Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyện ông Phó Giám đốc bị buộc thôi việc !
Kỳ cuối: Vẫn chưa đến hồi kết cuộc
Thứ bảy: 16:02 ngày 21/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những sai phạm của viên chức Đặng Thanh Việt đã được Sở Tài nguyên & Môi trường xử lý kỷ luật buộc thôi việc. Song song đó, Đảng uỷ Sở Tài nguyên & Môi trường cũng đang tiến hành xem xét hình thức xử lý kỷ luật đảng viên Đặng Thanh Việt theo quy định.

Đối với các sai phạm khác của Đặng Thanh Việt và Đặng Thanh Tùng, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Tây Ninh cũng đã có nhận định ban đầu và đang được các cơ quan có thẩm quyền thận trọng xem xét để xử lý đúng quy định pháp luật.

Các văn bản của ngành chức năng giải quyết đơn tố cáo của bà Hồng.

Khi xảy ra hàng loạt những việc làm khuất tất của anh em nhà họ Đặng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của mình, bà Đỗ Thị Xuân Hồng đã làm đơn tố cáo gửi đến các quan chức năng của tỉnh, trong đó có Sở Tài nguyên & Môi trường.

Ngoài những nội dung mà Báo Tây Ninh đã phản ánh trong loạt bài điều tra đăng trên các số báo trước, bà Hồng còn cho biết, bản thân bà trao đổi việc thực hiện dự án trồng rừng trên đất bán ngập hồ Dầu Tiếng với ông Việt qua điện thoại, tin nhắn, e-mail và việc chuyển tiền vào tài khoản ông Tùng đều theo yêu cầu của ông Việt.

Về quá trình thực hiện dự án, ông Việt cam kết sau khi góp vốn vào Công ty Việt Dương, bà Hồng sẽ được tiến hành trồng rừng. Tuy nhiên, vốn đã góp, thậm chí vượt mức như thoả thuận trong biên bản góp vốn nhưng ông Việt vẫn chưa cho xúc tiến việc triển khai dự án.

Mỗi khi bà Hồng thắc mắc, ông Việt lại hẹn lần hẹn lựa, sau đó tiếp tục yêu cầu bà ký biên bản thoả thuận tăng tỷ lệ góp vốn từ 70% lên 85%; trong khi đó trên thực tế,  ông Việt đã chủ động thay đổi giấy CNĐKKD mà bà Hồng vẫn không hay biết. Bây giờ bà Hồng mới ngộ ra, đối tác của mình đã có ý định gian dối ngay từ đầu mà bà không hay biết.

KẾT LUẬN CỦA SỞ TÀI NGUYÊN & MÔI TRƯỜNG

Trên cơ sở đơn tố cáo, Sở TN&MT đã tiến hành thành lập tổ xác minh và ban hành văn bản kết luận. Nội dung bản kết luận xác định ông Việt đã trực tiếp tham gia điều hành hoạt động Công ty Việt Dương, kể cả trong giờ hành chính Nhà nước với ngày giờ, địa điểm cụ thể, chi tiết đã được xác minh làm rõ.

Trong khi đó, đối với cơ quan ông Việt trực tiếp làm việc, có lần ông đi tận Thái Lan nhưng bảng chấm công của đơn vị này vẫn thể hiện ông đi làm bình thường. Việc ông Việt điều khiển từ xa các hoạt động của Công ty Việt Dương cũng thể hiện rõ trong các e-mail giữa ông Việt với bà Hồng, ông Đàm (Giám đốc Công ty TNHH Đo đạc và bản đồ Nguyên Phương), ông Hiền với số lần cụ thể, trong đó trao đổi với bà Hồng tới 22 lần.

Tuy nhiên ông Việt vẫn chối quanh, buộc tổ xác minh thuộc Sở TN&MT phải dùng đến biện pháp nghiệp vụ công nghệ cao, phục hồi các file dữ liệu bị xoá từ trước trên máy vi tính (đã niêm phong) được công khai tiến hành tại văn phòng làm việc của đơn vị ông Việt.

Xác minh từ những người trực tiếp làm việc cho ông Việt cũng như các đối tác kinh doanh của Công ty Việt Dương, họ đều trả lời với tổ xác minh là họ chỉ làm việc với ông Việt chứ không hề làm việc với hai giám đốc “trên giấy” của Công ty Việt Dương là hai ông Đặng Thanh Hùng, Đặng Thanh Tùng. Các chứng cứ xác minh từ các cơ quan có liên quan cũng xác định rõ ông Việt nhận tiền từ ông Tùng mỗi khi bà Hồng chuyển tiền cho ông Tùng.

Ngoài vụ “làm việc ngoài luồng” nêu trên, với vai trò là Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) Tây Ninh, khi được giao nhiệm vụ thực hiện lập dự án bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất, di dời Công ty TNHH MTV Cơ khí Tây Ninh, ông Việt đã “tính toán” không sát thực tế, không đúng căn cứ pháp lý để đưa ra phương án bồi thường với số tiền ban đầu trên 26 tỷ đồng, chênh lệch so với thực tế đến hơn 22 tỷ đồng (phương án được duyệt là hơn 4 tỷ đồng).

Mặc dù nhiều lần được lãnh đạo Sở TN&MT vạch ra cụ thể cách tính và căn cứ pháp lý đúng quy định, nhưng Phó Giám đốc Đặng Thanh Việt vẫn cố tình trình phương án bồi thường lần thứ 2, trong đó có một số tài sản hết khấu hao, tài sản của Nhà nước, nhưng ông Việt vẫn đưa vào bồi thường cho Công ty cổ phần Cơ khí Tây Ninh cũng với số tiền trên 26 tỷ đồng.

Nếu phương án bồi thường này được duyệt, số tài sản trên 22 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước sẽ thoát đi một cách trót lọt vào tay doanh nghiệp tư nhân, rồi đi vào đâu nữa thì khó có ai có thể biết được.

Quá trình điều hành quản lý, lãnh đạo Sở TN&MT còn phát hiện một cá nhân khác ở Trung tâm PTQĐ có thu nhập bất thường nhưng không kê khai theo quy định nên tiến hành xác minh và phát hiện nhân viên này nhận tiền chuyển khoản từ ông Đặng Thanh Tùng 30 triệu đồng. Tài khoản nhân viên này cũng thể hiện một giao dịch liên quan đến ông Đặng Thanh Việt…

Ngày 11.10.2016, Hội đồng kỷ luật Sở TN&MT đã họp xác định ông Việt với vai trò là Phó Giám đốc Trung tâm PTQĐ phụ trách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong giao việc thiếu kiểm tra, giám sát; không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn; tham mưu sai quy định; báo cáo không trung thực đã dẫn đến sai phạm trong quá trình lập dự án bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất di dời Công ty TNHH MTV Cơ khí Tây Ninh.

Trong công việc không chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền. Ông Việt cũng không chấp hành kê khai tài sản, thu nhập khi có yêu cầu, đồng thời không kê khai bổ sung tài sản, khoản thu nhập 5 tỷ đồng và các khoản thu nhập khác có liên quan đến các cá nhân Công ty Việt Dương, vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng; vi phạm Luật Viên chức và các quy định pháp luật có liên quan. Vì vậy, Sở TN&MT đã ra quyết định buộc thôi việc đối với ông Đặng Thanh Việt.

KẾT LUẬN CỦA PHÒNG  CẢNH SÁT KINH TẾ

Sau khi tiến hành xác minh đơn tố cáo của bà Hồng, như chúng tôi đã nêu ở các số báo trước, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Tây Ninh phát hiện “ông Tùng mang hồ sơ giả chữ ký” làm thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (CNĐKDN) lần thứ 12 và lần thứ 13 của Công ty Việt Dương, nên ngày 23.9.2016, Đại tá Nguyễn Tri Phương - Giám đốc Công an tỉnh đã ký Văn bản số 766/CAT-CSKT thông báo đến Giám đốc Sở KH-ĐT để cơ quan này xử lý theo quy định.

Cùng ngày, Phòng Cảnh sát kinh tế cũng có phiếu hướng dẫn số 469/HD-CSKT gửi đến bà Đỗ Thị Xuân Hồng với nội dung như sau: “Ngày 24.3.2016, Phòng Cảnh sát kinh tế nhận đơn tố cáo của bà Hồng đối với ông Việt, ông Tùng…

Sau khi xác minh, Phòng Cảnh sát Kinh tế kết luận: Việc ký kết hợp đồng góp vốn giữa ông Tùng với bà Hồng và việc thay đổi giấy CNĐKKD Công ty Việt Dương từ lần thứ 10, thứ 11, thứ 12 và thứ 13 do ông Tùng thực hiện.

Ông Tùng lợi dụng việc được giao quản lý, điều hành, quản lý con dấu của công ty đã làm giả chữ ký của bà và chữ ký của ông Hiền trên các thủ tục hành chính để đề nghị Sở KH-ĐT thay đổi giấy CNĐKKD của công ty từ lần thứ 11 sang lần thứ 12 và thứ 13 không thông qua hội đồng thành viên. Hành vi trên của ông Tùng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Về số tiền góp vốn 10,580 tỷ đồng, hai bên có biên bản thoả thuận chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Tùng và giao cho ông Tùng quản lý để chi phí cho dự án trồng rừng.

Trong đó, theo lời trình bày của ông Tùng, ông đã chi phí 9 tỷ 800 triệu đồng, ông Tùng hiện đang giữ 1,5 tỷ đồng tiếp tục chi phí trồng rừng, chưa báo cáo với bà Hồng. Hành vi trên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi trên thuộc lĩnh vực tranh chấp dân sự “giữa các thành viên trong công ty liên quan đến việc chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty” quy định tại Khoản 4 Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi bổ sung 2015) được điều chỉnh trong Bộ luật Dân sự nên thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án.

Riêng đối với ông Đặng Thanh Việt (em ruột ông Tùng), quá trình điều tra xét thấy ông Việt là cán bộ viên chức Nhà nước, là đảng viên, hiện đang công tác tại Trung tâm PTQĐ. Ông Việt đã lợi dụng uy tín của mình, có tham gia mời gọi, tư vấn cho ông Tùng và bà (Đỗ Thị Xuân Hồng - NV) về phương án trồng rừng, số liệu đo đạc, cơ sở pháp lý thực hiện dự án. Ông Việt không đứng tên pháp nhân Công ty TNHH hai thành viên Việt Dương.

Hiện pháp nhân Công ty TNHH hai thành viên Việt Dương là do ông Tùng và bà Hồng đứng tên. Hành vi của ông Việt chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Tây Ninh thông báo cho bà biết. Đề nghị bà Đỗ Thị Xuân Hồng gửi đơn khởi kiện đến toà án có thẩm quyền giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự”.

Liên quan đến Công ty Việt Dương, từ ngày 20.9 đến ngày 5.10.2016, đoàn công tác số 3 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đến Tây Ninh làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh, các cơ quan pháp luật và một số đơn vị có liên quan để kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Các cơ quan chức năng có liên quan của Tây Ninh cũng đã báo cáo cụ thể trường hợp Công ty Việt Dương. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan pháp luật của tỉnh cũng đã phối hợp công tác nghiệp vụ với các cơ quan Tư pháp Trung ương để xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Qua loạt bài điều tra này, Báo Tây Ninh hy vọng các cơ quan chức năng sẽ có được những thông tin khách quan, tiến hành xác minh làm rõ toàn bộ vụ việc để ra quyết định giải quyết tố giác của công dân đúng quy định pháp luật.

ĐỨC TIẾN

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục