BAOTAYNINH.VN trên Google News

Núi Bà Đen trong thơ ngày ấy

Cập nhật ngày: 08/02/2011 - 10:49

Cũng như tất cả những ai cùng chôn nhau cắt rốn trên quê hương Tây Ninh này đều mang chung một niềm tự hào về ngọn núi Bà Đen, ngọn núi cao nhất ở Nam bộ với 886m, một thắng cảnh điển hình nhất cho vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Ninh, một căn cứ cách mạng vững chắc trong suốt 2 cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cho đến nay, đã hơn 35 năm trôi qua nhưng trong tôi vẫn còn giữ nguyên cảm giác xúc động bồi hồi vào sáng ngày 7.5.1975. Từ trung tâm tỉnh lỵ Tây Ninh tôi cùng những bạn học thời đó say sưa nhìn về hướng núi, trên đỉnh cao lộng gió lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam thật to đang tung bay phất phới.

Ở Tây Ninh trước 1975 đã có thơ viết về núi Bà Đen. Bài thơ đầu tiên ca ngợi vẻ đẹp của núi là của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, ái nữ của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu. Nhân dịp rằm tháng Giêng năm Tân Sửu (1901) các bậc tiền bối của làng thơ Tây Ninh có mời bà Sương Nguyệt Anh cùng viếng núi ngắm hoa mai trắng nở. Nữ sĩ đã xúc cảm viết một bài thơ Nôm “Vịnh bạch mai trên núi Bà” và hai bài thơ chữ Hán “Linh sơn nhất thụ mai”.

Bạch mai từ ngàn xưa được xem là một loài hoa quý có màu trắng như tuyết và hương thơm dìu dịu. Nghe nói hoa được mang sang từ Trung Quốc, thường trồng ở các đền, chùa. Hoa mai trắng thuở ấy được trồng ở trước Điện Bà. Bài thơ của nữ sĩ ca ngợi vẻ đẹp tự nhiên của hoa tinh khiết, trong sạch của đạo đức con người:

“Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng

Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân

Mây lành, gió tạnh nương hơi chánh

Vóc ngọc, mình băng bật khói trần…”.

(Vịnh Bạch mai trên núi Bà)

 Và

“Một áng hương trinh thoảng tuyệt vời

Bụi nhơ mình sạch cách xa khơi

Vừa phô kính ngọc sương mai đẫm

Đã trải lòng thơm nắng quái phơi…”.

(Theo bản dịch của cụ Hi Đạm)

Năm 1968, ông Thái Phong (hiện đang sinh sống ở xã Ninh Thạnh, thị xã Tây Ninh) đã biên tập và xuất bản một tập thơ nhiều tác giả mang tựa đề “LINH SƠN THẮNG CẢNH”. Phù hợp với ý nghĩa của 2 câu thơ in ngoài bìa sách:

“Tây Ninh danh thắng núi Bà

Uy linh trời tạc một toà nên thơ”.

Hầu hết các tác phẩm được tuyển chọn theo các thể thơ Đường luật, lục bát và song thất lục bát đều mang cùng nội dung ca ngợi thắng cảnh thiên nhiên núi Bà Đen. Bên cạnh các bài thơ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (có kèm bản dịch nghĩa của thi sĩ Đông Hồ và bản dịch thơ của cụ Hi Đạm) còn có những bài khác của các cụ Võ Sâm (tức nhà giáo Võ Văn Sâm), Hi Đạm, Huệ Ngàn, Chơn Tâm… Phần lớn các tác giả hiện nay đã qua đời.

Tháng 2 năm 1983, nhân dịp tỉnh Tây Ninh tổ chức hội xuân núi Bà lần đầu tiên, nhà văn Vân An lúc ấy là phó giám đốc Đài Phát thanh Tây Ninh có sáng kiến thành lập một quán thơ dưới chân núi Bà. Chỉ là một quán lá đơn sơ dưới bóng cây xanh mát nằm cạnh một con suối nhỏ róc rách đêm ngày. Đó là nơi gặp gỡ của bạn yêu thơ trong, ngoài tỉnh. Để có quà xuân tặng khách, nhà văn Vân An đã kết hợp cùng tôi biên soạn tập thơ “Dũng sĩ núi” và xuất bản với hình thức phụ bản của báo Văn nghệ Tây Ninh do Sở VHTT Tây Ninh ấn hành. Đó là tập thơ nhiều tác giả đầu tiên viết về ngọn núi Bà Đen ở Tây Ninh sau năm 1975. Tập thơ dày 36 trang tập hợp 17 tác phẩm của 15 tác giả quen thuộc trong, ngoài tỉnh như Vân An, Huyền Kiêu, Hi Đạm, Xuân Thới, Xuân Sắc, Phan Phụng Văn, Phan Kỷ Sửu, Phan Thị Kim Khánh, Phan Cung Việt, Lý Thanh An, Xuân Quang, Bùi Thế Căn, Mai Phương San, Bế Kiến Quốc, Trương Văn Thép… bìa sách do Ngọc Ánh vẽ. Tập thơ là kỷ niệm của những tác giả đầu tiên của làng văn nghệ Tây Ninh sau giải phóng. Bây giờ có một số tác giả không còn nữa như Vân An, Hi Đạm, Xuân Quang, Xuân Thới, Trương Văn Thép. Tập thơ phản ánh khá sinh động không chỉ vẻ đẹp tự nhiên mà còn cả truyền thống vẻ vang của một ngọn núi anh hùng trong kháng chiến. Nhà thơ Huyền Kiêu đã viết: Sao gọi núi này là núi Bà Đen/ Núi đáng được mang tên công sự đỏ…”. Ngọn núi thuỷ chung với Đảng, với  dân. Trong chiến thắng cuối cùng của dân tộc mãi mãi có tên ngọn núi Bà Đen dũng sĩ:

“Người Cộng sản chúng ta về ở đó

Để núi hừng lên làm núi mặt trời….”.

(Núi Bà Đen công sự đỏ)

Với Vân An, bóng núi quê nhà vẫn mãi in đậm trong tâm hồn, trong trái tim ông, núi từ ký ức tuổi thơ theo mẹ đi rằm tháng Giêng, lụp cụp xe bò trên đường đất, với xúc cảm mãnh liệt:

Dưới tán cây xanh rờn lọc trong từng sợi nắng/ Qua các khối đá nguyên sinh được năm tháng gọt mòn/ Tôi đi trong tiếng suối reo róc rách đầu nguồn/ Tiếng vượn kêu khi gần, khi xa thống thiết…”. Những năm tháng hào hùng đội đạn, đội bom, kiên cường đánh giặc, ngọn núi vẫn vững vàng một tấm lòng son như những người con Tây Ninh bám núi để viết nên những trang sử vàng son:

“Trước đài chiến thắng ta chiêm ngưỡng/ Công tích của người đi mở đường/ Từ nơi gió lộng nầy ta suy tưởng/ Sống sao cho xứng với quê hương”.

(Bóng núi trong tôi)   

Chị Phan Phụng Văn có một sự so sánh rất thơ. Ngọn núi Bà như một chiếc nón bài thơ trên đồng bằng quê hương lộng gió:

“Chiếc nón bài thơ lộng giữa trời/ Ngàn năm mây trắng vấn vương chơi…”.

(Chiếc nón bài thơ)

Cụ Hi Đạm có bài thơ “Mừng Hội xuân” đậm đà tình yêu xứ sở: “Sẵn màu thiên tạo xuân tươi ý/ Thêm nét nhơn vi cảnh thắm tình/ Tết nhứt vui đây, vui nhứt Tết/ Chưa đi chưa đến dạ chưa đành”.

Ông Vân An đã chọn câu “Tết nhứt vui đây vui nhứt Tết” làm câu đối, mà sau đó chưa có ai đối chỉnh.

PHAN KỶ SỬU