Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ðậm đà bản sắc dân tộc vùng biên
Kỳ cuối: Hiểu để thêm yêu
Thứ sáu: 15:25 ngày 08/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nếu thế hệ trẻ vẫn còn tình yêu với văn hoá dân tộc, không chọn đứng ngoài cuộc thì mọi thách thức đều là cơ hội để phát triển, tạo nên giá trị kinh tế từ văn hoá dân tộc

Theo thời gian và tác động của quá trình hội nhập, văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang đối mặt với nhiều thách thức. Nếu thế hệ trẻ vẫn còn tình yêu với văn hoá dân tộc, không chọn đứng ngoài cuộc thì mọi thách thức đều là cơ hội để phát triển, tạo nên giá trị kinh tế từ văn hoá dân tộc

Ông Mây Xiêm hướng dẫn các bạn trẻ tập đánh trống Chhay-dăm.

Băn khoăn của già làng

Không chỉ là cầu nối tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, những già làng, người có uy tín trên địa bàn còn là “đầu tàu” trong giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Thế nhưng, lớp người luôn nặng lòng với vốn tài sản quý giá ấy không còn nhiều và cũng ngày một lớn tuổi. Trong khi thế hệ trẻ không phải ai cũng có ý thức giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống.

Người uy tín Mây Xiêm tại sóc Bàu Ếch (xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành) là một trong những người uy tín tiêu biểu được người dân nể trọng, chính quyền địa phương tin tưởng. Trở thành người uy tín từ năm 2001, ở cái tuổi gần 60, ông còn nặng lòng với những nét văn hoá, đau đáu nỗi lo: một mai mình không còn, liệu thế hệ con cháu có gìn giữ được những giá trị của cha ông?

Ông nói: “Văn hoá là cội nguồn, nếu như không lưu giữ thì không ai còn nhớ được nguồn gốc của dân tộc mình”.

Hiếm có người uy tín nào như ông Mây Xiêm có thể am tường từ điệu múa Chhay-dăm độc đáo cho đến loại hình nhạc ngũ âm cầu kỳ, hay điệu múa Lâm-thôn lôi cuốn. 

Ông kể: “Hồi xưa, có thầy trong sóc dạy lại những loại hình cho 3 người, trong đó có tôi. Hai người kia đã mất, giờ chỉ còn mình tôi. Những cái văn hoá dân tộc này mình gìn giữ vì yêu. Nếu không thực sự yêu, khó ai có thể tốn nhiều thời gian, công sức để bảo tồn”.

Thế hệ trẻ đồng bào dân tộc thiểu số sẵn sàng tham gia các hoạt động để bảo tồn văn hoá dân tộc.

Dành cả cuộc đời để gìn giữ những nét văn hoá truyền thống của đồng bào, từ mở lớp dạy tiếng Khmer, cho đến đi từng nhà tụ họp các em nhỏ để thành lập các nhóm biểu diễn. Khó có thể kiếm được người nặng lòng và tâm huyết như ông Mây Xiêm. Tình yêu văn hoá, nghệ thuật truyền thống của ông như giọt mưa lành, ngấm vào đất làm nảy nở mầm xanh trong từng lớp trẻ của sóc Bàu Ếch.

Trong các thể loại nghệ thuật, hát ru được truyền bá và lưu giữ thông qua truyền khẩu. Trong đồng bào Tà Mun, bà Lâm Thị Niệm (67 tuổi, ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh) được xem như nghệ nhân cuối cùng gìn giữ loại hình này. Bà Niệm nổi tiếng với làn điệu “Ru con ngủ”, được gia đình bà truyền lại qua 3 thế hệ.

Bên trong căn nhà nhỏ, đơn sơ, lời hát ru bằng tiếng Tà Mun của bà Niệm có âm điệu êm ả, thanh bình, với ý nghĩa miêu tả cảnh sinh hoạt từ xa xưa: “Con ơi! Con ngủ cho say để mẹ lên rẫy, trồng dưa, trồng cà…”. Chứng kiến nhiều người trong tộc qua đời do tuổi cao sức yếu, nhìn lại mình cũng đã gần 70, bà Niệm lo lắng: “Lứa tụi tui mà mất đi chắc hát ru cũng mất theo. Hồi xưa người ta hay ru, giờ ít ai hát nữa. Do người Tà Mun không có chữ viết, chỉ có tiếng nói nên việc tìm tòi, soạn những bài hát như thế này rất khó”.

Suốt 10 năm qua, bà miệt mài gầy dựng một đội múa hát dân ca, hát ru. Bà Niệm nói: “Có đội để biểu diễn phục vụ đồng bào những dịp lễ, tết, cúng miễu, cúng vàng... vừa tạo sân chơi để tụi nhỏ giải trí, vừa gìn giữ những bài dân ca, hát ru của dân tộc mình”.

Dù điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn; trang phục biểu diễn phải dành dụm để mua, thùng loa thì mượn nhà này, nhà nọ tập luyện, nhưng nhóm vẫn được duy trì bằng tất cả tâm huyết của những người yêu văn hoá dân tộc. Cứ vài tuần, nhóm lại tổ chức sinh hoạt. Những câu chuyện, nguồn gốc của hát ru, dân ca được bà Niệm kể lại, để khơi dậy đam mê của các con, các cháu, với mong mỏi các bạn trẻ ý thức được giá trị của văn hoá cha ông để lại.

“Nhìn thấy mấy đứa nhỏ siêng tập luyện, nên tôi cũng cố gắng. Có người học là còn có thế hệ sau tiếp nối, gìn giữ văn hoá, không để mai một”- bà Niệm bày tỏ.

Thách thức cũng là cơ hội

Là người có thời gian tìm hiểu các loại hình nghệ thuật dân tộc trên địa bàn tỉnh, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông cho rằng, các bài dân ca dễ bị mai một đi nếu nghệ nhân hát dân ca qua đời mà không có truyền nhân, người kế thừa… Trước sự phát triển ào ạt của dòng nhạc thị trường hiện nay, việc sưu tầm và lưu giữ, bảo vệ nguồn tài sản tinh thần quý giá này là vấn đề cấp thiết, tránh nguy cơ làm đứt mạch chảy từ xa xưa của dòng dân ca dân tộc.

Thực tế, tại một số dân tộc thiểu số, người biết sử dụng nhạc cụ hay các điệu múa truyền thống, các làn điệu dân ca đang dần ít đi. Thậm chí, nhiều nơi còn đối mặt với nguy cơ mai một tiếng nói, chữ viết.

Trước sự hội nhập và phát triển của công nghệ, mạng xã hội, giới trẻ ngày càng thờ ơ, không còn mặn mà với văn hoá truyền thống trở thành một vấn đề đáng quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức về văn hoá thời công nghệ số, cũng mở ra nhiều cơ hội nếu tận dụng được sức mạnh của công nghệ. Không ít bạn trẻ sử dụng mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube… ở vùng cao, thôn bản đăng tải về cuộc sống đời thường hay những nét độc đáo của văn hoá dân tộc thiểu số, đều nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng, là một cách làm hiệu quả để gìn giữ và bảo tồn.

Tại Tây Ninh, những năm gần đây, nhạc ngũ âm, múa trống Chhay-dăm được đưa vào biểu diễn tại núi Bà Đen (còn gọi là Sun World BaDen Mountain) tạo nên điểm nhấn, mang đậm bản sắc dân tộc đặc trưng của vùng đất thánh. Có cơ hội được biểu diễn trên sân khấu, tiếp cận đông đảo khán giả và thể hiện tài năng, những người đang theo đuổi, gìn giữ nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình cảm thấy rất tự hào.

Có thể nói, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành văn hoá mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội; nhất là phải giáo dục để thế hệ trẻ thêm yêu quý và trân trọng vốn tài sản quý báu này.

Ham Mát- chàng trai Chăm đang công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, em luôn ý thức trong việc gìn giữ những nét văn hoá truyền thống, tôn giáo, bản sắc của dân tộc mình và xem đó là trách nhiệm- từ việc gìn giữ văn hoá trang phục, ngôn ngữ, tập tục trong các ngày lễ truyền thống cho đến những câu chuyện, sự tích, hay phải hiểu được ý nghĩa những hoạt động trong các ngày hội của đồng bào Chăm…

Có hiểu mới yêu hơn văn hoá của từng vùng miền, từng dân tộc; từ đó góp phần vào bảo tồn di sản văn hoá dân tộc để giữ gìn nguồn cội cho mai sau.

Ngọc Diêu - Hoà Khang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục