Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, những hoạt động về lập pháp và nhân sự cấp cao đã ghi dấu ấn đậm nét: Quốc hội thông qua 11 luật, 21 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng với quốc gia, đồng thời đã tiến hành kiện toàn nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, những hoạt động về lập pháp và nhân sự cấp cao đã ghi dấu ấn đậm nét: Quốc hội thông qua 11 luật, 21 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng với quốc gia, đồng thời đã tiến hành kiện toàn nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Suốt hơn 1 tháng nay, ông Nguyễn Khắc Minh (75 tuổi) sống tại khu phố Thượng, phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, Bắc Ninh không bỏ sót một thông tin thời sự nào về kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Ông Minh tâm sự: “Việc kiện toàn các nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước lần này là mối quan tâm hàng đầu với cử tri chúng tôi. Tiếp đó là những vấn đề gắn liền trực tiếp với đời sống người dân như tăng lương, các Luật bất động sản, thị trường vàng hay những chính sách đặc thù để địa phương có cơ hội phát triển, thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Sau dịch COVID-19, “bong bóng” bất động sản, vừa qua là thị trường vàng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Những quyết sách mới về tăng lương, ổn định thị trường vàng hay luật đất đai đi vào đời sống thực là tin vui với cử tri, nhân dân”.
Sáng 29/6/2024, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì cuộc họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một Kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, được cử tri và Nhân dân cả nước rất quan tâm, theo dõi. Cũng tại kỳ họp này, nhiều quyết sách quan trọng được thông qua.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau 27,5 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Kỳ họp đã xem xét, quyết định và hoàn thành 49 nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, Nghị quyết của Đảng thành các quy định của pháp luật, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).
Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật gồm: Luật Lưu trữ; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Quốc hội đã xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua nhiều luật và nghị quyết quan trọng.
Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025 và Nghị quyết chung của Kỳ họp. Đồng thời, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật; xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác. Nhất định đất nước sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành cao nhất các mục tiêu năm 2024.
Kết thúc kỳ họp, một số đại biểu bày tỏ ấn tượng về một kỳ họp với nhiều nội dung, chương trình, quyết sách... đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định: Kỳ họp thứ 7 đan xen nhiều nội dung với nhiều thay đổi về chương trình, và đây là sự thay đổi phù hợp. Quốc hội đã thông qua nhiều sự thay đổi mà các đại biểu hài lòng, nhất là về công tác nhân sự; thể hiện bằng việc các đại biểu bấm nút tán thành với tỷ lệ cao.
“Có thể thấy, Nghị trường tại Kỳ họp thứ 7 rất sôi động. Đây kỳ họp bản lề, giúp các đại biểu Quốc hội có cơ sở tiếp tục giám sát, còn Chính phủ có dịp nhìn lại để có giải pháp và lộ trình thực hiện một cách tốt hơn. Tôi cũng mong chờ là thông qua kỳ họp này, Chính phủ tiếp tục nhìn nhận đánh giá để các nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội đặt ra năm 2024 được hoàn thành. Đây cũng là tiền đề để thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ mà các cử tri, nhân dân đặt ra. Điều này thể hiện tâm tư, nguyện vọng gửi tới các Đại biểu Quốc hội đã truyền tải trên nghị trường”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho biết: "Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV có nhiều điều đặc biệt và ấn tượng. Kỳ họp đã thông qua nhiều luật và nghị quyết, có tới 11 luật, 21 nghị quyết của Quốc hội, chưa kể thảo luận lần đầu, cho ý kiến 11 luật. Như vậy, kỳ họp có nhiều chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội được thể hiện, nhất là công tác lập pháp".
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho biết, kỳ họp cũng quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia, trong đó có cả những quyết định liên quan công tác nhân sự. Tất cả đều được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến và đi đến thống nhất với tỷ lệ đồng thuận cao. Đó là thành công của kỳ họp này.
"Thế giới hiện nay đang có nhiều biến động nhanh, bất định, rủi ro, nhiều diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu khắc nghiệt, thiên tai bất thường. Những điều này đòi hỏi thể chế pháp luật của Việt Nam phải đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền để phát huy tính năng động, sáng tạo của các địa phương. Vì thế, lần này, 11 luật được Quốc hội bấm nút thông qua đều thể hiện được việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương", Đại biểu Ngân nói.
Cũng tại Kỳ họp này, kiện toàn công tác nhân sự là một trong những nội dung được người dân, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đồng thời tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền và đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Chiều 6/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã bầu bà Nguyễn Thị Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội khoá XV nhiệm kỳ 2021-2026; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lương Tam Quang.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan đã thể hiện trách nhiệm cao trong việc chuẩn bị nội dung trình Quốc hội; công tác phối hợp được thực hiện kịp thời và hiệu quả hơn.
Nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội thể hiện sự thống nhất cao, sự phấn khởi và niềm tin đối với việc kiện toàn cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước trong kỳ họp này, cụ thể là đã bầu được chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội.
Phát biểu nhậm chức sau khi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội vào ngày 20/5, ông Trần Thanh Mẫn chia sẻ đây là niềm vinh dự to lớn, đồng thời là trách nhiệm cao cả của ông trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
“Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó, tôi nguyện cống hiến hết sức mình, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; cùng Quốc hội, tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại của Quốc hội cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; phát huy dân chủ, đoàn kết, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã khẳng định tại lễ nhậm chức.
Chiều 20/5/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã bầu đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giữ chức Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngay sau đó, sáng 22/5, Quốc hội khóa XV đã bầu ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Sau Lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu nhậm chức. Tân Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Nhận thức sâu sắc trách nhiệm to lớn trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, tôi xin hứa sẽ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước đã được Hiến định; tích cực thực hiện nhiệm vụ đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh của đất nước; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các tổ chức trong hệ thống chính trị phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc"; nỗ lực thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối của Đảng, trước hết là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu của đất nước 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Sáng 22/5/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã bầu đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Nam Định nhận định: Trong các điểm nhấn của kỳ họp thứ 7, những yếu tố về nhân sự được đánh giá cao nhất. Quốc hội đã kiện toàn được cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước trong kỳ này, cụ thể là đã bầu được chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội.
“Điều này đã tạo sự phấn khởi, niềm tin của cán bộ Đảng viên nói chung cũng như Đại biểu Quốc hội nói riêng, trong giai đoạn mới. Chúng tôi hi vọng rằng Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước mới được bầu cố gắng nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao cho”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng chia sẻ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia, trong đó có cả những quyết định liên quan công tác nhân sự. Tất cả đều được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến và đi đến thống nhất với tỷ lệ rất cao. Đó là thành công của kỳ họp thứ 7 này.
Kỳ họp thứ 7 đã để lại những dấu ấn về lập pháp và nhân sự cấp cao như kiện toàn nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước; Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng với quốc gia.
Bài: Lê Vân - Thu Trang
Ảnh, video, đồ họa: Lê Vân, Thu Trang, TTXVN
Trình bày: Nguyễn Hà