BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phỏng vấn ĐBQH Đặng Vũ Minh: Về việc thẩm tra kết quả thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng

Cập nhật ngày: 13/11/2009 - 05:45

 

ĐBQH Đặng Vũ Minh.

Mới đây, tại nghị trường kỳ họp 6, Quốc hội (QH) khoá XII, ông Đặng Vũ Minh, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra về các chương trình, dự án công trình trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Đây là dự án mà cử tri Tây Ninh rất quan tâm, vì trong những năm qua dự án này cũng đã được triển khai tại Tây Ninh, nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi, dễ dàng, mãi đến vụ trồng rừng 2009 mới đạt kết quả khả quan đúng theo kế hoạch. Báo Tây Ninh vừa có cuộc phỏng vấn (qua email) ĐBQH Đặng Vũ Minh về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng như sau:

-Thưa ĐBQH Đặng Vũ Minh, thông qua hoạt động của Đoàn ĐBQH và liên hệ mật thiết với cử tri, chắc chắn ông đã biết năm nay, lần đầu tiên Tây Ninh trồng rừng đạt và vượt kế hoạch nhờ giải quyết tốt vấn đề bao chiếm, lấn chiếm, trồng cây sai mục đích trên đất rừng. Với tư cách người có trách nhiệm thẩm tra dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, ông có thể cho bạn đọc Báo Tây Ninh được biết tình hình thực hiện dự án trên phạm vi cả nước hiện nay như thế nào?

-Qua kết quả thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chúng tôi được biết theo báo cáo của Chính phủ, tình hình thực hiện đến hết tháng 8.2009 như sau: Đã khoán bảo vệ 2.823.721 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (đạt 185,3% kế hoạch). Đã khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 656.829 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (đạt 129,8% kế hoạch). Cả nước đã trồng rừng mới được 128.640 ha (đạt 56,6% kế hoạch). Như vậy, về khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2009 đã vượt mức kế hoạch đề ra, nhưng tiến độ trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất còn chậm.

Sở dĩ tiến độ trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng còn chậm là do thiếu vốn, đồng thời  vùng quy hoạch trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng còn lại chủ yếu ở xa, điều kiện đi lại khó khăn, đất xấu... Mặt khác, còn có lý do một số tỉnh không thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao hằng năm mà tự điều chỉnh theo hướng giảm diện tích trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng...

Việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn khá nhiều bức xúc, ở nhiều nơi trong nước nạn phá rừng vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu do người dân tự chặt phá, đốt rừng để trồng bắp, mì, cao su, cà phê và một số cây lương thực khác, chính quyền địa phương chưa kiểm soát tốt. Các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; tình trạng phá rừng trái phép để lấy đất, khai thác gỗ, lâm sản trái pháp luật, tình trạng chống người thi hành công vụ còn diễn ra ở nhiều địa phương. Việc xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp thiếu kiên quyết, chưa nghiêm minh; hiệu quả khoán bảo vệ rừng chưa cao, không quy được trách nhiệm cụ thể. 

Riêng tại Tây Ninh, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quyết tâm khắc phục hạn chế trước đây bằng cách kiên quyết xử lý vấn nạn bao chiếm, lấn chiếm đất rừng, trồng cây sai mục đích để trồng rừng và kết quả đã trồng mới rừng vượt kế hoạch. Đây là một chủ trương rất đúng đắn, kịp thời và tổ chức thực hiện kế hoạch một cách chặt chẽ, chu đáo, không gây xáo trộn, không xảy ra bất ổn trong đời sống kinh tế xã hội địa phương. Đồng thời tỉnh cũng tập trung sức đẩy mạnh việc bảo vệ rừng đạt kết quả khá tốt, ngăn chặn có hiệu quả nạn lâm tặc phá hoại rừng. Là một đại biểu của nhân dân Tây Ninh, tôi hết sức hoan nghênh chủ trương của Tỉnh uỷ và kế hoạch của UBND tỉnh nhà.

-Thế nhưng, thưa ông, vụ trồng rừng năm nay Tây Ninh đã gặp phải khó khăn do thiếu vốn, cũng như việc thực hiện chính sách, chế độ đối với đội ngũ những người làm nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng vẫn còn nhiều bất cập. Ông có thể cho biết, qua hoạt động thẩm tra, giám sát ông có nhận thấy những gì thay đổi trong cơ chế, chính sách thực hiện dự án trồng 5 triệu ha rừng?

-Đúng là trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi nhận thấy tiến độ và mức đầu tư vốn ngân sách chưa đáp ứng yêu cầu kế hoạch hằng năm theo Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Theo Nghị quyết 73/2006/QH11 của Quốc hội thì nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho nhiệm vụ trồng mới rừng năm 2009 là 1.000 tỷ đồng (chưa tính trượt giá và phát sinh). Và nếu tính toán nhu cầu vốn đầu tư trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật và giá cả đầu vào thì cần nguồn vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính mới giao 1.000 tỷ đồng cho thực hiện nhiệm vụ năm (chỉ đạt 50% nhu cầu vốn).

Cho đến nay, qua thẩm tra chúng tôi nhận thấy các cơ chế, chính sách cho việc tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng cơ bản đã hoàn thiện. Cụ thể thay cho việc chỉ được xây dựng dự toán theo suất đầu tư theo quy định của Chính phủ trong “Dự án 5 triệu ha rừng”, các địa phương được tính đúng, tính đủ và thanh quyết toán theo dự toán trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá nhân công được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương ban hành theo thẩm quyền. Bổ sung các chi phí như chi phí quản lý dự án được tính bằng 8% cho các dự án cơ sở, chi phí khuyến lâm 2%, chi phí quản lý bảo vệ rừng 5%, v.v… Ban hành và triển khai thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển rừng sản xuất. Cụ thể như: chính sách hỗ trợ cho trồng rừng sản xuất từ 1,5 đến 5 triệu đồng/ha tuỳ theo từng vùng và từng đối tượng cho trồng rừng sản xuất; hỗ trợ khuyến lâm 100.000 đồng cho 1 ha trồng rừng sản xuất; hỗ trợ cho lập hồ sơ giao đất gắn với giao rừng là 200.000 đồng/ha; hỗ trợ cho làm đường ranh cản lửa, đường ô tô lâm nghiệp; hỗ trợ xây dựng các trung tâm giống, vườn ươm. Đặc biệt là đối với hộ nghèo khi vay vốn để trồng rừng sản xuất, các hộ gia đình, doanh nghiệp, chủ trang trại, hợp tác xã khi đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở chế  biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản... trên địa bàn 62 huyện nghèo được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50%  lãi  suất tiền vay ngân hàng.

-Với kết quả thẩm tra việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, đánh giá về dự án này như thế nào, thưa ông?

Trồng lại rừng.

-Nhìn chung, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng là một dự án đặc biệt với đối tượng hưởng lợi chính là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, với địa bàn trải khắp các địa phương trên phạm vi toàn quốc, việc thực hiện dự án đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Qua việc khoán bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới 3 loại rừng, rừng ở nhiều nơi được cải tạo, nâng cao chất lượng và trữ lượng, có giá trị kinh tế cao. Khả năng cung cấp gỗ, lâm sản cho nhu cầu trong nước tăng khá nhanh góp phần giảm nhập khẩu gỗ, tăng hiệu quả kinh tế của dự án trồng rừng. Đã cơ bản hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho việc tổ chức thực hiện Dự án, góp phần khuyến khích phát triển nghề rừng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là thu nhập của đồng bào các dân tộc tại chỗ.

Đồng thời việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng có ý nghĩa và hiệu quả không thể lượng hoá về môi trường, góp phần phát triển bền vững, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu,… Công tác khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vượt kế hoạch đề ra. Độ che phủ rừng toàn quốc tính đến hết năm 2008 đạt 38,7%. Hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ngày càng được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư, bảo vệ, cơ bản đảm bảo mục tiêu bảo tồn; các hệ sinh thái quan trọng của quốc gia là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ, góp phần bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

-Xin cảm ơn ĐBQH Đặng Vũ Minh đã cung cấp cho bạn đọc Báo Tây Ninh những thông tin rất quý báu. Xin chúc ông mạnh khoẻ để thực hiện tốt nhiệm vụ mà cử tri đã tin cậy, giao phó.

NGUYỄN TẤN HÙNG

(Thực hiện)