Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quyền tự do ngôn luận
Thứ bảy: 06:32 ngày 18/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hỏi: Xin hỏi, quyền tự do ngôn luận là gì? Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận khác với việc lạm dụng quyền này để xâm phạm quyền, lợi của cá nhân, tổ chức như thế nào? Khi bị xúc phạm trên mạng xã hội, công dân phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?

Đáp:

Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.

Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR) năm 1948 nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không có giới hạn về biên giới”.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 cũng quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”.

Tại Việt Nam, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 khẳng định, công dân có quyền tự do ngôn luận, đồng thời nhấn mạnh: “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều đó là tương ứng với yêu cầu được đặt ra trong các văn bản quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Như vậy, theo quy định của Hiến pháp “quyền tự do ngôn luận” của mọi công dân là quyền được tự do trong giới hạn mà pháp luật quy định, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hoá, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tự do ngôn luận khác với việc tuỳ tiện vu khống, bôi nhọ, xâm hại đến cá nhân, tổ chức. Mọi người thể hiện quyền tự do ngôn luận nhưng phải tuân thủ giới hạn mà pháp luật quy định, không thể sử dụng quyền này để công kích, xúc phạm đến tổ chức, cá nhân khác.

Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:

“1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”.

Tóm lại, công dân có đầy đủ các quyền tự do được Hiến pháp ghi nhận như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tín ngưỡng. Tuy nhiên, cần phải bảo đảm sử dụng các quyền tự do đó một cách hợp pháp và không gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác.

Khi bị xúc phạm trên mạng xã hội, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trước tiên, người bị xúc phạm phải thu thập toàn bộ chứng cứ liên quan đến việc mình bị xúc phạm trên facebook, zalo...; chụp lại màn hình, xác minh tài khoản (mạng xã hội) của người xúc phạm mình; nhờ thừa phát lại lập vi bằng về hành vi của người đó (để tránh trường hợp họ xoá clip, hay xoá bài đăng).

Sau khi đã thu thập đầy đủ thì công dân nên liên hệ đến các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết theo quy định. Khi đến trực tiếp cơ quan Công an để tố giác, trình báo vụ việc, người bị hại cần mang theo các giấy tờ sau: đơn trình báo vụ việc; chứng minh thư, căn cước công dân của người bị hại; các tài liệu, chứng cứ kèm theo có liên quan đến hành vi của người xúc phạm.

LS. Kim Cẩm Thuý

Tin cùng chuyên mục