Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mỗi quốc gia có một nền văn hoá, một hoàn cảnh, một điều kiện, một trình độ phát triển khác nhau, do vậy, nhân dân Việt Nam không chấp nhận áp đặt và không để những con sóng lạ cuốn theo.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thuý (bìa trái) và Trần Hữu Hậu trò chuyện, lắng nghe nguyện vọng của cử tri thị xã Trảng Bàng ngay sau hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Phương Thuý
Các thế lực ở một số quốc gia tự xây dựng một khuôn mẫu về dân chủ nhất định và toan tính áp đặt cho các quốc gia khác theo kiểu “hoặc theo ta hoặc trở thành kẻ thù của ta”. Từ đó, họ giật dây, tạo dựng những “con rối chính trị” được định danh bằng cái tên mỹ miều: “hiệp sĩ” đấu tranh cho dân chủ. Mỗi quốc gia có một nền văn hoá, một hoàn cảnh, một điều kiện, một trình độ phát triển khác nhau, do vậy, nhân dân Việt Nam không chấp nhận áp đặt và không để những con sóng lạ cuốn theo.
Dân là gốc
Dân chủ luôn là mục tiêu, là động lực của sự nghiệp cách mạng nói chung, sự nghiệp đổi mới nói riêng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, vấn đề dân chủ được xác định là một trong những nội dung trọng tâm, mang tính xuyên suốt.
Ngày nay, vấn đề dân chủ đã trở thành một nội dung nóng bỏng được đưa bàn cãi, tranh luận tại nhiều diễn đàn chính trị, khoa học khắp nơi trên thế giới. Điều này bắt nguồn từ sự trưởng thành về hiểu biết và khát vọng dân chủ của nhiều tầng lớp dân cư khắp thế giới.
Dân chủ đã ngày càng trở thành thước đo trình độ tiến bộ xã hội, một thể chế biết phát huy dân chủ, dựa vào nhân dân sẽ có thể mang lại lợi ích cao nhất cho nhân dân, bao giờ cũng được nhân dân đồng thuận, ủng hộ.
Một sự thật đáng quan ngại nhưng cũng dẫn đến mọi quan tâm đến vấn đề dân chủ, khơi nguồn cho những bất đồng giữa các quốc gia, đó là sự khác biệt giữa các lập trường tư tưởng.
Các thế lực ở các quốc gia khác nhau đã tự xây dựng một khuôn mẫu về dân chủ nhất định và toan tính áp đặt cho các quốc gia khác, thậm chí giật dây, tạo dựng lên những “con rối chính trị”.
Tổng thể những vấn đề đã nêu đã tạo ra bức tranh về dân chủ đầy màu sắc và nhiều chiều kích, thúc đẩy cho mỗi một quốc gia, dân tộc phải định hình ra những giá trị dân chủ vừa phổ biến vừa riêng biệt của mình, tạo động lực cho quá trình phát triển nhưng không tan theo những làn sóng lạ lẫm.
Ở Việt Nam, tư tưởng về trọng dân, thân dân, phát huy sức mạnh của dân là một truyền thống, một triết lý chính trị xuyên suốt chiều dài lịch sử. Các triều đại phong kiến nước ta đều coi “dân là gốc” trong việc ban hành các chủ trương, chính sách, từ kinh tế, xã hội, văn hoá, luật pháp đến an ninh, quốc phòng, ngoại giao.
Theo các nhà nghiên cứu, hơn ngàn năm trước, Khúc Thừa Dụ (830-907) đã thi hành khoan dung, giản dị, chăm lo cho dân an cư, lạc nghiệp. Triều Lý nổi bật với chính sách “ngụ binh ư nông”.
Triều Trần chủ trương “khoan thư sức dân”, tiêu biểu với Hội nghị Diên Hồng- hình ảnh thực hành dân chủ trực tiếp đầy khí phách. Trên thực tế, trong lịch sử cũng có những quan điểm chưa nhận thức đúng đắn vai trò của quần chúng nhân dân, hoặc tin vào đấng sáng tạo thay đổi lịch sử, hoặc tuyệt đối hoá vĩ nhân, lãnh tụ mà hạ thấp vai trò của quần chúng nhân dân.
Những người theo Nho giáo cho rằng “thiên mệnh” là cái quy định tất cả, vua là con Trời, người có học theo đạo thánh nhân được coi là “bậc thượng trí”, còn người dân là loại “hạ ngu”.
Vào thời kỳ nhà Trần có dấu hiệu suy vong, Trần Khánh Dư- một tướng lĩnh của triều đình tuyên bố: “Tướng là chim ưng, quân dân là con vịt, đem vịt mà nuôi chim ưng thì có gì là lạ”. Những quan điểm này đã phần nào làm hạn chế vai trò lịch sử của nhân dân.
Sức mạnh to lớn
Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động đã khẳng định quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo chân chính ra lịch sử. Vai trò của quần chúng nhân dân được thể hiện ở những điểm cơ bản sau: Quần chúng nhân dân là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội; quần chúng nhân dân có vai trò hết sức quan trọng trong các sáng tạo tinh thần; quần chúng nhân dân là động lực và lực lượng cơ bản của mọi cuộc cách mạng và cải cách trong xã hội.
Từ kinh tế, văn hoá - tư tưởng đến chính trị - xã hội, quần chúng nhân dân luôn đóng vai trò quyết định lịch sử. Truyền thống trọng dân, thân dân của dân tộc hoà với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về dân chủ, về vai trò của quần chúng nhân dân đã tạo nên sắc thái mới trong quan điểm dân chủ tại thời đại Hồ Chí Minh.
Người cũng luôn đề cao vai trò của nhân dân, điều mà cả cuộc đời Hồ Chí Minh trăn trở là làm sao để nhân dân “biết dùng quyền dân chủ” và “hưởng quyền dân chủ”. Thực tế chứng minh, việc phát huy dân chủ đã trở thành sức mạnh to lớn đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ thắng lợi.
Chúng ta có thể đánh Pháp, đuổi Mỹ, công cuộc đổi mới đất nước đạt được những thành quả to lớn đều do biết dựa vào sức dân. Vì thế, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định bài học lấy dân làm gốc, phải phát huy vai trò làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Từ Đại hội VI đến Đại hội XIII của Đảng là tròn 35 năm nhưng bài học ấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Dân chủ vẫn tiếp tục được xác định là động lực, mục tiêu của sự nghiệp đổi mới.
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, vấn đề dân chủ là một trong những nội dung hết sức trọng yếu, giữ vai trò cốt lõi và xuyên suốt mọi chủ trương, chính sách lớn. Tài liệu, thông tin được phổ biến rộng rãi cho thấy, sau 35 năm đổi mới, bài học lớn nhất được rút ra là, “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, do đó cần thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XIII vạch ra để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn mới, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, Đại hội XII nêu rõ: “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước… Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ cơ sở. Chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức”.
Những nhận thức mới trong quan điểm của Đại hội XIII về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa thể hiện ở một số điểm như sau. Đề cao vai trò của nhân dân, coi nhân dân là chủ thể, trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước.
Từ đó, mọi đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải là nền tảng chính trị pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Phương châm thực hiện dân chủ được xác lập là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Điều này cho thấy rõ tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội trong việc coi nhân dân là mục tiêu hướng tới của mọi đường lối, chính sách cũng như hoạt động của hệ thống chính trị.
Đề cao và đặt ra yêu cầu nêu gương thực hành dân chủ đối với cấp uỷ, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Xác lập rõ hơn vai trò của từng yếu tố trong thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong đó, dân làm chủ, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt.
Để thực hiện mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh và “phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa”, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật đã đánh giá tình hình thực hiện dân chủ trong thời gian qua về cả thành tựu và những hạn chế.
Trên phương diện chính trị, Đảng và Nhà nước ta đã đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Đảng khẳng định: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của dất nước”.
Trên phương diện kinh tế, các thành phần kinh tế được bảo đảm bình đẳng, tự do kinh doanh. Nhà nước chăm lo cho người dân có công ăn việc làm, quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để nâng cao chất lượng cuộc sống, xoá đói, giảm nghèo.
Tất nhiên, hạn chế, yếu kém chưa phải đã hết. Điều cần khẳng định và đã được chứng minh: phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những bài học, nhiệm vụ, nội dung xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dân chủ cũng là động lực cho sự nghiệp đổi mới, qua đó khơi nguồn sáng tạo cho nhân dân trong lao động, sản xuất, tham gia xây dựng Nhà nước và bảo vệ các quyền lợi của chính mình.
Việt Đông