Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Miền căn cứ địa Phước Vinh (tiếp theo và hết)
Thứ năm: 05:44 ngày 30/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Là miền căn cứ địa, được giải phóng hoàn toàn từ cuối năm 1961, vậy nên, Phước Vinh ngoài các cuộc chiến đấu chống càn bảo vệ quê hương thì trên miền đất này còn có nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng khác.

Bến Cây Sao mùa nước lớn.

Trước chiến thắng Tua Hai (26.1.1960) là các cuộc đấu tranh chính trị, chống lại chiến dịch tố cộng mang tên Trương Tấn Bửu, mà nguỵ quyền Sài Gòn chọn Phước Vinh là một trong hai “thí điểm”. Thất bại, chúng lại tăng cường hệ thống mật thám, chỉ điểm truy bắt khủng bố “Người kháng chiến”, mà đỉnh điểm là ban hành Luật 10.59.

Các cuộc đấu tranh chính trị diễn ra sôi sục ngay trên đất Phước Vinh, tràn cả về dinh quận… Năm 1958, Binh vận huyện và Chi uỷ xã Tà Păng làm nên chiến thắng binh biến đồn Băng Dung, khiến địch phải bỏ đồn.

Sau Tua Hai, khí thế cách mạng dâng như nước sông Vịnh mùa lũ, đã cuốn phăng cả các đồn địch từ Lò Gò về cầu Vịnh. Từ đây, Phước Vinh là vùng giải phóng vững chắc, vành đai thép bảo vệ cho các căn cứ của Trung ương Cục miền Nam.

Phước Vinh là miền căn cứ địa của Trung ương và địa phương, như Trường nội trú Hoàng Lê Kha, Trường Chính trị tỉnh, các cơ quan thuộc Bộ Tư lệnh miền Đông và Trung ương Cục… Nơi đây từng diễn ra các sự kiện: thầy trò Trường nội trú Hoàng Lê Kha đón nhận thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng; cũng là nơi Đại hội Tỉnh đảng bộ Tây Ninh lần thứ 2 diễn ra tại bến Cây Sao và nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng khác, có sức lan toả rộng rãi đến mọi vùng ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Điển hình nhất là sự kiện diễn ra năm 1963. Sách Truyền thống cách mạng xã Phước Vinh (1985) ghi: “Năm 1963, xã Phước Vinh được tỉnh và huyện Châu Thành chọn làm điểm đầu tiên xây dựng chính quyền quá độ. Đây cũng là thí điểm đầu tiên của Trung ương.

Các cuộc sinh hoạt, học tập về ý nghĩa điều lệ, thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân được tổ chức tại ấp Xóm Chùa. Các cán bộ của huyện, tỉnh và Trung ương có về dự. Các đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Bạch Đằng nói chuyện, động viên cán bộ đảng viên, nhân dân xã Phước Vinh phải sáng suốt và dân chủ chọn lựa bầu cử Hội đồng nhân dân xã và thành lập chánh quyền quá độ kiểu mẫu cho toàn huyện”.

Giờ đây, có thể có người cho đây là một sự kiện bình thường. Nhưng xét trong bối cảnh của cuộc “Chiến tranh đặc biệt” do Mỹ chủ trương lúc ấy; giữa vòng vây địch với súng đạn, bom pháo bao trùm mà nhân dân Phước Vinh vẫn tự tin, phấn khởi đi bầu cử để lập nên một chính quyền dân chủ công khai, quả thật là một sự kiện đặc biệt sáng ngời của cuộc Chiến tranh nhân dân do Đảng ta lãnh đạo. Hơn thế, có cả các cuộc thi đua chào mừng sự kiện ấy.

Đáng kể nhất là cuộc thi đua lập thành tích mới trong công cuộc phát triển sản xuất vùng giải phóng. Sau 60 năm, thành quả của cuộc thi đua ấy vẫn còn đến ngày nay. Đấy là con kênh “từ rạch Dứa và bàu Nạng ra rạch Gỗ ở cù lao rừng Huỳnh” rồi ra sông Vàm Cỏ Đông, làm “thau chua rửa phèn” cho vùng 800 ha đất ruộng.

Người Phước Vinh nay vẫn yêu quý và chăm chút nạo vét cho con kênh này được lưu thông, tiếp tục đưa nước về cho gần cả ngàn héc-ta đất lúa, năng suất mỗi năm lại mỗi được cao hơn. Dòng kênh năm xưa nay đã rộng ra trên 10m, chảy thẳng tắp giữa đôi bờ ắp đầy màu xanh của lúa.

Về chiến dịch thi đua mang tính lịch sử này, sách đã dẫn viết: “Quân dân Phước Vinh quyết tâm đào con kênh dài 3.800m, rộng trên mặt 4m, đáy 1m50 và sâu 2m… Nhân dân toàn xã rầm rộ băng cờ, khẩu hiệu, cuốc, xẻng, ky, hình thành đội ngũ kéo dân từ các ấp ra quân đào kênh.

Đoàn quay phim của trung ương đã thu vào ống kính đoạn phim lịch sử này. Khí thế ra quân rất hào hùng… Đợt 1 xong một đoạn từ rạch Dứa ra rừng Huỳnh để chào mừng ngày 14 tháng 7 năm 1963, bầu cử Hội đồng nhân dân xã… Chào mừng Chính quyền quá độ mới bầu cử có kết quả tốt đẹp, nhân dân xã lại tiếp tục hoàn tất đoạn kinh từ bàu Nạng ra rạch Gỗ bao quanh cù lao rừng Huỳnh ra sông…”.

Cùng với thành tựu về chính trị và kinh tế, các mặt văn hoá xã hội khác ở Phước Vinh được chăm lo phát triển, cải thiện đời sống tinh thần ở mọi ấp. Một vùng căn cứ địa có sức sống mãnh liệt như thế ở Phước Vinh đã không chỉ được Trung ương và tỉnh quan tâm, mà còn là sự chú ý của các lực lượng cách mạng quốc tế. Cũng theo sách đã dẫn, thì: “Vào cuối năm 1964, quân dân xã Phước Vinh được vinh dự đón nhiều phái đoàn quốc tế đến thăm”.

Đấy là các đoàn: Ba Lan, Cu Ba, Trung Quốc, Mông Cổ và đoàn Pháp. Đến năm 1969, lại có “phái đoàn điều tra tội ác do ông Bớt Sét và 2 người nữa đến… Các ông đã chụp ảnh quay phim nhiều tội ác của giặc Mỹ tàn phá giết chóc, rải chất độc hoá học huỷ diệt màu xanh ở xã Phước Vinh…”. Đấy là kết quả của giai đoạn chiến tranh cục bộ, Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam, lửa đạn ngút trời, biến Phước Vinh thành vùng vành đai trắng.

Bầu cử năm 1963 tại Phước Vinh

Đến nay, sau gần 50 năm hoà bình, màu xanh đã trở lại trên miền căn cứ địa Phước Vinh, với đủ rừng trồng, rừng nguyên sinh, cánh đồng sông suối. Nhiều địa danh đã biến đổi, như khu phía Nam đường 788 nơi có con kênh đào 60 năm trước, nay được gọi là các ấp Phước Lợi, Phước Lộc, Phước Thạnh và Phước Lập. Khi hỏi về những địa danh xưa, như Chót Lô Viêng, xóm Chùa, Thâm Thái hay Trảng Cồng, Bàu Rau Muống… thì nhiều người tuổi trung niên vẫn biết, sẵn lòng chỉ đường. Nhưng tiếc thay, các địa danh lừng lẫy cả 2 thời kháng chiến này chưa được xem xét để trở thành di tích văn hoá lịch sử, ngoài di tích địa điểm Trường Hoàng Lê Kha.

Và còn nữa! Đấy là trong danh sách các xã an toàn khu được Thủ tướng Chính phủ công nhận ở Tây Ninh chưa có tên Phước Vinh. Hiện mới chỉ có 4 xã được công nhận, là Tân Bình, Tân Lập thuộc huyện Tân Biên; Tân Thành thuộc Tân Châu và Đôn Thuận thuộc thị xã Trảng Bàng.

Trong khi đó, nếu đối chiếu với các tiêu chí công nhận xã an toàn khu, ít nhất Phước Vinh đã có đủ 3/5 tiêu chí - Điều kiện cần để được công nhận. Đó là tiêu chí 1: Được cấp uỷ đảng từ khu uỷ, quân khu uỷ trở lên chỉ đạo xây dựng an toàn khu cách mạng (có các điều kiện về địa hình, địa thế, chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội, dân cư và bảo đảm an toàn cho các hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng trong thời kỳ kháng chiến Pháp, chống Mỹ.

Tiêu chí 3: Nơi diễn ra các sự kiện đặc biệt quan trọng, có các quyết sách chiến lược của Đảng mang tính chất bước ngoặt trong các giai đoạn của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hoặc nơi đóng trụ sở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp khu và Quân khu trở lên…

Tiêu chí 4: Nơi đóng quân, đào tạo, huấn luyện, tập kết, trung chuyển của các lực lượng vũ trang (quân đội, công an) từ cấp đại đội trở lên; nơi có kho cất trữ lương thực, thực phẩm vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng… trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ phục vụ cho Mặt trận cấp chiến dịch hoặc cấp quân khu trở lên.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục