BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những bất cập trong hoạt động quản lý thị trường

Cập nhật ngày: 02/06/2011 - 12:18

Ông Võ Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục QLTT cho biết trước đây nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị ông là chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh. Trong những năm gần đây, QLTT còn phải phụ trách thêm các công việc: kiểm tra thị trường về niêm yết giá và bán đúng giá, niêm yết giá ngoại tệ và thu ngoại tệ; kiểm tra chất lượng, đo lường và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nhưng lực lượng QLTT thì lại không có tăng về con người. Cách nay hơn 10 năm lực lượng QLTT toàn tỉnh có 58 biên chế, hiện nay cũng vậy. Hiện tại Chi cục có 1 đội QLTT trực thuộc và ở tất cả các huyện thị đều có đội QLTT. Tuy nhiên, số lượng cán bộ QLTT vẫn còn quá mỏng. Mỗi huyện, thị với địa bàn rất rộng nhưng chỉ có 4 cán bộ QLTT- trong đó có 1 đội trưởng và 3 kiểm soát viên mà phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Với lực lượng mỏng như vậy, lực lượng QLTT rất khó có thể hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ.

Nhiều hàng hoá tịch thu không thanh lý được mà phải tiêu huỷ

Ngoài việc lực lượng mỏng, QLTT còn thiếu thốn về phương tiện để thực hiện nhiệm vụ. Trước tiên là về phương tiện đi lại. Trước đây, Chi cục QLTT được cấp một số xe mô tô để cán bộ đi công tác, nhưng sau nhiều năm hoạt động nay không còn xe nào sử dụng được. Hiện tại hầu như tất cả cán bộ QLTT đi công tác đều bằng xe cá nhân. Vừa qua tỉnh có chủ trương cho Chi cục mua sắm phương tiện cho cán bộ QLTT đi công tác, nhưng khi thực hiện Quyết định 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát nên phải ngưng lại. Riêng về thiết bị kiểm tra nhanh một số thông số về chất lượng hàng hoá hoặc về đo lường thì Chi cục hoàn toàn chưa được trang bị. Chính vì thế mà muốn đánh giá được chính xác thì cán bộ QLTT phải lấy mẫu đưa đến cơ quan chức năng kiểm định. Việc lấy mẫu kiểm định phát sinh khó khăn khác là phải tốn chi phí, mà chi phí này chỉ lấy từ nguồn trích xử phạt hàng hoá vi phạm. Vì vậy, nếu hàng hoá kiểm định không vi phạm thì Chi cục phải chịu phần chi phí này. Trong điều kiện nguồn kinh phí hoạt động được khoán thì việc phải chịu thêm chi phí là điều hết sức khó khăn. Do đó hầu hết các đội QLTT đều thực hiện lấy mẫu kiểm tra khi đã nắm chắc hàng hoá có dấu hiệu vi phạm. Điều này phần nào cũng có làm hạn chế hiệu quả công việc. Riêng về kinh phí hoạt động của lực lượng QLTT lại càng hạn chế- chỉ đủ trang trải cho nhu cầu làm việc tại văn phòng, còn khi đi công tác thì lấy chi phí từ nguồn trích xử phạt hoặc thanh lý hàng tịch thu. Tuy nhiên, nguồn chi phí này cũng rất hạn chế do phần lớn mặt hàng khi tịch thu- theo quy định thì phải tiêu huỷ như: thuốc lá; thuốc tây; rượu ngoại… chứ không thể thanh lý được nên hoàn toàn không có nguồn thu. Có lúc- do nhu cầu công tác Chi cục phải tạm ứng nguồn kinh phí hoạt động để thực hiện công tác kiểm tra, chờ đến khi có hàng hoá vi phạm mới có nguồn thu thanh toán lại tiền tạm ứng.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc “an cư” của các đội QLTT ở các huyện, thị. Từ khi thành lập đến nay đa số đội QLTT đang phải “ăn nhờ, ở đậu” tại một số cơ quan, đơn vị nào đó ở huyện. Vừa qua, UBND tỉnh đã có chủ trương cho Chi cục lập dự án xây dựng các trụ sở làm việc của các đội QLTT cấp huyện, nhưng sau đó lại phát sinh khó khăn khác. Bởi vì muốn xây dựng trụ sở là phải có đất đai. Thực tế hiện nay chỉ có một số huyện là còn đất công có thể cấp cho đội, nhưng cũng có một số huyện không còn đất công nữa.

Qua đợt giám sát gần đây, Ban Pháp chế HĐND tỉnh (khoá VII) đã có kiến nghị UBND tỉnh và các huyện, thị xem xét, bổ sung thêm biên chế và tăng hạn mức kinh phí hoạt động đặc thù hằng năm cho Chi cục QLTT và các đội QLTT để có điều kiện thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, đề nghị tỉnh cấp kinh phí và các huyện thị hỗ trợ cấp đất để các đội QLTT xây dựng trụ sở làm việc. Ngoài ra, ngành chức năng hỗ trợ trang bị thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng xăng dầu để tạo thuận lợi cho lực lượng QLTT chủ động kiểm tra chuyên ngành về chất lượng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

SƠN TRẦN