đồng chí, đồng đội trong công việc và chia sẻ với nhau những chuyện vui, buồn của cuộc sống.

“Là một người lính cũng là một đảng viên, tôi luôn tâm niệm nơi đầu sóng ngọn gió, trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi cán bộ, đảng viên phải là đầu tàu gương mẫu, thực sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, ý thức trách nhiệm; kiên quyết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch; tuyên truyền người thân, gia đình và đồng chí, đồng đội thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhân dân”- Thiếu uý Triệu chia sẻ.

Bên cạnh đó, để gieo “hạt giống đỏ” nơi đảo tiền tiêu, công tác phát triển đảng viên mới được xem là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các tổ chức đảng, góp phần bổ sung nguồn đảng viên trẻ có năng lực, nhiệt huyết, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Hành trình 7 ngày đêm đến các đảo tiền tiêu nơi vùng biển Tây Nam, với chúng tôi, đây chính là hành trình của trái tim, kết nối và lan toả về tình yêu biển, đảo. Chuyến đi đã khép lại, nhưng tình yêu biển, đảo, tinh thần người lính, những kỷ niệm về tình quân dân nơi đảo xa anh dũng, nghĩa tình sẽ luôn sống mãi trong trái tim chúng tôi. Xin chúc cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo Tây Nam thêm sức mạnh để tiếp tục theo đuổi lý tưởng cao cả, gìn giữ biển trời non sông gấm vóc.

Xin mãi khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Theo Thiếu tá Đặng Ngọc Mạnh- Ngành trưởng Ngành ra-đa, Trạm 610 đảo Thổ Chu, Chi bộ đều phân công đảng viên giúp đỡ rèn luyện phẩm chất chính trị, tư tưởng, lối sống... để mỗi quần chúng thêm trưởng thành, có điều kiện phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Giây phút thư giãn, đọc sách báo của cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 610, đảo Thổ Chu.

Để Tây Nam ngày càng vững mạnh

Có lẽ nhờ sự kiên trung của quân và dân ta mà đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vùng biển Tây Nam đã có nhiều thay đổi tích cực, toát lên một sức sống kiên cường.

Quần đảo Nam Du thuộc xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang đã từng gánh chịu tổn thất nặng nề về người và tài sản từ cơn bão Linda năm 1997. Nhưng ngày nay, Nam Du nổi lên như viên ngọc lấp lánh giữa khơi xa.

Theo ông Trần Quốc Toản- Bí thư xã An Sơn, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở vật chất hạ tầng trên đảo đang được đầu tư xây dựng với hệ thống cầu cảng, đường giao thông vòng quanh đảo, trường học, trạm y tế và các công trình an sinh xã hội phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Nhất là đầu năm 2018, quần đảo Nam Du được UBND tỉnh công nhận là khu du lịch đảo Nam Du, thúc đẩy du lịch đảo ngày càng phát triển.

Nam Du thu hút khách du lịch gần xa bởi vẻ hoang sơ. Khu vực dịch vụ phục vụ du khách chủ yếu tập trung ở bến cảng. Khách đến du lịch, sau khi tìm được chỗ nghỉ, có thể thuê xe máy đi vòng quanh đảo, hoặc đi thuyền ra biển để đến các bãi tắm đẹp, câu mực, lặn ngắm san hô hay ngắm cảnh đất trời dưới những hàng dừa lung linh soi bóng biển khơi và trải nghiệm cuộc sống của ngư dân nơi đảo xa.

“Chúng tôi đã kêu gọi được một số nhà đầu tư chiến lược và đã đầu tư một số cơ sở dịch vụ lưu trú đáp ứng yêu cầu để phát triển du lịch. Hiện nay, các cơ sở lưu trú của địa phương có sức chứa khoảng 1.000 đến 1.200 khách/ngày.

Bên cạnh đó, chúng tôi vận động nhân dân sửa chữa cơ sở vật chất; tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm; chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ tốt công tác phát triển du lịch hiện nay cũng như trong thời gian tới”- ông Toản nói.

Chiến sĩ Trạm ra-đa 625, đảo Hòn Đốc tăng gia sản xuất.

Biển đảo đẹp, tình người trên biển đảo cũng đẹp. Chị Lê Kim Thuý, ngụ xã An Sơn cho biết, gần một đời người gắn bó với Nam Du, chứng kiến bao gian nan, vất vả của quân và dân, dẫu vậy, quân dân không bao giờ chùn bước, cùng quyết tâm vượt qua khó khăn, bám trụ, bảo vệ biển trời quê hương.

“Cuộc sống của nhân dân ở đảo đang thay đổi từng ngày, tình quân dân và làng xóm rất gắn kết. Hộ nào khó khăn đều được địa phương quan tâm hỗ trợ cho vay vốn, phương tiện sản xuất, đánh bắt để phát triển kinh tế. Nếu chẳng may ốm đau cũng được các y, bác sĩ của trạm y tế, quân y tận tình chăm sóc”- chị Thuý nói.

Trong năm 2023, Vùng 5 Hải quân đã huy động 26 cán bộ, chiến sĩ kéo lồng bè của ngư dân ra khỏi nơi mắc cạn; hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tổ chức di chuyển tài sản, chằng chống nhà cửa, kè bờ biển, và kéo phương tiện giúp đỡ nhân dân trong cơn bão số 3; cấp cứu kịp thời 5 ngư dân gặp nạn trên biển.

Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; thăm, chúc tết, tặng quà các gia đình chính sách trong đơn vị và trên địa bàn đóng quân dịp lễ, tết... được quan tâm thực hiện, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân, nghĩa tình giữa đơn vị và địa phương.

Mùa xuân đang gõ cửa từng nhà. Ở đất liền, người người, nhà nhà hối hả hoàn thành công việc cuối năm. Ai cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao với một tâm thế phấn chấn, tự hào đón năm mới Giáp Thìn với bao hoài bão, bao đổi thay.

Còn ở các hòn đảo phía Tây Nam của Tổ quốc, mỗi cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân cùng các lực lượng đứng chân trên đảo vẫn miệt mài với nhiệm vụ tuần tra, canh gác vùng trời, vùng biển. Những đôi “mắt thần” phía Tây Nam Tổ quốc không lúc nào ngơi nghỉ, thầm lặng canh gác, giữ vững biển đảo cho đất liền bình yên.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục