BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV:

Nội dung của pháp luật về tài nguyên và môi trường còn chồng chéo với các luật khác 

Cập nhật ngày: 12/06/2020 - 20:35

BTNO - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, trong ngày 11.6, Quốc hội thảo luận Tổ về Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác và Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Thanh Phương- Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Tây Ninh đã có ý kiến phát biểu góp ý đối với dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) như sau:

Về giải thích từ ngữ tại Điều 3: đại biểu Phương đề nghị giải thích từ ngữ giữa “Pin” và “tấm pin năng lượng mặt trời”, nhằm xác định rõ tấm pin năng lượng mặt trời có phải thuộc danh mục sản phẩm phải thực hiện thu hồi sản phẩm thải bỏ không để có những giải pháp xử lý sau này.

Các ĐBQH Tây Ninh tại phiên họp.

Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Điều 42, đại biểu Phương chọn Phương án 2 là không phân quyền cho các Bộ mà phân cấp cho UBND cấp tỉnh thẩm định để bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép (nếu có) sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương hiện nay của Chính phủ.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật có liên quan đến bảo vệ môi trường (Điều 190), đại biểu Phương đề nghị cần cân nhắc chỉ nên sửa ở Luật chuyên ngành không nên sửa ở Luật này; đồng thời, cũng cần có đánh giá vì sao các dự án phải sửa đổi như vậy trong khi các Luật khác vừa được sửa đổi.

Luật chưa thống nhất về thủ tục đánh giá tác động môi trường quy định tại Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường.

Góp ý đối với dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cũng có một số ý kiến góp ý như sau: Khoản 2 Điều 25- 36 dự thảo Luật Bảo vệ môi trường quy định “quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án… trong trường hợp pháp luật quy định dự án phải quyết định chủ trương đầu tư”. Có nghĩa là nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư (Điều 33) không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trong Hồ sơ.

Như vậy, theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương 2 Luật này đang có xung đột trong quy định về thời điểm đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư. Điều này khiến cho nhà đầu tư không biết phải thực hiện thủ tục nào trước: xin quyết định chấp thuận đầu tư hay báo cáo đánh giá tác động môi trường và cơ quan thực thi cũng lúng túng trong “chọn” luật áp dụng.

Chồng lấn về vấn đề cấp phép xả thải ra nguồn nước quy định tại Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27, 50 Luật Bảo vệ môi trường thì những dự án lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Để được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, chủ dự án phải gửi báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án, trong đó có các nội dung về công trình xử lý nước thải (mạng lưới thu gom nước thải, thoát nước; công trình xử lý nước thải đã được xây lắp; kết quả vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải).

Điều 37 Luật Tài nguyên nước quy định: dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở sản xuất kinh doanh phải có hạng mục đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hệ thống tiêu thoát, dẫn nước thải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tổ chức, cá nhân xả thải vào nguồn nước phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép.

Một trong những căn cứ để cấp phép xả nước thải vào nguồn nước là “tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước thải, chất lượng của nguồn nước tiếp nhận nước thải; các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hoạt động xả nước thải đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Điều kiện để cấp phép xả nước thải vào nguồn nước bao gồm:

Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; nhân lực, thiết bị thực hiện vận hành hệ thống xử lý nước thải và quan trắc hoạt động xả nước thải đối với trường hợp đã có công trình xả nước thải…

Như vậy, đối với dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước, chủ đầu tư phải xin hai loại giấy phép (giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước) có cùng tính chất như nhau (kiểm soát nguồn nước thải vào nguồn nước để đảm bảo bảo vệ môi trường). Căn cứ để cấp phép có nhiều điểm tương đồng. Việc yêu cầu chủ đầu tư phải xin hai giấy phép có tính chất giống nhau tạo ra sự phiền phức và khó khăn trong quá trình hoạt động.

Chưa thống nhất về điều kiện kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải quy định tại Luật Chăn nuôi, Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường

Điều 62, 63 Luật Chăn nuôi quy định về quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, trong đó có các nội dung về: Quản lý, chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (yêu cầu công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy; phải khảo nghiệm trước khi công bố sản phẩm lần đầu được sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam có chứa chất mới chưa được khảo nghiệm ở Việt Nam); Điều kiện kinh doanh đối với cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.

Quy định trên là chưa phù hợp với Luật Đầu tư và chưa thống nhất với pháp luật về bảo vệ môi trường, cụ thể: Về khái niệm: Luật Chăn nuôi không có định nghĩa về khái niệm“sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi”. Pháp luật về môi trường có quy định về “chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải”. Xét bản chất, hai khái niệm này có nhiều điểm tương đồng.

Trong Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không có ngành nghề “kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi” mà lại có ngành nghề “kinh doanh chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải”.

Hiện tại, pháp luật về môi trường đang quy định về các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề “kinh doanh chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải” và các cơ chế quản lý đối với chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải (khảo nghiệm chế phẩm sinh học, đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học).

Như vậy, nếu một doanh nghiệp kinh doanh chế phẩm sinh học xử lý chất thải trong đó chế phẩm này có thể xử lý được chất thải trong chăn nuôi thì vừa phải đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật về môi trường vừa phải đáp ứng điều kiện kinh doanh theo Luật Chăn nuôi. Đồng thời sản phẩm doanh nghiệp kinh doanh vừa phải công bố hợp quy theo quy định của Luật Chăn nuôi vừa phải xin giấy phép lưu hành theo quy định của pháp luật về môi trường.

Như vậy, việc Luật Chăn nuôi quy định về sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhưng không làm rõ khái niệm này và mối liên hệ với chế phẩm sinh học xử lý chất thải trong quy định pháp luật về môi trường khiến cho các quy định giữa các quy định pháp luật có sự chồng chéo và tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp.

Chồng lấn trong quy định về thủ tục liên quan đến ứng phó sự cố hóa chất tại Luật Bảo vệ môi trường và Luật Hóa chất

Khoản 4 Điều 36 Luật Hóa chất quy định “Chủ đầu tư dự án hoạt động hóa chất thuộc Danh mục quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật này phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; chỉ được đưa dự án vào hoạt động sau khi Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt. Trường hợp mở rộng quy mô, thay đổi phạm vi hoạt động phải sửa đổi, bổ sung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng (khoản 8 Điều 3)”. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải “lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường” (điểm a khoản 1 Điều 108- 130 DT Luật).

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đóng góp ý kiến.

Điều 18 quy định các đối tượng phải đánh giá tác động môi trường. Việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án (khoản 3 Điều 19). Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có nội dung: “Đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng”.

“Đánh giá, dự báo xác định biện pháp quản lý rủi ro của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng” (Điều 22). Đối với các dự án thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với khí thải, phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải (khoản 4 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP);

“Sản xuất hóa chất” thuộc nhóm các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường trong đó có nội dung về “phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với khí thải, phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải” (khoản 4 Điều 1 Nghị định 40/2019/NĐ-CP, Nhóm I Phụ lục IIa Nghị định 40/2019/NĐ-CP).

Từ những bất cập, chồng chéo trên, đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề nghị: Đối với hồ sơ, trình tự thủ tục về đầu tư: Luật Đầu tư cần thống nhất nguyên tắc, Luật Đầu tư sẽ quy định các tài liệu trong hồ sơ, các văn bản pháp luật chuyên ngành khác không được yêu cầu thêm về tài liệu trong hồ sơ này đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của luật chuyên ngành đó;

Đối với sự thiếu thống nhất giữa các khái niệm, cần quy định khái niệm này trong một luật và các luật khác chỉ dẫn chiếu mà không quy định lại; đối với sự chồng chéo về điều kiện cấp phép: với những điều kiện cấp phép đã được quy định trong văn bản pháp luật thì văn bản pháp luật khác không được quy định lại mà chỉ dẫn chiếu tới văn bản đã quy định.

Tóm lại, để đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định điều chỉnh hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, đại biểu Phương đề nghị tiến hành rà soát tổng thể các luật có liên quan, trong đó xây dụng quy trình từ khi bắt đầu cho đến khi đưa hoạt động đầu tư vào hoạt động, ở mỗi giai đoạn cần xác định rõ do luật nào đang điều chỉnh, điều chỉnh như thế nào, có sự chồng lấn và/hoặc chồng chéo giữa các luật không, để tiến hành sửa đổi. Quan trọng là trong quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan có vai trò “gác cửa” cần kiểm soát tốt được yếu tố về tính thống nhất trong các quy định của luật.

Kim Chi (lược ghi)


Liên kết hữu ích