Theo kết quả điều tra PCI 2009, Tây Ninh đứng ở vị trí thứ 28 trong số 63 tỉnh thành trong nước. Đây chỉ là kết quả đứng ở mức “trên trung bình” có mấy bậc, nhưng điều rất có ý nghĩa là Tây Ninh đã “thăng hạng” đến 28 bậc, so với kết quả năm trước (năm 2008 Tây Ninh đứng ở vị trí… thứ 56).
>> Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2009: Tây Ninh tăng 28 bậc
Như tin đã đưa, ngày 14.1.2010 Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam, dự án do Cơ quan hợp tác quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, mở hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009. Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Trao GCN quyền sử dụng đất cho dự án dầu tiên trong KCN Bourbon - An Hoà. |
Kết quả điều tra PCI 2009 tập hợp “tiếng nói” của gần 10.000 doanh nghiệp dân doanh trong nước nhằm đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường, thể chế cấp tỉnh ở Việt Nam. Qua đó cho thấy năng lực cạnh tranh năm 2009 của tỉnh Tây Ninh đứng ở vị trí thứ 28 trong số 63 tỉnh thành trong nước. Rõ ràng đây chỉ là kết quả đứng ở mức “trên trung bình” có mấy bậc, nhưng điều rất có ý nghĩa là Tây Ninh đã “thăng hạng” đến 28 bậc, so với kết quả năm trước (năm 2008 Tây Ninh đứng ở vị trí… thứ 56).
Mặc dù đây không phải là kết quả xếp hạng thi đua chính thức của Chính phủ đối với công tác điều hành, quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương, nhưng điều mà các doanh nghiệp “cảm nhận” về sự tác động của chính quyền địa phương sở tại đối với công việc kinh doanh của họ lại rất có ý nghĩa đối với việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, với việc “cho điểm” từng mặt hoạt động quản lý, điều hành cụ thể của chính quyền, có thể nói doanh nghiệp đã chỉ rõ những mặt tích cực, cũng như những hạn chế trên từng lĩnh vực quản lý Nhà nước về kinh tế cũng như xã hội tại địa phương. Mặt khác, kết quả PCI cũng chính là tấm gương phản chiếu “kết quả thực” của công cuộc cải cách hành chính tại địa phương, giúp cho chính quyền nhận rõ thực trạng của bộ máy quản lý thuộc cấp của mình để có sự uốn nắn, sửa sai cần thiết. Để hiểu rõ hơn về bước tiến bộ cũng như những mặt hạn chế trong năng lực cạnh tranh của Tây Ninh năm vừa qua, chúng ta cùng đi sâu tìm hiểu về kết quả của từng chỉ tiêu cụ thể mà các doanh nghiệp trong tỉnh đã “chấm điểm chính quyền”. Theo nội dung điều tra PCI, có tất cả 10 chỉ tiêu thành phần, mỗi chỉ tiêu thành phần có nhiều chỉ tiêu nhỏ (từ 3 đến 13 chỉ tiêu), là các câu hỏi cụ thể để các doanh nghiệp trả lời bằng cách “chấm điểm” theo thang điểm 10. Các chỉ tiêu thành phần gồm có: -Chi phí gia nhập thị trường, -Tiếp cận đất đai, -Tính minh bạch và trách nhiệm, -Chi phí về thời gian và việc thực hiện các quy định của Nhà nước, -Chi phí không chính thức, -Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, -Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, -Đào tạo lao động, -Thiết chế pháp lý, Cơ sở hạ tầng.
Đối với 10 chỉ tiêu thành phần, có chỉ tiêu Tây Ninh được chấm điểm khá cao, có chỉ tiêu bị chấm điểm rất thấp. Chỉ tiêu Tây Ninh có điểm số cao nhất là “Chi phí gia nhập thị trường” với 9,33 điểm (địa phương có điểm số cao nhất là 9,52 điểm). Câu trả lời của doanh nghiệp đối với từng câu hỏi trong chỉ tiêu này như sau: -“Phần trăm (%) doanh nghiệp gặp khó khăn để có đủ các loại giấy phép cần thiết”, câu trả lời là 0%; -“Phần trăm (%) doanh nghiệp phải chờ hơn 3 tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để bắt đầu hoạt động”, câu trả lời là 0,06% (tỉnh nhiều nhất là 0,38%), -“Thời gian đăng ký kinh doanh” (số ngày), câu trả lời là 10 ngày (tỉnh lâu nhất là 15 ngày), -“Thời gian đăng ký kinh doanh bổ sung”, câu trả lời là 5 ngày (tỉnh lâu nhất là 10 ngày); “Số giấy đăng ký và giấy phép cần thiết để chính thức hoạt động”, câu trả lời là 1 giấy (tỉnh nhiều nhất là 3 giấy); “Thời gian chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, câu trả lời là 30 ngày (tỉnh lâu nhất là 180 ngày).
Bảng điểm PCI Tây Ninh |
Chỉ tiêu thành phần Tây Ninh có điểm số cao kế tiếp là “Chi phí không chính thức” với 7,51 điểm (tỉnh có số điểm cao nhất là 8,15 điểm). Trong đó, câu hỏi “Phần trăm doanh nghiệp cùng ngành phải trả chi phí không chính thức” được trả lời là 0,47% (nhiều nhất là 0,77%); câu hỏi “Phần trăm doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức” được trả lời là 0,07% (nhiều nhất là 0,21%); câu hỏi “chính quyền tỉnh sử dụng các quy định riêng của địa phương để trục lợi (% đồng ý hoặc… hoàn toàn đồng ý)” được trả lời là 0,38% (tỉnh bị “đồng ý” nhiều nhất là 0,72%); câu hỏi “Công việc được giải quyết sau khi đã trả chi phí không chính thức (% luôn luôn hoặc thường xuyên)” được trả lời là 0,4% (tỉnh bị cho là luôn luôn” là 0,69%); câu hỏi “Doanh nghiệp trả huê hồng để có được hợp đồng từ các cơ quan Nhà nước (% đúng)” được trả lời là 0,26% (tỉnh bị trả lời “đúng” nhiều nhất là 0,75%).
Chỉ tiêu thành phần thứ 3 mà Tây Ninh có số điểm cao là “Chi phí về thời gian và việc thực hiện các quy định của Nhà nước” với 7,16 điểm (tỉnh có số điểm cao nhất là 8,93 điểm). Trong đó trả lời câu hỏi “Các loại phí, lệ phí của nhiều thủ tục giảm sau khi thực hiện cải cách hành chính công (% có)” các doanh nghiệp cho rằng Tây Ninh đã có giảm được 22,48% (tỉnh có giảm nhiều nhất là 34,04%); câu hỏi “Thủ tục giấy tờ giảm sau khi thực hiện cải cách hành chính công (% có)” được trả lời là Tây Ninh đã giảm đến 48,06% thủ tục giấy tờ (tỉnh giảm mạnh nhất là 63,16%); câu hỏi “Các cán bộ Nhà nước làm việc hiệu quả hơn sau khi thực hiện cải cách hành chính công (% có)”, được trả lời là 42,64% (tỉnh cao nhất là 58,26%); về “Số lần trung bình làm việc với thanh tra thuế” doanh nghiệp cho biết chỉ là 1 lần (trong năm) so với tỉnh bình quân doanh nghiệp phải làm việc với Thanh tra thuế tới… 40 lần; Câu hỏi “Phần trăm doanh nghiệp phải sử dụng hơn 10% quỹ thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước” được trả lời là 15% (tỉnh làm cho doanh nghiệp mất thời gian nhiều nhất là 30%); Về “Số cuộc thanh tra (của tất cả các cơ quan đối với doanh nghiệp trong năm)”, doanh nghiệp Tây Ninh trả lời là 1 lần (tỉnh có doanh nghiệp bị thanh tra nhiều nhất là 2 lần).
Với 3 chỉ tiêu thành phần PCI mà Tây Ninh được doanh nghiệp cho điểm cao kể trên, cho thấy cả 3 đều là những chỉ tiêu cụ thể liên quan đến lĩnh vực cải cách hành chính ở tỉnh ta. Đây là sự ghi nhận khách quan của doanh nghiệp, chứ không phải do lãnh đạo hay chính các cơ quan Nhà nước của tỉnh đánh giá. Điều này là kết quả rất đáng mừng của tỉnh sau nhiều năm kiên trì thực hiện cải cách hành chính.
Biểu đồ PCI miền Đông Nam bộ |
Đối với 7 chỉ tiêu thành phần còn lại, hầu hết Tây Ninh được ghi nhận sự tiến bộ ở mức trung bình, chỉ có chỉ tiêu “dịch vụ hỗ trợ kinh doanh” bị đánh giá kém nhất là 3,03 điểm (trong khi tỉnh có điểm số cao nhất là 8,55 điểm). Trong chỉ tiêu này những vấn đề được đặt ra để yêu cầu doanh nghiệp trả lời là vấn đề dịch vụ tư vấn về thông tin pháp luật, dịch vụ tìm kiếm thông tin kinh doanh, dịch vụ hỗ trợ tìm đối tác kinh doanh, dịch vụ xúc tiến thương mại… Rõ ràng những việc này hoàn toàn còn “bỏ ngỏ” ở Tây Ninh (toàn tỉnh chỉ có 1 trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại của Nhà nước, chỉ tập trung cho việc tham mưu lãnh đạo tỉnh thu hút đầu tư, nhiều hơn là hỗ trợ doanh nghiệp, về pháp luật thì tuy tỉnh cũng có trung tâm tư vấn của Nhà nước, dịch vụ tư vấn của các luật sư, nhưng hầu như tư vấn về pháp luật kinh tế, thương mại thì hơi bị yếu).
Thiết nghĩ, với việc các doanh nghiệp đã chỉ rõ điểm mạnh, điểm yếu của tỉnh trong việc điều hành, quản lý kinh tế đối với khu vực dân doanh, nếu được cơ quan có trách nhiệm đối với lĩnh vực này tham khảo, nghiên cứu thật sâu sắc để đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới, thì hy vọng tỉnh ta sẽ vươn lên được vị trí cao hơn trên bảng sắp hạng PCI, và hơn thế nữa tỉnh sẽ có sự thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, phát triển công nghiệp hoá hiện đại hoá nhanh chóng và bền vững hơn. Bên cạnh đó vẫn còn một điểm không phải là không đáng suy nghĩ: Mặc dù tỉnh ta có bước “nhảy vọt” về chỉ số cạnh tranh trong “bảng tổng sắp” cả nước, và đứng ở vị trí thứ 2 trong nhóm các tỉnh “Khá”. Nhưng riêng ở khu vực Đông Nam bộ (kể cả Ninh Thuận và Long An), khu kinh tế trọng điểm của cả nước, vị trí của Tây Ninh vẫn ở mức “khá… khiêm tốn”. Biết rằng ta không thể đủ sức cạnh tranh, nhưng lẽ nào ta cũng không đủ sức nghiên cứu, tham khảo những cái hay của tỉnh bạn để ngày càng vươn lên?
NGUYỄN TẤN HÙNG