Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mọi chính sách phải đến được với người dân
Thứ bảy: 05:35 ngày 26/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chiều 24.11, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành. Dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh có ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta xây dựng chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”.

Lực lượng báo chí - truyền thông chính thống vẫn đóng vai trò chủ lực

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước. Thủ tướng nhấn mạnh, truyền thông chính sách có vai trò rất quan trọng. Công tác truyền thông phải lấy người dân là chủ thể, mọi chính sách đều phải hướng đến người dân. Làm tốt công tác truyền thông giúp người dân biết và tham gia, tổ chức thực hiện, phản hồi về chính sách. Tất cả nhằm mục tiêu “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, truyền thông phải nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Làm tốt công tác truyền thông chính sách là phải đưa chính sách vào cuộc sống và xây dựng được niềm tin của người dân đối với Chính phủ. Truyền thông chính sách phải được coi là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, đổi mới công nghệ trong công tác truyền thông chính sách để đáp ứng sự phát triển của xã hội.

Tại hội nghị, báo cáo về công tác truyền thông chính sách, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.

Về lực lượng báo chí cách mạng, toàn quốc có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của quốc gia, 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí và 64 đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc. Số lượng lao động trực tiếp làm báo trên toàn quốc hiện nay là hơn 60.000 người, trong đó gần 20.000 người được cấp thẻ nhà báo. Phần lớn các cơ quan báo chí chủ lực ở trung ương và địa phương đều nỗ lực hoàn thành tốt sứ mệnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân để hưởng ứng, đồng thời góp ý xây dựng và thực hiện chức năng phản biện xã hội đối với các quyết sách của Nhà nước.

“Có khi ý tưởng tốt, mang lại hiệu quả cao, nhưng truyền thông không tốt thì cuối cùng cũng không làm được”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Trong 2 năm, các Đài Phát thanh - Truyền hình đã sản xuất và phát sóng hơn 1.500.000 tin, bài, phóng sự, thông tin tuyên truyền về dịch Covid-19... với tổng thời lượng khoảng 4.400.000 phút; báo, tạp chí và trang thông tin điện tử tổng hợp đăng tải 4.232.055 tin, bài. Các nhà mạng viễn thông phát hơn 44 tỷ âm thông báo trên phạm vi toàn quốc và trong phạm vi một số tỉnh, thành; 70 đợt nhắn tin với tổng số hơn 32 tỷ bản tin nhắn sms. Hàng trăm tỷ lượt bản tin cảnh báo dịch bệnh và giới thiệu kỹ năng phòng, chống dịch cũng được đưa đến người dân qua các nền tảng tin nhắn Zalo, mạng xã hội…

Điển hình gần đây phải kể đến là thành quả rõ rệt của công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác truyền thông chính sách ở Trung ương và các địa phương. Nhiều sáng kiến, cách làm có tính đột phá, mang lại hiệu quả xã hội, ổn định tâm lý, các tầng lớp nhân dân tin tưởng và ủng hộ nỗ lực của hệ thống chính trị nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả.

Tuy nhiên, các kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở Trung ương với nguồn lực ít nhiều cũng được trang bị, đầu tư cơ bản. Ở nhiều địa phương và cá biệt ở một số bộ, ngành hiện nay, công tác truyền thông không được quan tâm do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan.

Đề xuất nhiều giải pháp phát triển truyền thông chính sách

Từ những thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất một số giải pháp phát triển truyền thông chính sách, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét như: cần cấp bách thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách như là 1 nhiệm vụ, 1 chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, từ đó định hình bộ máy chuyên trách và hình thành vị trí việc làm phù hợp cho công tác truyền thông của cơ quan Nhà nước.

Phải có công cụ, phương thức đo lường, đánh giá được hiệu quả truyền thông chính sách qua các phương thức (báo chí, thông tin cơ sở, truyền thông xã hội, cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước….). Nhà nước có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng, trở thành dòng chảy chính, tích cực để dẫn dắt dư luận, truyền thông chính sách hiệu quả. Hiện nay, làm báo cũng chính là làm công nghệ, cần có nền tảng công nghệ để làm báo trên không gian số. Riêng với lĩnh vực thông tin cơ sở tiếp tục đầu tư, xây dựng, hiện đại hoá đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, bảng tin điện tử phát huy tối đa các ưu điểm của công nghệ trong hoạt động thông tin cơ sở.

Đối với báo chí, có nhiều cơ quan báo chí hoạt động tự chủ 100%, có ảnh hưởng lớn trong xã hội nhưng làm nhiệm vụ truyền thông chính sách bằng nguồn thu quảng cáo dịch vụ. Cần có sự thay đổi, tăng cường “đặt hàng”, giao nhiệm vụ và bố trí nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các cơ quan báo chí chủ lực.

Hằng năm, các cơ quan chủ quản cần xác định nhiệm vụ xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, trên cơ sở đó ưu tiên bố trí kinh phí theo phân cấp cho hoạt động truyền thông chính sách; bảo đảm nguồn kinh phí cho truyền thông chính sách ít nhất 10%-20% số lượng tác phẩm báo chí có nội dung truyền thông về chính sách, tuỳ thuộc từng thời điểm, yêu cầu nhiệm vụ và năng lực của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí.

“Chúng ta truyền thông tốt để tạo niềm tin thì mọi người thấy rằng làm thế là đúng và phải làm, không làm không được, xử lý người sai để bảo vệ người đúng, Nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Nhi Trần

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục