BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sắp xếp lại các cơ sở giết mổ động vật: “Lấy đà” tạo thị trường thịt “sạch”

Cập nhật ngày: 25/12/2010 - 11:31

Đã giảm đáng kể tình trạng nhếch nhác

Ông Nguyễn Văn Mấy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Tây Ninh cho biết, ngày 9.3.2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 381/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch sắp xếp các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trong tỉnh theo hướng tập trung, giai đoạn 2009- 2010. Mới đây, Chi cục Thú y đã tổng kết quá trình hơn một năm thực hiện quyết định trên.

Ngành Thú y kiểm tra vệ sinh phòng dịch tại một lò mổ ở Trảng Bàng

Theo Chi cục Thú y, đầu năm 2009, toàn tỉnh có 96 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (68 cơ sở giết mổ heo, 14 cơ sở giết mổ trâu bò, 9 cơ sở giết mổ gia cầm và 5 cơ sở giết mổ cả trâu, bò, heo). Đa số các cơ sở này đều được ngành thú y quản lý, tuy nhiên chỉ có 93 cơ sở có giấy phép kinh doanh. Hầu hết đây là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, hình thức giết mổ chủ yếu là thủ công, nằm trong khu đông dân cư, nội thị, gần trường học và có quy cách xây dựng sơ sài, kém vệ sinh, có diện tích chật hẹp, không đạt điều kiện vệ sinh thú y theo quy định. Đáng chú ý là có xã có đến… 9 điểm giết mổ nhỏ lẻ (xã Tân Đông, huyện Tân Châu), gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát giết mổ trong điều kiện lực lượng cán bộ thú y “mỏng”.

Trong quá trình nuôi nhốt gia súc trước khi giết mổ và xử lý chất thải sau giết mổ, hầu hết các cơ sở đều không thực hiện đúng quy định về vệ sinh thú y. Một phần chất thải sau giết mổ được vận chuyển đi nơi khác nhưng không qua khâu tiêu độc, khử trùng. Phần còn lại tồn tại ở khu vực giết mổ cũng không được xử lý theo tiêu chuẩn vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, nhất là trong mùa mưa. Cụ thể như có trường hợp gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư do một cơ sở giết mổ heo ở Thị xã gây ra, khiến nhân dân bất bình, khiếu nại trong nhiều năm liền… Do đó, việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 381 là rất cần thiết, đồng thời phù hợp với Chỉ thị số 30/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sau khi có Quyết định số 381, Chi cục Thú y đã chủ trì phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Phòng TN&MT các huyện, Thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành thẩm định lại 96 cơ sở giết mổ để làm cơ sở cho việc di dời, nâng cấp và xây dựng mới các điểm giết mổ tập trung, an toàn. Đồng thời, UBND các huyện, Thị xã cũng tổ chức quy hoạch khu vực để thực hiện kế hoạch sắp xếp các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; chuẩn bị thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, môi trường vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ. Đến năm 2010, các huyện, Thị xã đã quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở các xã, phường, thị trấn. Diện tích mỗi cơ sở tối thiểu từ 1.000m2 trở lên, nằm cách xa khu dân cư từ 500 đến 1.000m, có nguồn nước sạch, có điều kiện xử lý chất thải, không gây ô nhiễm môi trường… Trước đó, cuối năm 2009, UBND các huyện, Thị xã tổ chức gặp mặt các chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn và thông báo chủ trương về việc quy hoạch, sắp xếp, chấn chỉnh hoạt động giết mổ, đồng thời vận động các cơ sở này di dời vào khu giết mổ tập trung.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trong tỉnh theo hướng tập trung, giai đoạn 2009- 2010, đến nay, cơ bản các địa phương đã hoàn thành được một số công việc quan trọng: di dời được 21 cơ sở giết mổ ở 5 huyện, Thị xã (7 cơ sở ở Thị xã, 3 cơ sở ở Trảng Bàng, 2 ở huyện Dương Minh Châu, 2 ở Châu Thành và 7 ở Tân Châu); nâng cấp được 16 cơ sở giết mổ ở 8 huyện, Thị xã (2 ở Trảng Bàng, 1 ở Thị xã, 1 ở Hoà Thành, 3 ở huyện Dương Minh Châu, 3 ở Tân Biên, 1 ở Châu Thành, 1 ở Bến Cầu và 4 ở Gò Dầu); xây mới 6 cơ sở (1 ở Trảng Bàng, 2 ở Tân Biên, 2 ở Thị xã và 1 ở Tân Châu).

Sau khi di dời, nâng cấp, xây mới hàng chục cơ sở giết mổ, nhiều địa phương trong tỉnh đã “thoát khỏi” cảnh nhếch nhác, mất vệ sinh do các cơ sở giết mổ gây nên. Trong đó, có các địa phương như phường 1, xã Thạnh Tân, xã Ninh Sơn (Thị xã); xã Lộc Hưng, xã Gia Lộc, xã Đôn Thuận (Trảng Bàng); thị trấn Gò Dầu, xã Phước Đông, xã Bàu Đồn, xã Cẩm Giang (Gò Dầu); xã Bàu Năng, xã Suối Đá (huyện DMC)… Huyện Tân Châu có nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nhất trong tỉnh với 43 cơ sở, chủ yếu nằm trong khu dân cư, không có hệ thống xử lý nước thải, điều kiện vệ sinh thú y kém. Do đó, huyện Tân Châu đã quy hoạch xây mới một cơ sở giết mổ gia súc tập trung có quy mô lớn tại cụm xã Tân Hoà- Suối Ngô.

Cần xử lý kiên quyết hơn

Chi cục Thú y nhận định: Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh còn 75 cơ sở giết mổ gia súc. Đa phần trong số này được nâng cấp, đầu tư khá “bài bản” từ hệ thống chuồng nhốt gia súc, nơi giết mổ đến bể xử lý chất thải với công suất từ 30 đến 100 con/ngày. Từ việc chấn chỉnh hoạt động giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP có nguồn gốc động vật và việc hình thành các cơ sở giết mổ “an toàn”, nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không đạt yêu cầu đã “tự giải tán” bởi không thể cạnh tranh với các lò mổ lớn, có chất lượng và “sạch sẽ” hơn.

Một cơ sở giết mổ động vật

Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát vệ sinh ATTP có nguồn gốc động vật vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong thực tế, để đảm bảo phát hiện và loại trừ gia súc, gia cầm bệnh trên thị trường, ngành chức năng cần kiểm tra, kiểm soát ngay từ khi đưa vào giết mổ. Thế nhưng, mỗi trạm thú y ở các huyện, Thị xã hiện chỉ có từ 2 đến 4 người làm nhiệm vụ kiểm soát  các lò mổ trên địa bàn “nên dù có cố gắng làm việc đến 5 giờ sáng, cán bộ thú y cũng chỉ đến kiểm tra được 6 đến 7 lò trước và trong khi giết mổ”.

Bên cạnh đó, việc vận động các chủ cơ sở giết mổ di dời vào khu giết mổ tập trung rất khó khăn. Còn nhiều hộ chưa chịu dời lò mổ vào điểm tập trung (trong đó có nhiều cơ sở nằm trong khu dân cư) do ngại tốn kém hoặc không có khả năng di dời hoặc sợ “khó làm ăn” do… xa khu dân cư. Trước tình hình này, ngành thú y đã yêu cầu các địa phương phải kiên quyết trong việc xử lý, không cho mua bán thịt gia súc, gia cầm chưa có dấu kiểm tra của cơ quan thú y (đóng tại lò mổ tập trung), đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm địa điểm hợp lý để xây dựng cơ sở giết mổ tập trung.

Ngành thú y cũng băn khoăn về việc cho phép kinh doanh giết mổ ở một số nơi thuộc vùng sâu, vùng xa chưa đúng quy định. Kinh doanh giết mổ là loại hình kinh doanh có điều kiện nhưng thực tế có một số trường hợp chưa đủ điều kiện vẫn được chính quyền địa phương cho phép kinh doanh. Ngành thú y cũng cho rằng cần có “một chế tài đủ mạnh để buộc các hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ, phân tán, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y vào các khu giết mổ động vật tập trung”.

BẢO TÂM