BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhà đẹp

Cập nhật ngày: 13/04/2011 - 07:39

Vào cuối thế kỷ trước, đi trên đường ta có thể gặp những ngôi nhà như đã từng nhìn thấy ở đâu rồi! Quả tình đã có một thời, có người trước khi xây nhà đã đi dạo quanh các phố phường ngắm nghía, thấy ưng ý là chụp hình, hoặc dẫn thợ đến xem qua rồi về theo đó mà vẽ kiểu, sửa đôi chút cho ưng ý hơn rồi cứ thế mà làm. Rõ là một cách xây nhà không chuyên nghiệp. Mặt khác, việc quản lý xây dựng của ta còn “hơi bị lỏng”, nên có khi nhà xây sắp xong mà chẳng ai đến xét giấy, kiểm tra xem có giấy phép chưa. Do thế tình trạng “vi phạm bản quyền” xây dựng cũng không ai để ý. Thậm chí chủ ngôi nhà bị người khác “nhái” kiểu ấy còn tự hào rằng: Nhà mình đẹp thì người ta mới nhái!

Nay thì đã khác. Một là người xây biệt thự, nhà mặt tiền phố lớn thường giàu nên chẳng ngại “mở hầu bao” chi dăm bảy triệu cho thiết kế, vẽ sửa sao cho đến ưng ý thì thôi. Mặt khác, kiến trúc sư hoặc kỹ sư xây dựng giờ cũng biết chiều người. Họ sẵn sàng thiết kế và xây theo kiểu “chìa khoá trao tay” từ A đến Z. Nhưng cơ bản nhất có lẽ là sự chuyển đổi về ý thức. Nếu cuối thế kỷ trước, người ta còn sợ nhà mình mọc lên trông “hổng giống ai” thì nay chính sự khác biệt, sự mới lạ mới chính là điều làm cho gia chủ… tự hào. Tuy vậy đa số họ cũng không “chuộng lạ” đến nỗi học đòi theo những mốt quá xa vời, như đã từng thấy ở một vài đô thị lớn. Như Hà Nội một thời đua nhau làm các loại chóp, vòm mái trên nóc nhà theo đủ loại hình có trên thế giới, từ vòm củ tỏi Mạc Tư Khoa cho đến vòm cong nhọn mũi Ả Rập hay là Gô tích…

Một ngôi nhà ở KP1, phường 3, thị xã Tây Ninh.

Ngắm nhiều ngôi nhà được nhiều người khen “đẹp”; có thể rút ra vài lý do để trả lời câu: nhà đẹp vì sao?

Một là bản thân cái nhà có sự phù hợp giữa công năng sử dụng và hình thức kiến trúc. Những cố gắng tô đắp cho mặt tiền khác đi chỉ vì lý do hình thức, đa số đều thất bại. Ví dụ như việc xây các tường chắn mái kiểu bậc thang để che đi mái dốc trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.

Hai là nhà đẹp thường không quá sa vào sự tìm tòi các chi tiết kiến trúc. Như ở các kiểu cửa đi, cửa sổ hoặc kiểu mái nhà. Vấn đề nên tránh là có quá nhiều kiểu loại chi tiết kiến trúc trong cùng một toà nhà. Và sự tương đồng của loại cửa, lan can, hệ cột, mái đón… đã tạo nên tính thống nhất tương đối của kiến trúc mặt tiền- điều cơ bản tạo ra cái đẹp. Ngay chi tiết mái cũng quan trọng không kém, nhất là với các loại nhà biệt thự lộ mái hiện nay. Chính nhờ sự “lộ” cần thiết này, đã khiến ngôi nhà biệt thự đẹp hơn lên trong mắt người xem. Nhờ thế mà ta biết người Tây Ninh ưa thích những màu tôn, ngói khác hơn là màu đỏ truyền thống, nhất là màu sẫm. Dù vậy, mái sẽ đẹp hơn nếu đừng có quá nhiều tấm mái.

Ba là sự góp mặt của nhiều loại vật liệu mới cũng làm cho ngôi nhà trở nên đẹp và sang trọng. Đấy là các loại gạch đá ốp lát nền và tường nhà hoặc các loại sơn tường luôn được quảng cáo trên đài là “sơn đâu cũng đẹp”. Nhà sang trọng ở Tây Ninh lâu nay vẫn tôn trọng nhất là các loại đá tự nhiên. Trước kia là đá cẩm thạch thì nay đã chủ yếu là granít. Đã có nhiều nhà kết hợp gốm và đá làm cho sắc màu và chất của từng mảng tường trang trí trở nên mềm mại, gần gũi hơn với con người. Sự góp mặt mang tính đột phá là các loại kính dày chịu lực, có thể uốn cong, kết hợp với thép inox để làm các mảng lan can cầu thang hoặc ban công các tầng nhà. Những ngôi nhà có các mảng kính lớn, không có các hoa sắt bảo vệ thường cho cảm giác sang trọng và hoàn mỹ. Điều quan trọng hơn là nó tạo điều kiện cho không gian sân vườn như được lôi kéo vào, gắn bó với không gian nội thất.

Vấn đề tạm gọi sau cùng, ngày một trở nên quan trọng hơn với chẳng riêng gì nhà ở chính là sân vườn. Nhà phố kiểu ống thì đưa vườn treo lên các tầng nhà. Nhà biệt thự, dĩ nhiên tha hồ thi thố các kiểu loại công viên Việt Nam, Trung Hoa hay Nhật Bản. Kiểu nào thì cũng phải có cây, cỏ, đá. Nhà thì “chơi” toàn sứ cổ thụ, điểm trang mấy khóm trầu, cau. Nhà lại “sắm” toàn cau sâm banh, cọ dầu hoặc các loài cây kiểng quý họ tùng, bách giá hàng trăm triệu. Gần đây là sân vườn của nhà anh Trung mới xây trên đường Nguyễn Chí Thanh gần với quán Bằng Lăng. Dĩ nhiên vườn cũng đủ cỏ, đá, kiểng bông các loại, nhưng điểm nhấn của vườn lại là năm cây dừa lão gầy gò vẹo vọ ngả ra năm hướng khác nhau. Chính là những cây dừa ta hay gặp còng queo trên những bờ ruộng khô chẳng mấy ai để ý. Thế mà về sân vườn đô thị, năm cây dừa vẹo vọ kỳ cục kia lại làm nên vẻ đẹp có hồn và rất riêng tư.

TRẦN VŨ