BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngân hàng NN&PTNT Tây Ninh: Chính sách tín dụng ngân hàng ngày càng tiếp cận nông dân

Cập nhật ngày: 27/05/2011 - 07:03

Vốn vay tín dụng thông qua Tổ LKSX đã tiếp cận đến nhiều hộ nông dân

Từ nhiều năm trước đây, sự phối hợp liên tịch giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNoPTNT) Tây Ninh và Hội Nông dân Tây Ninh đã được triển khai thực hiện. Trong đó NHNoPTNT Tây Ninh thực hiện cho nông dân vay vốn sản xuất thông qua Tổ liên kết có sự tham gia của Hội Nông dân. Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 41 về “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” vào tháng 4 năm 2010 đến nay, NHNoPTNT và Hội Nông dân càng tăng cường hơn nữa công tác phối hợp cho nông dân vay vốn thông qua Tổ liên kết sản xuất.

Theo báo cáo của NHNoPTNT Tây Ninh, thực hiện Nghị định 41 về “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”, trong 1 năm qua, tổng doanh số cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn của toàn chi nhánh trên địa bàn tỉnh đạt 4.583 tỷ đồng- chiếm đến 52% tổng doanh số cho vay chung toàn ngành. Trong đó riêng doanh số cho nông dân vay thông qua Tổ liên kết sản xuất thực hiện được 110,2 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 4.287,5 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay phối hợp với Hội Nông dân là 293,5 tỷ đồng với gần 28.500 hộ của 2.128 Tổ liên kết sản xuất. Đồng thời, thông qua Hội Nông dân và các Tổ liên kết sản xuất, NHNoPTNT Tây Ninh cũng huy động được nguồn vốn hơn 30 tỷ đồng.

Theo đánh giá của NHNoPTNT Tây Ninh thì sau 1 năm phối hợp cho vay qua Tổ liên kết sản xuất, NHNoPTNT Tây Ninh và Hội Nông dân Tây Ninh đã tích cực phát huy thế mạnh, tạo sự chuyển biến đáng kể lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn tỉnh. Qua việc phối hợp liên tịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn thể chính trị xã hội có thêm hoạt động thiết thực đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của nông dân, thu hút hội viên để ngày càng phát triển. Đặc biệt, mô hình cho vay theo Tổ liên kết sản xuất đã giúp ngân hàng quản lý vốn cho vay được chặt chẽ hơn do có sự giám sát qua lại giữa các thành viên trong Tổ, đồng thời triển khai đồng vốn vay đúng mục đích, nâng cao hiệu quả. Thông qua mô hình cho vay này, hai ngành đã đưa chính sách tín dụng ngân hàng ngày càng tiếp cận với nông dân, ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, tác động trực tiếp đến nhiều hộ nông dân trong tỉnh. Sự phối hợp đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và cải thiện đời sống nông dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của NHNoPTNT Tây Ninh thì việc phối hợp cho vay thông qua Tổ liên kết sản xuất trong năm qua vẫn còn một số mặt hạn chế. Trước tiên là mức cho vay bình quân vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức quy định tối đa. Theo chính sách thì cho phép cho vay đến 50 triệu đồng không yêu cầu tài sản bảo đảm tiền vay, nhưng thực tế dư nợ bình quân chỉ có 10,2 triệu đồng/hộ. Về chất lượng tín dụng cho vay thông qua Tổ liên kết sản xuất cũng đang có dấu hiệu giảm sút mà cụ thể là tỷ lệ nợ xấu có gia tăng do cho vay tín chấp nên có một số hộ nông dân không tích cực trả nợ vay. Theo định hướng thì nợ xấu chỉ chiếm tỷ lệ không quá 3% trong tổng dư nợ, nhưng đến nay nợ tồn đọng cho vay Tổ liên kết sản xuất phối hợp với Hội Nông dân vẫn còn hơn 24 tỷ đồng- chiếm đến 7,7% trong tổng dư nợ. Ngoài ra, việc thẩm định cho vay của một số cán bộ uỷ thác còn điểm hạn chế và một số cán bộ tín dụng địa bàn chưa thường xuyên phối hợp hỗ trợ tái thẩm định nên chất lượng tín dụng một số nơi còn tiềm ẩn rủi ro cao.

Từ nay đến cuối năm 2011, NHNoPTNT Tây Ninh tiếp tục tăng cường công tác phối hợp cho vay tín dụng thông qua Tổ liên kết sản xuất. Cụ thể cả hai ngành phấn đấu đạt doanh số từ 500 tỷ đồng với dư nợ cuối năm 2011 là 440 tỷ đồng, đồng thời kéo giảm tỷ lệ nợ xấu còn dưới 3% tổng dư nợ. Riêng NHNoPTNT Tây Ninh tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên đối với hộ vay vốn qua Tổ liên kết sản xuất, đồng thời sẽ xem xét nâng mức cho vay tín chấp đến 50 triệu đồng theo tinh thần Nghị định 41 của Chính phủ.

Sơn Trần

 


 
Liên kết hữu ích