Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mệnh lệnh của Đảng gắn liền với vận mệnh của dân tộc
Thứ hai: 16:37 ngày 08/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vận mệnh dân tộc đã trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam sứ mệnh lãnh đạo đất nước, dẫn dắt dân tộc. Là đảng duy nhất cầm quyền, Đảng ý thức sâu sắc về sự tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao trình độ trí tuệ và phẩm chất mọi mặt của mình.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (ngày 9.5.2024), một số nhà nghiên cứu đánh giá đây là “sự kế thừa, chắt lọc những yêu cầu, tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra”. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân… là một cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ và không kém phần quyết liệt, đau đớn, như chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: “đây là một cuộc tự phẫu thuật”.

Vận mệnh dân tộc đã trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam sứ mệnh lãnh đạo đất nước, dẫn dắt dân tộc. Là đảng duy nhất cầm quyền, Đảng ý thức sâu sắc về sự tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao trình độ trí tuệ và phẩm chất mọi mặt của mình. Chăm lo xây dựng Đảng, thường xuyên củng cố nâng cao sức mạnh của Đảng là một bảo đảm cơ bản quyết định con đường đi đúng đắn của dân tộc.

Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc. Tranh của hoạ sĩ Vương Trình, sáng tác năm 1967

Không phải đợi đến năm 2016 (thời điểm Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh), trước đó rất lâu, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương của vị lãnh tụ cách mạng đã được đề ra.

Chống mọi biểu hiện bè phái, cục bộ

Chúng ta biết rằng, ngày 7.11.2006, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Mục đích của cuộc vận động là làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh… nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Từ đó, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, được tiến hành trong thời gian dài, với nhiều nội dung.

Tổ chức học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo các chủ đề là một nội dung quan trọng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trên cơ sở chủ đề của từng năm (2006-2009), năm 2010, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh””.

Quy định 144 có tất cả 6 điều, trong đó Điều 4 ghi: “Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”. Cụ thể, thứ nhất, luôn luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cơ quan, tổ chức và trong nhân dân, trước hết là ở chi bộ, cơ quan, đơn vị công tác, khu dân cư; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Thứ hai, nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương, nhất là kỷ luật phát ngôn. Nói và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành các quy định của cơ quan, đơn vị; phục tùng sự phân công của Đảng, của tổ chức.

Thứ ba, sống có nghĩa tình, chân thành, thương yêu, đối xử, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và mọi người theo lẽ phải, phù hợp với đạo lý dân tộc, cùng nhau tiến bộ.

Thứ tư, nêu cao trách nhiệm trong công tác và sinh hoạt; sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kiên quyết đấu tranh, phê phán mọi hành vi né tránh, đùn đẩy, hoặc có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm. Làm tốt trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ đối với gia đình, cộng đồng, xã hội”.

Tinh thần của Điều 4 thể hiện trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào? Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Đảng, của dân tộc không lúc nào ngơi ý thức xây dựng, giữ gìn và phát huy khối đoàn kết ở trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Mỗi một khối đoàn kết đều có vị trí, vai trò quan trọng đối với tiến trình lịch sử Việt Nam, nhưng khối đoàn kết trong Đảng quan trọng hơn hết, vì Đảng có vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của đất nước. Cách mạng Việt Nam trải qua bao khó khăn, thử thách nhưng vẫn vượt qua và giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử, điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do Đảng ta đã tuân thủ nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Truyền thống dân tộc

Nếu như đoàn kết trong Đảng là yêu cầu số một đối với một đảng cầm quyền thì đoàn kết toàn dân tộc mới thực sự là tư tưởng vĩ đại của vị lãnh tụ.

Để chứng minh cho luận điểm trên, cần thiết phải nhắc lại câu chuyện “lá thư đặc biệt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng- một người Công giáo có con trai hy sinh trong chiến đấu. Tháng 1.1947, mở đầu cho cuộc kháng chiến lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi hay tin con trai của bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Người đã viết một bức thư gửi gia đình vị bác sĩ- một người Công giáo. Trong thư, Bác viết: “Tôi được báo cáo rằng, con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh, để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi. Vật chất họ mất, nhưng tinh thần họ sẽ luôn luôn còn với non sông Việt Nam. Họ là con thảo của đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ. Ngài đã đem món của quý báu nhất, là con của mình sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc chắn ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà, thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng”.

Sau năm 1954, bác sĩ Vũ Đình Tụng và gia đình trở về sống ở Hà Nội. Năm 1973, ông qua đời. Như có linh cảm về sự ra đi đột ngột này, mấy tháng trước ông đã trao lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho con trai cả và nói: “Đây là của báu của gia đình, nhưng cũng là vật quý của dân tộc, cha trao lại cho con cất giữ cẩn thận, chu đáo. Lá thư riêng này mang nặng tình cảm của cả núi sông, của lịch sử đấy con ạ”.

Ngày 10.3.1985, anh Vũ Đình Tuân, con trai cả của bác sĩ Vũ Đình Tụng mang bức thư tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để phục vụ khách tham quan nghiên cứu và học tập.

Câu chuyện giúp chúng ta thêm một lần nữa thấm nhuần sâu sắc phẩm chất đạo đức “Thương yêu con người, sống có nghĩa, có tình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ý nghĩa sâu xa của bức thư thực ra không chỉ dừng lại ở mức độ động viên thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình vị bác sĩ. Bằng lá thư chia buồn đặc biệt này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân: Khi Tổ quốc lâm nguy, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, mọi giai tầng cần đoàn kết để chống kẻ thù chung của dân tộc. Tư tưởng, quan điểm của vị lãnh tụ thể hiện rất rõ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 19.12.1946. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến thực chất cũng là lời kêu gọi đại đoàn kết toàn dân tộc.

Việt Đông

(còn tiếp)

Báo Tây Ninh
website https://thansohoc.app/ miễn phí
Tin cùng chuyên mục