BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nên giao cho toà án thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (*)

Cập nhật ngày: 14/11/2011 - 01:34

Chiều ngày 10.11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) thống nhất nhận định việc ban hành luật này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý xã hội; khắc phục những bất cập, tồn tại trong thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu Tâm đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tổng kết đưa vào dự thảo luật để khắc phục tình trạng luật chỉ quy định những vấn đề chung, còn nội dung cơ bản thì lại giao cho văn bản dưới luật.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm đề nghị: tách quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính và quy định về các biện pháp xử lý hành chính thành hai đạo luật để có cơ chế điều chỉnh cho phù hợp. Bởi vì, giữa xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có những điểm khác nhau cơ bản về đối tượng, phương pháp điều chỉnh, trình tự, thủ tục áp dụng. Đặc biệt, chế tài đối với người bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính rất nặng, phần nào đó hạn chế quyền tự do, quyền cơ bản của công dân.

 Về vấn đề thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (dự thảo luật quy định có 4 biện pháp xử lý hành chính: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh), đại biểu Tâm cho rằng, các biện pháp xử lý hành chính là những biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước (trong đó có 3 biện pháp buộc người bị áp dụng phải cách ly khỏi cộng đồng trong thời gian nhất định), do đó, thẩm quyền áp dụng các biện pháp này cần được giao cho toà án quyết định theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, bảo đảm khách quan, thận trọng, chính xác.

Về mức phạt tiền tại khoản 1 Điều 23 dự thảo luật quy định mức xử phạt tiền tối thiểu là 50.000 đồng và tối đa là 2 tỷ đồng. theo đại biểu Nguyễn Thành Tâm việc tăng mức phạt tiền là cần thiết, để bảo đảm tính răn đe, phù hợp với thực tiễn, nhưng cần cân nhắc mức tăng bao nhiêu là hợp lý? Đại biểu cho rằng, so với Pháp lệnh XLVPHC (mới qua 3 năm thi hành từ 2008 đến nay) thì mức phạt tiền tối thiểu tăng gấp 5 lần và mức phạt tiền tối đa tăng gấp 4 lần là quá cao, không phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như thu nhập của nhân dân; không tương xứng so với mức phạt tiền được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Về vấn đề dự thảo luật không quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, nếu họ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Đồng thời, quy định thêm biện pháp phạt bổ sung là buộc người bán dâm phải chữa bệnh (điểm đ Khoản 1 Điều 21 và Điều 27). Đại biểu tán thành quy định của dự thảo luật về vấn đề này. Tuy nhiên, cần cân nhắc tính khả thi việc quy định biện pháp phạt bổ sung, bởi vì, theo quy định của dự thảo luật mỗi khi người bán dâm bị xử phạt thì Nhà nước phải tổ chức khám bệnh cho họ, nếu có bệnh thì bắt buộc chữa bệnh. Mặt khác, trong quá trình bắt buộc người bán dâm phải khám bệnh, trường hợp phát hiện họ mắc bệnh lây truyền thì buộc phải chữa bệnh là thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta; nhưng vấn đề này cần làm rõ trường hợp người bán dâm không có tiền thì ai phải trả khoản tiền khám, chữa bệnh cho họ nhằm bảo đảm tính khả thi và công bằng xã hội.

Duy Quang

(Lược ghi)

(*) Tựa đề do Toà soạn đặt