Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới
Phần I: Chủ nghĩa yêu nước là dòng chảy chính
Thứ ba: 23:02 ngày 22/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một trong những nội dung cốt lõi, chính yếu liên quan đến đời sống văn học, nghệ thuật của nước ta trong 15 năm qua là Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trường Sa gói bánh chưng mừng năm mới. Ảnh: Đại Dương

Đầu tháng 8.2023, tại tỉnh Đăk Lăk, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức đợt tập huấn có quy mô lớn (tham dự hơn 300 đại biểu đến từ 36 tỉnh, thành phố trong cả nước) nhằm “nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”. Một trong những nội dung cốt lõi, chính yếu liên quan đến đời sống văn học, nghệ thuật của nước ta trong 15 năm qua là Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (gọi tắt là Hội đồng) đánh giá, các mục tiêu của nghị quyết đạt kết quả quan trọng. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từng bước quan tâm đầu tư nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng, phát huy các giá trị chân, thiện, mỹ trong đời sống văn hoá, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Dòng chảy chính của văn học, nghệ thuật nước nhà là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn.

Tôn trọng tự do sáng tạo tác phẩm

Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương với tổng kinh phí 1.430 tỷ đồng.

Đảng, Nhà nước vinh danh các văn nghệ sĩ tài năng, có cống hiến cho đất nước. Các địa phương, cơ quan, đơn vị, Hội Văn học Nghệ thuật quan tâm hỗ trợ hoạt động sáng tạo, tổ chức các cuộc vận động sáng tác, mở trại sáng tác, các chuyến đi thực tế, các cuộc thi... Nhiều tỉnh, thành đã thành lập Quỹ tài trợ sáng tạo văn học, nghệ thuật; ban hành các quy chế giải thưởng cho các tác giả có tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng cao.

Đội ngũ sáng tạo văn học, nghệ thuật về cơ bản đã bám sát những vấn đề thời sự của đất nước, quê hương, tích cực tuyên truyền những mặt tốt đẹp, tươi sáng của đời sống xã hội, khẳng định và lan toả các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh, phê phán và góp phần đẩy lùi cái xấu, cái ác, sự biến chất, tha hoá về nhân cách, lối sống và đạo đức của một bộ phận trong xã hội.

Vấn đề tự do và cảm hứng trong sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng được tôn trọng, thúc đẩy đội ngũ văn nghệ sĩ khai thác đa dạng đề tài, phong phú về thể loại, phương thức thể hiện mới, khẳng định dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo.

Việc tiếp cận các trào lưu sáng tác, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của thế giới được quan tâm. Xu hướng tìm về với đặc trưng cội nguồn văn hoá dân tộc kết hợp với chất liệu dân gian, với phong cách hiện đại trở thành trào lưu của các văn nghệ sĩ trẻ.

Công nghệ hiện đại, công nghệ số bước đầu được ứng dụng rộng rãi, thúc đẩy sự phát triển của các phương thức, phương tiện sản xuất, trình diễn, quảng bá văn học, nghệ thuật. Khi đất nước đứng trước các nhiệm vụ lớn, cấp thiết như bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên cương, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đội ngũ văn nghệ sĩ đã nêu cao trách nhiệm công dân, dấn thân, cống hiến. Nhiều đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế và biểu diễn ở huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, nơi biên giới hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phục vụ kiều bào ta ở nước ngoài...

Nghị quyết 23 ra đời giúp cấp uỷ các cấp nhận thức rõ và đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là động lực to lớn góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của văn hoá, con người Việt Nam.

Từ đó quan tâm bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, cán bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lý công tác văn học, nghệ thuật. Hội đồng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành, địa phương, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành đã phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, chuyên viên làm công tác tham mưu, quản lý lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí, xuất bản trong cả nước.

Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Lý luận văn học, nghệ thuật tiếp tục được quan tâm, triển khai nghiên cứu và vận hành trong thực tiễn. Nhiệm vụ xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, hệ giá trị văn nghệ Việt Nam được tiến hành bài bản gắn với nhiệm vụ xây dựng văn hoá, con người Việt Nam, giá trị văn hoá Việt Nam. Hội đồng, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu lớn trong cả nước thực hiện nhiều đề tài khoa học, góp phần làm rõ những vấn đề đặc trưng, bản chất của văn học, nghệ thuật.

Phê bình văn học, nghệ thuật đã góp phần phát hiện, đánh giá, giới thiệu với công chúng các tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật tốt; khích lệ, cổ vũ cái hay, cái đẹp trong nội dung, hình thức của tác phẩm; hướng công chúng tìm đến các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng cao; khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo mới; đấu tranh với các khuynh hướng, hiện tượng không lành mạnh, lai căng, độc hại, thù địch, phản động.

Xây dựng, phát triển văn nghệ quần chúng

Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành luôn quan tâm công tác tập hợp, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. Nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành, tổ chức hội đã xây dựng, ban hành các văn bản nhằm cụ thể hoá việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ văn nghệ sĩ.

Các hoạt động văn nghệ quần chúng ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần bảo tồn, trao truyền, quảng bá và phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống dân tộc, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hoá, tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn học, nghệ thuật được triển khai tích cực với hình thức đa dạng.

Các địa phương, đơn vị đã đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, hệ thống thông tin đại chúng, triển khai nhiều chương trình nhằm duy trì tốt các hoạt động văn nghệ quần chúng như tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng, chiếu phim, triển lãm...

Hệ thống thư viện trong cả nước được đầu tư xây dựng từng bước khang trang, góp phần thúc đẩy văn hoá đọc trong cộng đồng, truyền bá giá trị các tác phẩm văn học, nghệ thuật đến công chúng, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời, nâng cao tri thức, hoàn thiện nhân cách con người đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

Giao lưu, hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước láng giềng, các nước trong khu vực và bạn bè quốc tế có nhiều khởi sắc theo hướng hiệu quả và thực chất. Kịp thời thể chế hoá các nguyên tắc, chuẩn mực của các hoạt động liên quan pháp luật quốc gia, quốc tế, tạo nền tảng pháp lý để bảo vệ tác phẩm và quyền tác giả trên môi trường số. Một số hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật được đẩy mạnh ở trong nước và ở nước ngoài.

Việt Đông

(Còn tiếp)

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục