Chiều 4.11, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự án Luật Thủ đô và Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.
Chiều 4.11, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự án Luật Thủ đô và Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.
Với tính chất là một đạo luật tổng hợp quy định bổ sung pháp luật hiện hành về một số vấn đề liên quan đến Thủ đô, dự thảo Luật Thủ đô qui định về 3 nhóm nội dung lớn: Những vấn đề chung về vị trí, vai trò của Thủ đô; mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô, trách nhiệm của Thủ đô với cả nước...; Một số chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô; Trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô.
Dự thảo Luật Thủ đô được thiết kế gồm 4 chương 35 Điều.
Về cơ bản, Uỷ ban Pháp luật Quốc hội tán thành với chủ trương cần ban hành một đạo luật với những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên Uỷ ban Pháp luật thấy rằng rằng Dự thảo Luật này mặc dù đã được tổ chức nghiên cứu, soạn thảo công phu, nhưng đang còn rất nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ và làm rõ, nhất là về tính hợp lý, khả thi của quy định. Chỉ có như vậy mới bảo đảm để khi Luật được thông qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội, trái tim của Tổ quốc. Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô, nêu rõ:
Thứ nhất, việc đặt ra các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô phải bảo đảm không trái với Hiến pháp, không tạo ra một thiết chế độc lập, thiếu sự gắn kết về nghĩa vụ, trách nhiệm của Thủ đô với Trung ương và với các địa phương khác. Vì thế, không thể quy định giao cho “Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng, trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn liên quan đến các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Chương II của Luật này mà chưa được pháp luật quy định” (khoản 1 Điều 27); hay quy định về “công dân danh dự Thủ đô” (khoản 1 Điều 7)…
Thứ hai, nhiều quy định trong dự thảo Luật chưa phản ánh được tính đặc thù trong cơ chế, chính sách dành cho Hà Nội với tư cách là Thủ đô của cả nước; chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể cho việc phát triển và quản lý của riêng Thủ đô. Nhiều quy định đều có thể áp dụng cho cả các địa phương khác; chẳng hạn, quy định về mục tiêu xây dựng, phát triển Hà Nội (Điều 3); quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng (Điều 12); quản lý và bảo vệ môi trường (Điều 20) … ; Các cơ chế, chính sách đặc thù cần được quy định cụ thể ngay trong Luật chứ không thể quy định chung chung về mục tiêu của cơ chế, chính sách đó.
Thứ ba, cần cân nhắc việc có nên quy định quá nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và không thống nhất với các luật khác hay không để bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất sự phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thứ tư, một số tồn tại trong xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô thời gian qua có nguyên nhân do công tác thi hành pháp luật chưa nghiêm. Những nguyên nhân này cần sớm có giải pháp khả thi để khắc phục, chứ không phải là sửa đổi thể chế dưới hình thức ban hành cơ chế, chính sách đặc thù;
Thứ năm, dự án Luật Thủ đô, được xây dựng căn cứ vào Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 - 2010. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết cần báo cáo và đề nghị Bộ chính trị cho tiến hành tổng kết Nghị quyết này để đánh giá việc thực hiện và xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tới làm cơ sở cho việc xây dựng Luật Thủ đô.
(Theo VOV)