BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quốc hội thảo luận Luật Viên chức

Cập nhật ngày: 19/06/2010 - 05:24

Sáng 19.6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Viên chức.

Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với dự thảo Luật Viên chức. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2003 được đảm bảo chế độ làm việc suốt đời như công chức, nhằm tạo sự ổn định, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần làm việc. Trong khi đó, trong Dự thảo luật chưa đề cập đến trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2003 nhưng không đạt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm, bị xử lý kỷ luật một trong các hình thức, nhưng chưa hết thời hạn xoá kỷ luật.

Đại biểu thảo luận tại hội trường

Theo kết quả điều tra của Ban soạn thảo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ viên chức còn thấp. Trong tổng số hơn 1,6 triệu viên chức cả nước hiện nay có đến trên 1 triệu người dưới trình độ đại học, chiếm tỷ lệ 60,8%. Đặc biệt số lượng viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp ở địa phương dưới trình độ đại học 986.782 người, chiếm tỷ lệ 96%.

Theo đại biểu Trần Việt Hưng (đoàn Hoà Bình), để thống nhất trong quản lý, sử dụng đội ngũ viên chức, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng này, đề nghị chuyển bộ phận viên chức thuộc biên chế được tuyển dụng trước ngày 1.7.2003 sang chế độ hợp đồng làm việc, không xác định thời hạn. Đối với số viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2003 chưa đạt yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ hoặc còn trong thời hạn bị xử lý kỷ luật thì có quy định về thời gian để họ phấn đấu nâng cao trình độ.

Về việc kéo dài thời gian làm việc của viên chức đến tuổi nghỉ hưu đối với những người có học vị và trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, thực sự có tài được tổ chức, đơn vị thừa nhận, đặc biệt là đơn vị đó phải thực sự có nhu cầu, viên chức phải có đơn tự nguyện và có đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc thì có thể kéo dài thời gian làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Đại biểu Nguyễn Thị Sáng (đoàn Tiền Giang) đề nghị Luật cũng phải quy định rõ điều kiện nguyên tắc trình tự, thủ tục cũng như chế độ, chính sách của viên chức khi thực hiện kéo dài thời gian làm việc. Ban soạn thảo Luật cần nghiên cứu, bổ sung một khoản quy định về tuổi nghỉ hưu của một số loại viên chức, chẳng hạn như viên chức trong ngành Giáo dục, Y tế hiện còn thiếu rất nhiều ở các cấp.

Thực tế hiện nay, ở một số nước trên thế giới cũng quy định bác sĩ, giáo viên có tuổi nghỉ hưu cao hơn các đối tượng khác, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ nếu muốn quy định tuổi nghỉ hưu cho một số đối tượng sau này cũng không trái với pháp luật hiện hành.

Cần quan tâm hơn tới những viên chức ở vùng, miền khó khăn

Đại biểu Trần Việt Hưng (đoàn Hoà Bình) cho rằng: Luật Viên chức cần nhấn mạnh đến chính sách ưu tiên đối với cán bộ dân tộc miền núi cũng như đối với những cán bộ tình nguyện xung phong lên công tác ở miền núi.

Đại biểu đề nghị trong luật phải quy định rõ việc ưu tiên đối với viên chức thi tuyển là bà con dân tộc miền núi cũng như người tình nguyện xung phong lên công tác ở miền núi.

Đại biểu Nguyễn Thị Sáng (đoàn Tiền Giang) cho rằng: Trong Luật Viên chức cần quy định rõ các chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với lực lượng nữ viên chức, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và y tế. Bởi đây là 2 lĩnh vực có số lượng nữ viên chức chiếm trên 60%.

Đại biểu cũng đề nghị có chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức là người dân tộc thiểu số, viên chức công tác ở miền núi, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để họ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. 

Đại biểu Bùi Thị Lệ Phi (đoàn TP Cần Thơ) nêu ý kiến: Hiện nay, còn khá nhiều công chức Nhà nước gặp khó khăn về nhà ở, phải ở nhà trọ, nhà thuê. Nhất là trong sự chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị, với đồng lương ít ỏi hiện nay, một số viên chức chưa đảm bảo được cuộc sống sinh hoạt hành ngày, lại công thêm tiền thuê nhà càng làm cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn.

Đại biểu đề nghị Chính phủ sau khi luật ban hành, cần quan tâm chính sách ưu đãi về nhà ở cho viên chức như: mở rộng thêm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở, ngân hàng cho vay mua nhà với lãi suất thấp, cấp thêm kinh phí cho các ngành, các địa phương xây dựng thêm nhà công vụ, xây dựng những khu nhà hoặc chung cư cho viên chức thuê giá thấp, hoặc bán giá thấp theo phương thức trả dần, phù hợp với đồng lương của viên chức để họ có thể trả dần hàng tháng.

(Theo VOV)