Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vụ cây gỗ quý “biến mất” trong rừng phòng hộ Dầu Tiếng:
Sự thật đang dần hé lộ
Thứ tư: 06:05 ngày 19/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Dư luận đang hướng sự nghi ngờ về người đàn ông mặc đồ đồng phục bảo vệ rừng vòng tay ôm cây giáng hương để được chụp ảnh, tức là tôi. Tuy nhiên, đằng sau tấm hình này là một sự thật cần được đánh giá khách quan. Tôi có gan bằng trời cũng không dám đứng ra bán cây gỗ quý trong phạm vi bảo vệ rừng của mình. Tôi chỉ làm theo sự chỉ đạo của cấp trên”- đó là trần tình của bảo vệ rừng Trần Hoàng Nam.

Bảo vệ rừng Trần Hoàng Nam cho biết chỉ làm theo “lệnh” của cấp trên.

Câu chuyện sau tấm ảnh

Ngày 14.9, Báo Tây Ninh đăng bài “Tiểu khu 59, rừng phòng hộ Dầu Tiếng: Cây gỗ quý “biến mất” một cách lạ lùng”. Theo đó, từ hình ảnh và video clip do người dân cung cấp cho thấy có nhiều người đào đất để bứng luôn cả thân, gốc và bộ rễ của cây giáng hương, đường kính gốc khoảng hai người ôm.

Ðiều đáng nói, trong lúc mọi người cùng xúm nhau đào đất bứng cây, có một người đàn ông mặc đồng phục bảo vệ rừng vòng tay ôm thân cây để được chụp hình. Ngoài ra, còn có một người đàn ông khác trong nhóm đào gốc cây đang nghe điện thoại, miệng nói to… “anh nói chuyện với mấy em kiểm lâm nè”!

Qua sự việc nêu trên, nhiều nghi vấn cần được làm rõ. Cụ thể, vì sao lại có hình ảnh một người mặc đồ bảo vệ ôm cây rừng để được chụp ảnh, kể cả câu nói “anh nói chuyện với mấy em kiểm lâm nè” trong đoạn video. Trong khi, việc này chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Mặt khác, để chuyển một cây giáng hương to cao như vậy, phải dùng đến phương tiện cơ giới có lực nâng lớn như xe cẩu, xe múc, xe tải nặng. Hơn nữa, từ vị trí của cây giáng hương, muốn chở ra khỏi khu rừng phải qua một chốt bảo vệ tại tiểu khu 58 nhưng cây gỗ quý vẫn biến mất mà không để lại dấu vết. Có hay không việc “tiếp tay” từ một số cán bộ chức năng?

Ngày 15.9, theo thông tin người dân, chúng tôi tìm đến tận nhà của người mặc đồ đồng phục bảo vệ rừng tại tổ 7, ấp Con Trăn, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. Tại đây, ông Trần Hoàng Nam thừa nhận mình chính là người ôm cây giáng hương để được chụp ảnh. Ông Nam còn cho biết, ông đang là nhân viên bảo vệ rừng (gọi theo trong ngành là nhóm hộ viên bảo vệ rừng) tại tiểu khu 59, rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

“Dư luận đang chĩa hướng nghi ngờ về người đàn ông mặc đồ đồng phục bảo vệ rừng vòng tay ôm cây giáng hương để được chụp ảnh, tức là tôi. Tuy nhiên, đằng sau tấm hình này là một sự thật cần được đánh giá khách quan. Tôi có gan bằng trời cũng không dám đứng ra bán cây gỗ quý trong phạm vi bảo vệ rừng của mình. Tôi chỉ làm theo sự chỉ đạo của cấp trên”- ông Nam trần tình.

Ông Nam kể, vào ngày 10.8.2018, ông phát hiện có một nhóm người lạ đang đào gốc cây giáng hương. Theo nguyên tắc làm việc, ông Nam phải báo ngay cho nhóm hộ trưởng là ông Nguyễn Hoàng Ân mà không được báo vượt cấp lên lãnh đạo Ban quản lý rừng.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông Ân không có mặt tại chốt bảo vệ nên ông Nam liền chạy xe về chốt thông báo tình hình cho nhóm hộ phó tên Nguyễn Văn Thảnh biết. Ngay sau đó, ông Thảnh và ông Nam đã có mặt tại hiện trường. Ðồng thời, yêu cầu nhóm người lạ phải ngưng ngay việc đào gốc cây rừng, giữ nguyên hiện trạng chờ xử lý.

Ông Nam kể tiếp, trong lúc ông Thảnh và ông Nam đang đứng tại gốc cây giáng hương, ông Ân gọi điện thoại lại cho ông Nam và nói: “Cho người ta đào đi ông Nam ơi, cây đó có giấy rồi”. Ông Nam trả lời: “Giấy đâu tôi không thấy, nếu có thì cho người mang giấy đến đây, bằng không tôi buộc vẫn phải đề nghị họ ngưng đào bới và mời về chốt làm việc”.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Quang- Phó Giám đốc Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng vào ngày 18.9, ông Quang cho biết: “Ðúng là tôi và Hạt phó Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng có ký và thông qua các loại giấy tờ nêu trên.

Tuy nhiên, vụ việc đang trong giai đoạn hoàn chỉnh các bước thủ tục để trình lên cấp có thẩm quyền xin ý kiến. Tôi không quen người mua cây, cũng như không nắm được vì sao người mua cây lại có những văn bản này”. 

Vài phút sau, một nhân viên bảo vệ thuộc Tiểu khu 58 dùng máy điện thoại của người mua cây gọi cho người đào thuê gốc cây và nhờ chuyển máy để nói chuyện với ông Nam. Ðại ý nội dung cuộc gọi: “Cho người ta đào đi anh Nam ơi, do người mua cây không biết đường vào chốt của anh nên trình giấy ngoài em nè”.

Ông Nam quả quyết: “Em buồn thì anh chịu, chứ cây bị đào nằm tại tiểu khu 59, thuộc khu vực bảo vệ và trách nhiệm của anh. Em bảo người mua cây đem giấy đến đây. Nếu không thấy giấy, anh vẫn ngăn cản không cho đào lấy cây”.

Không lâu sau, người mua cây mang hồ sơ đến gặp ông Nam tại gốc cây giáng hương. Qua xem xét giấy tờ, ông Nam thấy rõ trong bảng kê lâm sản khai thác có đóng dấu mộc và chữ ký của Phó Giám đốc Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Ngoài ra, còn có các loại giấy tờ khác như đơn xin tận thu cây giáng hương đề tên Nguyễn Văn Năm, sơ đồ đo vẽ khu vực đất xin tận thu cây giáng hương, biên bản kiểm tra cây giáng hương trên đất rừng trồng. Tất cả những loại giấy tờ này đều có chữ ký hợp lệ. Từ cơ sở đó, ông Nam và ông Thảnh đành phải để cho nhóm người lạ tận thu cây giáng hương theo… “lệnh của cấp trên”. Ông Nam đã cẩn thận chụp ảnh lưu lại các chứng từ.

Sự thật dần hé lộ

Xem qua nội dung các giấy tờ vừa nêu, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều điểm bất thường, nếu như không muốn nói là “dễ dãi” trong việc xử lý một cây gỗ quý. Cụ thể, trong đơn xin tận thu cây giáng hương đề ngày 6.8 của ông Nguyễn Văn Năm (sinh năm 1965, ngụ khu tái định cư, ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà) thể hiện: “Cây này có nguồn gốc là do gia đình tôi tự trồng, cây nằm trên diện tích rừng trồng do tôi nhận khoán, chăm sóc, bảo vệ, chống cháy. Cây giáng hương tại vị trí lô h, khoảnh 20, Tiểu khu 59, thuộc khu vực đất vào hợp đồng trồng rừng năm 2015 theo mô hình DCs3, diện tích 1 ha (lưu ý, đây là đất lâm nghiệp bị bao chiếm trước đó - NV). Vì vậy, tôi viết đơn này kính mong Ban quản lý và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ cho tôi chặt hạ cây giáng hương, nhằm tận dụng gỗ làm nhà cửa, vật dụng trong gia đình”.

Lá đơn trên chỉ nêu đúng về vị trí của cây gỗ quý theo “sơ đồ khu vực đất xin tận thu cây giáng hương”. Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề khác cần phải được xem xét kỹ trước khi cho tận thu. Cụ thể, tính theo năm sinh, năm nay ông Năm 53 tuổi, còn cây giáng hương to cao như vậy có thể hàng trăm năm tuổi, vậy ông Năm trồng bằng cách nào?

Chưa kể, được biết, cây rừng chỉ được xem xét cho tận thu khi bị chết hoặc gãy đổ. Ðối với cây thuộc nhóm gỗ quý cần phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Sở NN&PTNT. Vậy mà, trong khi cây giáng hương còn đang sinh trưởng xanh tốt lại được xem xét đến giai đoạn phải ra các loại giấy tờ trên.

Chưa kể, căn cứ theo quy định nào mà cây rừng còn đang sinh trưởng lại cho người dân tận thu với lý do lấy gỗ làm nhà cửa, vật dụng trong gia đình? Trong khi thực tế, cây giáng hương đã bị người mua đào gốc và đem “mất” chứ không hề chở về nhà ông Năm như đơn xin.

Sự bất thường và “đơn giản hoá” còn thể hiện ở chỗ, trong bảng kê lâm sản khai thác do Phó Giám đốc Ban quản lý và Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng ký (đóng rõ dấu mộc cơ quan) nhưng không ghi ngày tháng, kể cả thời gian để thực hiện cho tận thu cây mà chỉ ghi vị trí cây giáng hương tại lô h, khoảnh 20, tiểu khu 59, cây có đường kính 113,1cm, khối lượng gỗ 3,615m3.

Trong khi đó, tại biên bản kiểm tra cây giáng hương này vào ngày 7.8 lại thể hiện đường kính của cây giáng hương là 115cm, chiều cao 8m. Ông Nam nghi ngờ cây giáng hương bị đào gốc khoảng hơn 5m3 gỗ. Giá bán cây giáng hương bao nhiêu, ông Nam chưa kiểm chứng, chỉ nghe một số người có liên quan kể lại là khoảng 37 triệu đồng.

Ông Nam cho biết thêm: “Cây được chở ra khỏi khu rừng bằng xe cẩu vào ngày 11.8, chở ngang chốt bảo vệ rừng thuộc tiểu khu 58. Một số người dân kể với tôi rằng, xe chở cây chạy về hướng núi Bà Ðen, người mua cây tên K (số điện thoại 0913961…).

Nếu trích xuất camera an ninh trên các tuyến đường từ huyện Tân Châu về hướng núi Bà Ðen trong khoảng thời gian này, có khả năng sẽ xác định được xe chở cây”. Chúng tôi hỏi ông Nam: “Các loại giấy giờ nêu trên bộc lộ khá nhiều sự bất thường, tại sao ông không trình báo lên cấp trên?”.

Ông Nam trả lời: “Tôi chưa có  chuyên môn, nghiệp vụ ngày nào, làm sao tôi biết được các chứng từ có vấn đề? Hơn nữa, tôi đã được nhóm hộ trưởng trực tiếp chỉ đạo để cho người ta đào gốc cây. Nhóm hộ viên như tôi không được báo cáo vượt cấp lên lãnh đạo Ban quản lý.

Mặt khác, sự việc diễn ra quá nhanh, ngày 10.8 tôi phát hiện cây giáng hương bị đào gốc, ngày 11.8 cây không còn tại hiện trường. Tôi chỉ có thể căn cứ theo dấu mộc của cơ quan, chữ ký của lãnh đạo mà thực thi nhiệm vụ. Ðó cũng là lý do vì sao tôi từ chối nhận bản photocopy, chủ động chụp hình bản chính các chứng từ”.

Nếu tính luôn ngày ông Năm gửi đơn xin tận thu cây giáng hương đến ngày cây bị “biến mất” vỏn vẹn chỉ có 5 ngày. Vì sao lại có sự “thần tốc” trong việc xử lý một cây gỗ quý nhiều năm tuổi đến vậy? Vì sao các loại giấy tờ nêu trên lại “lọt” được vào tay của người mua cây? Trong khi, ngày 12.9 vừa qua, Giám đốc Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, sự việc đang trong giai đoạn chờ trình lên cấp thẩm quyền để xin ý kiến, thậm chí là chưa trình thì đã xảy ra vụ “mất cây”.

Hiện dư luận đang đặt ra rất nhiều câu hỏi, nhưng câu hỏi lớn nhất: Có hay không việc tiếp tay của cán bộ để “hô biến” cây giáng hương?

MINH QUỐC

Gỗ giáng hương là loại gỗ quý, được xếp vào nhóm 1. Thân gỗ màu đỏ tươi, cứng, có mùi thơm nhẹ, vân hoa đẹp, ít nứt nẻ, không bị mối mọt. Gỗ giáng hương thường được dùng để làm đồ gỗ cao cấp, nhạc cụ, đồ thủ công mỹ nghệ, cabinetwork, lót sàn...

Theo một bảo vệ rừng và một thợ gỗ có kinh nghiệm ở thành phố Tây Ninh, cây giáng hương mới bị mất ở rừng phòng hộ Dầu Tiếng có tuổi đời khoảng hơn trăm năm và có giá trị kinh tế cao. 
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục