BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghĩ về hành vi tiêu dùng và lòng yêu nước

Cập nhật ngày: 06/12/2009 - 08:27
HTML clipboard

 

Hàng may mặc Việt Nam chất lượng không thua kém nước ngoài.

Nhà nước đang kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam như một giải pháp để kích thích nền kinh tế trong giai đoạn suy thoái hiện nay. Cần biết rằng, ở nhiều quốc gia, nhất là những nước chậm phát triển, chính phủ thường khuyến khích dân chúng dùng hàng nội để giúp kinh tế nước nhà phát triển. Đó cũng là cách thể hiện lòng yêu nước.

Ví dụ rõ nhất là Ấn Độ. Chính phủ của đất nước có số dân hơn một tỷ người này thường xuyên kêu gọi dân chúng xài hàng nội địa để qua đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hiện nay, trên đường phố nước Ấn, xe hơi nội được người dân dùng rất nhiều. Cách nay chưa lâu, các nhà sản xuất xe hơi của nước này còn cho ra đời loại xe giá rẻ, chỉ khoảng 2.000 USD.

Dẫn ra câu chuyện trên để thấy rằng, việc khuyến khích người dân dùng hàng nội là biện pháp được nhiều quốc gia lựa chọn. Nhưng cũng sòng phẳng mà nói, không phải ngẫu nhiên mà dân chúng nước họ chấp nhận dễ dàng khi mua hàng nội địa. Ngoài giá thành cạnh tranh, một trong những điều quan trọng nhất là chữ tín trong sản xuất và kinh doanh. Hàng nội của họ phải đảm bảo chất lượng, chế độ hậu mãi, bảo hành được thực hiện nghiêm túc, chuyên nghiệp. Các “thượng đế” hoàn toàn yên tâm khi dùng hàng nội. Các nhà sản xuất và kinh doanh uy tín, để bảo vệ thương hiệu và giữ chân khách hàng, họ sẵn sàng thu hồi hàng loạt sản phẩm nếu phát hiện “bị lỗi”. Nói chung là họ tìm mọi cách để làm hài lòng khách hàng- những người quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Như vậy, không chỉ có người tiêu dùng thể hiện trách nhiệm công dân bằng hành vi tiêu dùng của mình mà ngay các nhà sản xuất cũng cần thể hiện lòng yêu nước bằng cách tạo ra những sản phẩm đáng tin cậy góp phần “vinh danh” sản phẩm nội.

 Ở nước ta, sau hơn hai mươi năm đổi mới, nền công nghiệp còn non trẻ của Việt Nam cũng đã có những tiến bộ nhất định. Nhiều mặt hàng tiêu dùng được sản xuất trong nước đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, thậm chí còn đủ sức đánh bật hàng ngoại nhập. Ví dụ rõ nhất là các mặt hàng: xi măng, bóng đèn điện, phích nước... và nhất là hàng may mặc. Chất lượng, mẫu mã của những mặt hàng nêu trên không hề thua kém, thậm chí còn đẹp và bền hơn hàng ngoại. Thông tin trên báo chí cho hay, lần đầu tiên, nền công nghiệp may mặc của Việt Nam đã thu về lượng ngoại tệ còn lớn hơn cả số tiền thu được từ bán dầu khí! Thậm chí, một số nước đã lấy hàng hoá của họ sau đó dán nhãn của Việt Nam lên để bán hàng cho chạy (thực chất đó là hành vi ăn cắp thương hiệu của hàng Việt). Còn rất nhiều những sản phẩm được sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh. Với những mặt hàng này, người tiêu dùng không việc gì phải mua hàng ngoại nhập.

Điều mà không ít nhà sản xuất trong nước cũng như hệ thống phân phối sản phẩm chưa làm được như các nước khác, đó chính là giữ chữ tín với khách hàng. Nói rõ ra, khi mua hàng trong nước, người Việt chưa an tâm với khâu bảo hành, hậu mãi. Chất lượng của

Quạt điện Việt Nam hiện đang chiếm lĩnh thị trường nội địa và cả xuất khẩu.

không ít sản phẩm chưa đảm bảo. Có nhiều nguyên nhân, trong đó, dây chuyền sản xuất và công nghệ lạc hậu là nguyên nhân chính. Nhiều nhà sản xuất thường chỉ cải tiến dây chuyền dưới dạng chắp vá, thậm chí nhập nguyên dây chuyền mà nước ngoài đã thải từ lâu. Bên cạnh đó, lại thường không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình công nghệ. Đó là chưa kể còn ăn gian chất lượng. Sản phẩm sữa là một ví dụ sinh động nhất trong thời gian qua. Đã có trường hợp một hộp sữa giá hơn trăm ngàn nhưng chất lượng chỉ hơn… bột mì. Một khi khách hàng bị lừa thì lòng tin của họ sẽ không còn.

Để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì chất lượng sản phẩm, cách thức phục vụ phải được nâng lên nhiều hơn nữa. Bởi không ai muốn bỏ tiền ra để đi mua một sản phẩm không đáng “đồng tiền bát gạo”.

Trong bài “Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới” (sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9) của tác giả Vũ Khoan (nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ) có viết: “Bước vào thế kỷ mới, nước ta sẽ ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Bản tính thích ứng nhanh sẽ giúp dân ta tận dụng những cơ hội, ứng phó với thách thức do tiến trình hội nhập đem lại. Nhưng thái độ kỳ thị đối với sự kinh doanh, thói quen hưởng sự bao cấp, nếp nghĩ sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức đều cản trở sự phát triển của đất nước. Thói quen ở không ít người thích tỏ ra “khôn vặt”, “bóc ngắn cắn dài”, không coi trọng chữ tín sẽ gây tác hại khôn lường trong quá trình kinh doanh và hội nhập…”. Điều đó là không thể phủ nhận.

VIỆT ĐÔNG