Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chiến thắng 30.4.1975:
Mốc son chói lọi mở ra kỷ nguyên mới “độc lập - tự do - hạnh phúc”
Thứ hai: 14:27 ngày 24/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiến thắng 30.4.1975 của Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc.

Hành trình đấu tranh tự giải phóng

Sau chiến thắng của Việt Nam tại Điện Biên Phủ, làm nên sự kiện lịch sử “Vang dội năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương, miền Bắc Việt Nam được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng CNXH.

Trong lúc Pháp suy yếu, đế quốc Mỹ can thiệp vào miền Nam Việt Nam hất chân, thay thế Pháp, thiết lập chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, phá hoại Hiệp định Giơnevơ, ban hành Luật 10/59, “tố cộng”, “diệt cộng”, trả thù những người kháng chiến cũ, đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, dìm cách mạng miền Nam trong biển máu.

Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ác liệt, Nhân dân miền Nam vẫn một lòng theo Đảng, bất khuất, trung kiên với cách mạng. Năm 1959, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời đã soi đường cho cách mạng miền Nam. Tiếp đó, Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng toàn quốc lần thứ 3 (tháng 9.1960) đã hoàn chỉnh đường lối cách mạng miền Nam, tạo nên cuộc Ðồng khởi vĩ đại, làm tan rã hàng loạt bộ máy của ngụy quyền ở các thôn, xã, buộc Mỹ phải điều chỉnh, thay thế qua nhiều chiến lược chiến tranh và đều thất bại trước quân và dân ta, từ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 đến giữa năm 1965), chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc (từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968), đến chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc (từ năm 1969 đến năm 1973), nhất là chiến công của quân, dân ta đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam.

Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, quân và dân ta đã giành được chiến thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ấn định toàn thắng vào ngày 3.4.1975, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975 (Ảnh tư liệu)

Đối với Tây Ninh, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cụ thể cho Tây Ninh là phải tự lực giải phóng địa phương mình. Tỉnh uỷ Tây Ninh đã đề ra nhiệm vụ: huyện tự giải phóng huyện, xã tự giải phóng xã, không để địch ở địa bàn này sang cố thủ ở địa bàn khác, vận động quần chúng đưa con em tham gia lực lượng vũ trang. Tỉnh uỷ quyết định phân công các đồng chí Uỷ viên Thường vụ, Tỉnh uỷ viên cùng một số cán bộ chủ chốt khác về hỗ trợ và chỉ đạo ở các huyện; điều động hầu hết lực lượng thanh niên trong khối cơ quan vào lực lượng bộ đội tỉnh, huyện.

17 giờ, ngày 26.4.1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Với tinh thần tự lực giải phóng quê hương, quân dân trong tỉnh đã đồng loạt tiến công và nổi dậy. 10 giờ 30 phút ngày 30.4.1975, Tỉnh trưởng Bùi Đức Tài tuyên bố đầu hàng.

Bằng sức mạnh tổng hợp được phát huy cao độ trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, quân dân Tây Ninh đã tự lực giải phóng tỉnh nhà, góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam kéo dài 21 năm.

“Rũ bùn đứng dậy sáng loà”.

Sau Ngày giải phóng 30.4.1975, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, gánh chịu hậu quả nặng nề sau chiến tranh, bị bao vây cấm vận, nhưng Việt Nam đã vươn lên, thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá được thế bao vây cấm vận, phát triển khá nhanh, đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

 Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; độc lập chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực an ninh, quốc phòng ngày càng lớn mạnh.

Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Từ năm 2008 Việt Nam đạt mức thu nhập bình quân đầu người hơn 1.000 USD, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt gần 2.800 USD, năm 2022 đạt khoảng 4.162,94 USD, xếp thứ 117 trên thế giới.

Trong năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi mạnh mẽ, GDP tăng 8,02%, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Kinh tế đối ngoại phát triển mạnh, mở rộng hơn trước về quy mô, hình thức, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Quy mô dự trữ ngoại hối tăng từ mức 12,5 tỷ USD năm 2010 lên 25,3 tỷ USD năm 2015, lên 55,5 tỷ USD năm 2018 và 105 tỷ USD năm 2021.

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của thế giới. Từ năm 2000, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xoá nạn mù chữ. Công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân có tiến bộ. Tuổi thọ của người dân ngày càng tăng. Phúc lợi và an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng; giải quyết việc làm và xoá đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt (tỷ lệ nghèo đa chiều toàn quốc là 7,52%, với 1.972.767 hộ); khoa học công nghệ và tiềm lực khoa học - công nghệ có bước phát triển nhất định; nền văn hoá dân tộc được bảo tồn và phát huy; chính sách phát triển nguồn nhân lực được chú trọng...

Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Hiện nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế ASEAN, ASEM, APEC, WTO...

Trong năm 2022, Việt Nam tiếp đón tiếp đón 18 đoàn lãnh đạo cấp cao từ các nước láng giềng, khu vực, đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống và tổ chức quốc tế đến thăm. Đồng thời, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tiến hành hơn 60 chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao dưới nhiều hình thức, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, tin cậy chính trị ở mức cao, đạt được kết quả cụ thể, thực chất với hơn 100 văn kiện, thỏa thuận được ký kết; thực hiện ngoại giao y tế và ngoại giao vaccine phòng Covid-19 đạt hiệu quả.

Trong bối cảnh cạnh tranh, đối đầu gay gắt giữa các nước lớn và một số vấn đề nảy sinh trên biển Đông, Việt Nam đã khéo léo, linh hoạt, xử lý cân bằng, hài hòa, có lý có tình, phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Sự kiện Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 77, trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 và Uỷ ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022 - 2026 với tín nhiệm cao là minh chứng rõ nét về uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Sức sống mới trên quê hương trung dũng, kiên cường

Ở Tây Ninh, sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975, thực tế Tây Ninh đã mất gần 5 năm không có hoà bình trọn vẹn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân dân Tây Ninh cùng một lúc vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, tham gia giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng do Pôn-Pốt gây ra, chi viện sức người, sức của giúp tỉnh Kom-Pong-Chàm (Campuchia) chí tình, chí nghĩa trong 10 năm (1979-1989).

Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cơ chế quản lý kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm 1991-1995, là thời kỳ đi vào thế ổn định và tăng trưởng.

Năm 2005, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân hàng năm 14% là mức tăng trưởng cao nhất kể từ trước đó. Vừa qua, trong năm 2022, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước thực hiện 56.289 tỷ đồng, tăng 9,56%; thu ngân sách đạt 12.181 tỷ đồng, tăng 17,4% so cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu tăng 25,9%, kim ngạch nhập khẩu tăng 26,3% so cùng kỳ. Đáng chú ý, tỉnh đã đưa vào hoạt động Cụm nhà máy điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng, đưa Tây Ninh thành một trong những "thủ phủ" về điện năng lượng mặt trời của cả nước.

 

Công tác phòng, chống dịch Covid-19, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân được thực hiện tốt; lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh là 1,09% (với 3.499 hộ), trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 0,32% (1.037 hộ), cận nghèo là 0,77% (2.462 hộ).

Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được giữ vững. Quan hệ hợp tác đối ngoại được duy trì thường xuyên và có hiệu quả. Các lực lượng bảo vệ biên giới có sự hiệp đồng tốt hơn. Huyện, xã biên giới được xây dựng vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Trải qua chặng đường 48 năm kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2023), cùng với sự phát triển chung của đất nước, Tây Ninh không ngừng phát triển, “thay da đổi thịt” qua năm tháng, đó là hiện thực của cuộc sống mà bất kỳ người dân Tây Ninh nào cũng không thể phủ nhận.

Chiến thắng 30.4.1975 của Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc.

Nhìn lại chặng đường 48 năm khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗ lực xây dựng và thành tựu to lớn trong phát triển đất nước để càng thêm tự hào về các thế hệ tiền bối cách mạng, về sự kiên cường, bất khuất, anh hùng của một dân tộc, để càng thấm thía lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân cần nêu cao ý chí quyết tâm, tự lực tự cường, tham gia giữ gìn thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sánh vai với cộng đồng quốc tế.

Hoàng Trần

Tin cùng chuyên mục