Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giá trị lý luận, ý nghĩa thực tiễn của Đề cương văn hoá Việt Nam
Phần II: Phát triển con người gắn với phát triển văn hoá
Thứ tư: 12:10 ngày 08/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mối quan hệ giữa các chủ thể văn hoá từng bước được điều chỉnh theo hướng hài hoà, lành mạnh giúp phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và chủ thể sáng tạo của nhân dân.

Một tiết mục múa trong chương trình văn nghệ đêm giao thừa thành phố Tây Ninh. Ảnh: Đ.H.T

Việc vận dụng, phát huy tinh thần, luận điểm, nguyên tắc về phát triển văn hoá được đặt ra trong Đề cương với ý nghĩa như một cương lĩnh về văn hoá của Đảng đã thực sự mang lại nhiều chuyển dịch và kết quả quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hoá và con người Việt Nam trong suốt tám thập niên qua.

Mối quan hệ giữa các chủ thể văn hoá từng bước được điều chỉnh theo hướng hài hoà, lành mạnh giúp phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và chủ thể sáng tạo của nhân dân.

Ngay khi ra đời, với việc đặt con người ở vị trí trung tâm của phát triển văn hoá, Đề cương về văn hoá Việt Nam là cơ sở quan trọng để tập hợp, phát huy sức mạnh quần chúng, giới trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng để cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Qua tổng kết lý luận và tình hình thực tiễn, mối quan hệ giữa các chủ thể văn hoá ở nước ta từng bước được điều chỉnh theo hướng hài hoà, lành mạnh hơn thông qua việc sử dụng hợp lý các công cụ quản lý hiện đại và đổi mới cơ chế, phương thức quản lý.

Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận nhằm thể chế hoá các quan điểm, tạo lập nền tảng và định hướng cho việc xây dựng khuôn khổ chính sách văn hoá ở Việt Nam.

Trong khi đó, Nhà nước từ vị trí là người chỉ huy đã chuyển sang vai trò của nhà quản lý và bảo trợ. Các cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá cũng thực hiện việc phân cấp, phân quyền trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc thống nhất về hành chính quốc gia và đề cao tính tự chủ của địa phương trên nền tảng lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh.

Các cơ chế và phương tiện để thúc đẩy, hỗ trợ sự tham gia của nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hoá và người dân nói chung vào các đối thoại chính sách đã được xây dựng và phát triển.

Từ sự chuyển dịch mang tính cấu trúc này, vai trò của hệ thống chính sách, pháp luật được đề cao ở nước ta. Các văn bản pháp luật với vai trò là công cụ điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể trong từng lĩnh vực cụ thể của khu vực văn hoá được chú trọng xây dựng và hoàn thiện.

Trong lĩnh vực văn hoá, hiện Việt Nam đã có 5 luật (Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hoá, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thư viện), 50 nghị định, 14 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 100 thông tư, thông tư liên tịch được điều chỉnh trực tiếp.

Các đạo luật này từng bước tạo ra một khuôn khổ pháp lý tương đối nhất quán và hợp lý, tạo lập môi trường vận hành thuận lợi cho các hoạt động văn hoá. Đặc biệt, các văn bản hiện hành đã góp phần thể chế hoá và cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng, tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hoá của người dân.

Phát triển con người và phát triển văn hoá là hai mục tiêu gắn kết, không tách rời nhau. Phát triển văn hoá vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hoá.

Công tác nghiên cứu, giáo dục, đào tạo được chú trọng, trong đó kết hợp giữa dạy chữ, dạy kỹ năng, giáo dục nghệ thuật, năng lực cảm thụ thẩm mỹ với rèn luyện thể chất, góp phần nâng cao trí tuệ, cải thiện tầm vóc con người Việt Nam.

Ngoài hệ thống giáo dục chính quy, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở cũng được đầu tư như một phương thức để nâng cao trình độ thẩm mỹ, phát triển kỹ năng và tri thức cho người dân ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Đặc biệt, hệ thống thiết chế văn hoá được Nhà nước chú trọng đầu tư ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần không nhỏ vào việc thu hẹp khoảng cách trong hưởng thụ văn hoá giữa các bộ phận cư dân, giúp bảo đảm nguyên tắc công bằng, dân chủ hoá trong phát triển văn hoá.

Môi trường văn hoá được cải thiện, đặc biệt là tại các thiết chế văn hoá, các đơn vị, tổ chức văn hoá. Kết quả này đóng góp không nhỏ vào việc phát huy năng lực của chủ thể văn hoá và nâng cao chất lượng của sản phẩm, dịch vụ văn hoá.

Đi cùng với việc bảo tồn văn hoá truyền thống, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại là một xu thế tất yếu, đặc biệt được đẩy mạnh trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Chúng ta đã chủ động mở cửa hợp tác văn hoá với các nước, thực hiện đa dạng hoá các hình thức văn hoá đối ngoại, mở cửa thị trường văn hoá cho các doanh nghiệp nước ngoài....

Trong suốt quá trình này, nhiều giá trị văn hoá của các nước trong khu vực và trên thế giới đã từng bước du nhập vào Việt Nam, được người dân đón nhận và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội.

Thông qua vai trò của các tổ chức quốc tế, đội ngũ cán bộ văn hoá, giới thực hành và các nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam đã có cơ hội tham gia các hoạt động trao đổi văn hoá, nâng cao năng lực và hiểu biết về văn hoá các nước, từ đó rút ra các bài học để áp dụng trong nước.

Ở chiều hướng ngược lại, nhiều hoạt động nhằm giới thiệu và quảng bá văn hoá Việt Nam, nâng cao thương hiệu và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế cũng được thực hiện (Tuần lễ văn hoá Việt Nam, Ngày văn hoá Việt Nam và các sự kiện khác).

Việc khai thác các giá trị văn hoá truyền thống để phát triển các sản phẩm văn hoá phục vụ xuất khẩu cũng được đẩy mạnh như một cách thức để gia tăng giá trị kinh tế của văn hoá và quảng bá hình ảnh của đất nước.

Việc hiện thực hoá quan điểm của Đề cương về văn hoá Việt Nam về mặt trận văn hoá tồn tại trong mối quan hệ biện chứng với mặt trận chính trị và kinh tế luôn được Đảng chú trọng.

Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI khẳng định “xây dựng văn hoá doanh nghiệp, văn hoá doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế”.

Xây dựng văn hoá trong kinh tế là một bước tiến cả trong tư duy lý luận của Đảng cũng như trong triển khai tổ chức thực hiện ở nước ta, nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa văn hoá và kinh tế; có giá trị thiết thực và ý nghĩa lâu dài thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển bền vững trong những năm tới.

Từ nhận thức này, các hành động cụ thể đã được thực hiện nhằm khai thác tiềm năng kinh tế của văn hoá, phát huy tối đa vai trò và đóng góp của lĩnh vực này. Minh chứng điển hình cho nỗ lực này chính là việc ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vào năm 2016.

Chiến lược đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc kiến tạo môi trường thể chế thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hoá khai thác và chuyển hoá các nguồn tài nguyên văn hoá thành các sản phẩm và dịch vụ có sức hấp dẫn.

Các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đã tích cực triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp văn hoá.

Những thay đổi tích cực về thể chế chính sách, đặc biệt là các chính sách kinh tế trong văn hoá và khuyến khích sự tham gia của các thành phần sở hữu, sự đầu tư nguồn vốn trong và ngoài nước vào các ngành công nghiệp văn hoá đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hoá Việt Nam có những bước tiến mới, mang lại những đóng góp nhất định vào tăng trưởng GDP của cả nước. Theo thống kê, so với mức GDP chiếm 2,68% năm 2015, các ngành công nghiệp văn hoá của Việt Nam ước đạt 3,61% GDP cả nước năm 2018

 “Đề cương về văn hoá Việt Nam” - động lực phát triển văn hoá, xây dựng con người theo hướng bền vững. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không chỉ khẳng định cần phải “đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị con người Việt Nam” mà còn nhấn mạnh khẩn trương “nghiên cứu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới”.

Trước những thời cơ, thách thức và yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc (2021) nhấn mạnh: “Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”.

Trước những vấn đề đặt ra từ thực tế, nhằm hiện thực hoá đường lối của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, và tiếp tục đi sâu tạo đột phá về thể chế, chính sách trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030, việc kế thừa, phát huy các giá trị, nguyên tắc của Đề cương về văn hoá trong phát triển văn hoá, con người Việt Nam theo hướng bền vững là vô cùng quan trọng và thiết thực.

Để vận dụng khách quan, phát huy hiệu quả giá trị và nguyên tắc Đề cương trong bối cảnh mới, cần xác định xây dựng môi trường văn hoá là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi nhằm từng bước hình thành nên hệ sinh thái có khả năng nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo, đồng thời tăng cường năng lực kết nối, lan toả, định hình những giá trị tốt đẹp của văn hoá, con người Việt Nam.

Việc mở cửa hoàn toàn du lịch vào tháng 3.2022, gắn du lịch với văn hoá, với tiến bộ khoa học công nghệ và phát triển vùng, địa phương cũng cho thấy sự bứt phá của Việt Nam với vai trò là một trong những quốc gia tiên phong triển khai các chương trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 vì mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục