Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trải qua những năm tháng chiến tranh, mảnh đất Tây Ninh bị tàn phá nặng nề, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, vết thương chiến tranh chưa kịp hàn gắn, Tây Ninh lại bước vào cuộc chiến đấu chống Pol Pot - Ieng Sary, bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Sau khi giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, toàn dân Tây Ninh ra sức lao động sản xuất, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển sản xuất.
Sản xuất rau theo mô hình Aquaponics tại Hợp tác xã Nhà (thị xã Hòa Thành).
47 năm khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước phục hồi và phát triển, đến nay bộ mặt kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tỉnh Tây Ninh có sự chuyển biến rõ rệt. Với mục tiêu đưa Tây Ninh trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030, tỉnh đã và đang thực hiện quyết liệt, có hiệu quả 4 chương trình đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.
Những năm qua, Tây Ninh quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, kết nối nội tỉnh phục vụ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị và du lịch. Đặc biệt, dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ kết nối trực tiếp đến trung tâm tỉnh và Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen; dự án đường cao tốc Gò Dầu - thành phố Tây Ninh - Xa Mát; quy hoạch trung tâm logistics, đường thuỷ nội địa, cảng cạn ICD... khi hoàn thành sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh xác định, nhằm hiện thực hoá mục tiêu, định hướng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, chúng ta phải xây dựng các đề án và tổ chức thực hiện các đề án Tỉnh uỷ, UBND tỉnh giao, cụ thể: Đề án nâng cao năng lực vận tải đường sông và phát triển các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh; đề án khai thác quỹ đất, lợi thế để phát triển kết cấu hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông”.
Nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh luôn cao hơn mức bình quân chung cả nước (giai đoạn 2015-2020 đạt 7,2%). Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng đạt tỷ trọng 43,3%. Hiện nay ngành công nghiệp đóng vai trò chủ lực trong sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đạt 19 tỷ USD, tăng gần gấp 300 lần so với năm 1990; trong đó, nhóm hàng công nghiệp chiếm đến 81,8%.
Mô hình trồng táo thái theo tiêu chuẩn VietGAP của nông dân xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu.
Về thu hút đầu tư, đến cuối năm 2021 Tây Ninh thu hút 339 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 8.253 triệu USD; thu hút đầu tư trong nước năm 2021 ước đạt hơn 9.900 tỷ đồng. Các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho hơn 13.000 lao động trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, với mục tiêu phát triển công nghiệp theo chiều sâu, chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Những năm qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, từng bước thực hiện chuyển đổi số từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông.
Ông Phương cho biết, hiện nay, tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án quy hoạch tỉnh, quan trọng nhất là phải hoàn thiện quy hoạch này trong năm 2022; Sở sẽ hoàn thiện các quy trình đầu tư để kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư; xây dựng các chỉ số CCHC PIC, PAR Index… để tạo sức hút và môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để nhà đầu tư tiếp cận; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng được vì yêu cầu của các nhà đầu tư.
Xác định du lịch là 1 trong 4 khâu đột phá phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, thời gian qua, ngành du lịch Tây Ninhh không ngừng đổi mới, thực hiện các đề án trọng điểm để thu hút nhà đầu tư. Ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: "Chúng tôi sẽ có những giải pháp để phát triển các loại hình du lịch mới như du lịch vườn, sông, du lịch sinh thái; tham gia các lễ hội, sự kiện thể thao, văn hoá, du lịch để học hỏi kinh nghiệm, tìm ra những hướng đi mới của ngành du lịch; hỗ trợ pháp lý cho nhà đầu tư đẩy mạnh tiến độ để thực hiện dự án đầu tư tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn".
Được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu ổn định, không gian xanh chiếm diện tích lớn, Tây Ninh luôn chú trọng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, dựa trên thế mạnh kinh tế nông nghiệp. Người dân trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc áp dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, diện tích được hỗ trợ chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trên lúa đạt hơn 1.986 ha; rau củ quả đạt trên 433 ha, cây ăn trái đạt 1.510 ha.
Lao động làm việc tại Công ty TNHH Gain Lucky Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trong 5 năm vừa qua, trên địa bàn tỉnh thu hút được khá nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao, cả trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế. Chúng ta đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất nông nghiệp, hiện có khoảng 25% giá trị nông, lâm, thuỷ sản áp dụng công nghệ cao, có liên kết trong sản xuất.
Đặc biệt dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đi vào hoạt động sẽ tưới mát 17.000 ha đất nông nghiệp, rửa phèn cho cả cánh đồng khô cằn rộng lớn, tạo cơ hội để chuyển đổi vùng phía Tây sang sản xuất các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn”.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Tây Ninh trung dũng kiên cường, 47 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh không ngừng phấn đấu, đoàn kết, đổi mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Diện mạo Tây Ninh có nhiều thay đổi, đến nay tỉnh đã hoàn thành 100% công tác phát triển đô thị, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vượt mốc 10.000 tỷ đồng; giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, tính đến 31.1.2022 đạt 95,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 0,2% kế hoạch, là 1 trong 5 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất so với cả nước.
Vũ Nguyệt