BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sẵn sàng triển khai có hiệu quả việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường

Cập nhật ngày: 24/04/2009 - 07:46

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến.

Sáng 24.4, Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐ TƯ) thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm. Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đều đã đảm bảo cho việc bắt đầu thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường từ ngày 25.4.

Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Phó Trưởng BCĐ TƯ nhấn mạnh, thực hiện thí điểm phải hướng đến mục tiêu tuy không tổ chức HĐND nhưng bộ máy chính quyền vẫn đảm bảo thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; khắc phục những tồn tại, đưa ra cơ sở pháp lý, biện pháp tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan công quyền trên địa bàn thí điểm. Vì vậy, cần triển khai thí điểm có kế hoạch, có cơ sở pháp lý và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương.

Các địa phương sẵn sàng triển khai thí điểm

BCĐ TƯ đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương những nội dung và các công việc cần thiết chuẩn bị triển khai thí điểm như: họp tổng kết hoạt động của HĐND huyện, quận, phường nhiệm kỳ 2004-2009; chuẩn bị nhân sự mới của UBND huyện, quận, phường; xây dựng phương án sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người đang giữ chức vụ tại Thường trực HĐND, UBND để ngay sau thời điểm 25.4.2009 khi không tổ chức HĐND thì hoạt động của UBND huyện, quận, phường được thành lập mới vẫn đảm bảo thông suốt, hiệu quả.

Ngày mai 25.4, 67 huyện, 32 quận và 483 phường thuộc 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  (bao gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Kiên Giang, Đà Nẵng, Phú Yên và Bà Rịa-Vũng Tàu) sẽ tiến hành thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết của Quốc hội. Tới thời điểm này, tất cả 10 tỉnh, thành đã xây dựng cụ thể, chi tiết kế hoạch triển khai theo quy định. Trong đó, Đà Nẵng là địa phương làm khẩn trương nhất. Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh cho biết, trong ngày 25.4, Đà Nẵng sẽ công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBND cấp quận, huyện, phường thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND.

Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo nêu quyết tâm, việc thí điểm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ được triển khai tích cực, nghiêm túc, chặt chẽ. Thành phố đã tiến hành thông tin tuyên truyền, tổ chức tổng kết định kỳ, sắp xếp cán bộ, giải quyết chính sách cho gần 70 cán bộ cấp quận, huyện; trên 300 cán bộ cấp phường, chuẩn bị nhân sự để bổ nhiệm các chức danh ở UBND quận, huyện; họp bầu Hội thẩm ND. TP.Hồ Chí Minh, quan tâm đến việc không tổ chức HĐND thì quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo như thế nào.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu Hồ Văn Niên cho rằng để triển khai thí điểm có hiệu quả, cần tuyên truyền sâu rộng hơn ý nghĩa, mục đích, mục tiêu của nhiệm vụ này để nhân dân hiểu và đồng thuận với chủ trương lớn của đất nước.

Tuy nhiên các địa phương cũng đề xuất một số khó khăn, vướng mắc để Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện thí điểm xem xét, giải quyết, chủ yếu liên quan đến việc sắp xếp, thực hiện quy trình bổ nhiệm nhân sự, việc giải quyết chế độ, chính sách cho những người trong diện sắp xếp hoặc lúng túng trong việc xác định căn cứ, định mức lập dự trù kinh phí... triển khai Đề án. 

Thí điểm không tổ chức HĐND: Quan trọng nhất là bộ máy nhân sự và chất lượng cán bộ

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao việc các địa phương đã triển khai quyết liệt, sáng tạo, chủ động công tác chuẩn bị thí điểm, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương và bám sát các cơ sở pháp lý, thực hiện đúng, nghiêm túc các quy trình của Đảng và Nhà nước yêu cầu cũng như tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Thủ tướng cho biết, đến thời điểm này, hệ thống các văn bản của Đảng và Nhà nước về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã được ban hành đầy đủ, đúng tiến độ thời gian, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện thí điểm triển khai các bước tiếp theo. Căn cứ vào yêu cầu thực tế, 7 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo của địa phương gồm thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Kiên Giang. 3 địa phương là Đà Nẵng, Phú Yên và Bà Rịa-Vũng Tàu, việc chỉ đạo thí điểm do Ban Thường vụ Thành uỷ và Tỉnh uỷ trực tiếp thực hiện.

Phó Thủ tướng cho rằng, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, liên quan đến hệ thống tổ chức hành chính, bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, trực tiếp là HĐND, UBND các cấp. Đồng thời, là chủ trương lớn nhằm phục vụ công cuộc cải cách hành chính song song với mục tiêu bảo đảm cho hệ thống Nhà nước được tổ chức thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. “Việc triển khai thí điểm tốt là cơ sở để tổ chức thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Vì vậy, phải triển khai thận trọng, thí điểm có hiệu quả, rút ra được kết luận tốt. Việc tổ chức chỉ đạo phải theo đúng luật pháp. Đội ngũ cán bộ bố trí phải đảm bảo năng lực thực hiện. Đây không đơn thuần là công tác tuyên truyền, mà là thực thi công tác tư tưởng để tiếp tục tạo ra sự đồng thuận, đi đến sự nhất trí cao trong chủ trương thí điểm này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các điểm cầu tham gia giao ban trực tuyến thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường

Về những công việc sắp tới, Phó Thủ tướng yêu cầu,  trong quá trình thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, quan trọng nhất là bộ máy nhân sự và chất lượng cán bộ nên phải căn cứ vào hướng dẫn của TƯ để lựa chọn bộ máy UBND. Cán bộ phải có năng lực, đặc biệt trong điều kiện không tổ chức HĐND thì năng lực cán bộ càng phải cao hơn.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, việc thí điểm chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cũng càng phải đòi hỏi cao hơn. Vì vậy, cần lựa chọn đúng đối tượng, coi trọng tiêu chuẩn. Thí điểm có thành công hay không, vấn đề này là cốt lõi. Việc bổ nhiệm cần phải khẩn trương để bộ máy được kịp thời hoàn thiện và ở đây cấp ủy phải chủ động, sáng tạo. Đi liền với đó, chế độ chính sách cho các đồng chí được điều động, nghỉ hoặc phân công lại phải được thực hiện chu đáo. Những đồng chí không tiếp tục công tác vẫn phải là lực lượng ủng hộ công cuộc thí điểm này.

Trong công tác cán bộ, chú ý và quan tâm hơn đến nhất thể hóa chức danh Bí thư, Chủ tịch. Sớm kiện toàn tập thể lãnh đạo UBND và phải quán triệt đầy đủ luật pháp để thực thi nhiệm vụ. Đây là một yếu tố quyết định điều hành thành công hay không thành công.

Phó Thủ tướng yêu cầu sớm ban hành chính sách cán bộ và quy chế hoạt động mẫu đối với chức danh Bí thư, Chủ tịch, UBND và Văn phòng UBND. Có chế độ báo cáo, giao ban định kỳ và phản ánh kịp thời công tác triển khai thí điểm, có tổng kết và đánh giá cụ thể.

(Theo chinhphu.vn)