BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: Toạ đàm về xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 27/02/2011 - 11:30

Lãnh đạo tỉnh tham dự buổi toạ đàm

Ngày 27.2, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) và các cơ quan quản lý tiếp thụ thêm những kiến thức mới về xây dựng chiến lược kinh doanh của DN trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá, UBND tỉnh phối hợp cùng Công ty CP quốc tế Năm Châu Lục tổ chức buổi toạ đàm “Xây dựng chiến lược kinh doanh của DN trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá”. Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Nguyễn Văn Nên cùng khoảng 200 DN tham dự buổi toạ đàm này.

Phát biểu khai mạc buổi toạ đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Hùng Việt nói: Hội nhập sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển DN nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn nếu chúng ta chưa có nội lực đủ mạnh. Do đó, chúng ta cần xây dựng chiến lược phát triển DN đúng đắn. Buổi toạ đàm sẽ giúp cho chủ toạ, các chuyên gia, các nhà quản lý và DN tìm hiểu, thảo luận, phân tích, trao đổi một số nội dung quan trọng như: Các yếu tố tác động đến sự phát triển của quốc gia, của địa phương và mỗi DN (trong đó có các yếu tố toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế); những xu hướng mới, những thay đổi về chiến lược kinh doanh và chiến lược cạnh tranh trong giai đoạn hậu khủng hoảng; cơ hội và thách thức đối với các DN Việt Nam nói chung và các DN Tây Ninh nói riêng; phân tích thói quen và hành vi DN (sức ì và những hành vi chưa chuyên nghiệp); bản chất chiến lược kinh doanh của DN; lợi thế cạnh tranh của DN và phương pháp cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh toàn cầu hoá và địa phương hoá; các vấn đề cần chú ý khi xây dựng chiến lược kinh doanh của DN; giá trị cốt lõi và năng lực cốt lõi; nâng cao năng lực lãnh đạo để gia tăng nội lực DN. Nhấn mạnh lại vai trò của lãnh đạo trong việc xây dựng quy trình hoạch định chiến lược trong tổ chức…

Tại buổi toạ đàm, ông Trương Đình Tuyển (nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại) trình bày nội dung “Xây dựng chiến lược phát triển DN trong bối cảnh toàn cầu hoá”, trong đó có một số nội dung chính như: Trong thời đại hiện nay, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh, tuổi đời của sản phẩm được rút ngắn. Toàn cầu hoá và liên kết kinh tế ngày càng sâu rộng, quá trình quốc tế hoá sản xuất ngày càng sâu sắc, hình thành cái gọi là “Mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”. Hệ quả là thị trường được mở rộng nhưng cạnh tranh quyết liệt. Dù vậy, DN có thể lựa chọn một công đoạn nào đó mà DN có lợi thế, có khả năng cạnh tranh để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Điểm mạnh và lợi thế của DN Việt Nam: lực lượng lao động dồi dào, trẻ, cần cù, giá lao động thấp; có thị trường nội địa và quốc tế rộng lớn; thuận lợi về vị trí địa lý, được sự quan tâm của Chính phủ, chính quyền; là nước đi sau nên có điều kiện tiếp nhận công nghệ mới… Tuy nhiên, hạn chế của DN Việt Nam cũng không ít: quy mô nhỏ, năng lực tài chính, năng lực công nghệ và năng lực tổ chức thị trường yếu; chất lượng nguồn nhân lực thấp; kỹ năng quản lý DN hạn chế; thiếu tính sáng tạo đổi mới, tư duy không theo kịp sự chuyển biến của thị trường và đối thủ cạnh tranh; chưa đặt khách hàng vào vị trí trung tâm mà thường áp đặt suy nghĩ của mình cho khách hàng, thiếu sự cam kết lâu dài; thiếu sự tập trung xây dựng chiến lược kinh doanh; tư tưởng tiểu nông, dễ hài lòng với thực tại và thiếu tính hợp tác…

Doanh nghiệp dự toạ đàm

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, bản chất của việc xây dựng chiến lược phát triển của DN là chiến lược nâng cao sức cạnh tranh trên cơ sở ứng dụng những tiến bộ về khoa học công nghệ (công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý) để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới phát triển xanh. Ông cũng nhấn mạnh vào sự quan trọng của việc định vị lợi thế cạnh tranh (lợi thế cạnh tranh vĩ mô, chính sách kinh tế vĩ mô, năng lực cạnh tranh vi mô); những phương pháp, giải pháp nâng cao sức cạnh tranh; sự chuyển dịch của lợi thế cạnh tranh, trong đó có những điểm đáng chú ý là lợi thế dựa vào lao động giá rẻ đang mất dần, phải chuyển sang cạnh tranh trên cơ sở tăng năng suất dựa vào chất lượng nguồn nhân lực và áp dụng các thành tựu về tiến bộ công nghệ cũng như kỹ năng quản lý hiện đại…

Ông Trần Tô Tử, chuyên gia về kinh tế học, nguyên là thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng trình bày Giải pháp nâng cao năng lực nội tại DN. Ông Tô Tử đi sâu vào việc phân tích những cơ hội và thách thức trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế. Ông nhấn mạnh: Cơ hội và thách thức “không chia đều cho mọi quốc gia, mọi DN”. Mức độ thách thức và cơ hội đối với từng quốc gia, từng DN còn tuỳ thuộc vào mức độ phát triển, năng lực cạnh tranh của quốc gia, DN đó. Vì vậy, DN vừa và nhỏ, có sức cạnh tranh kém sẽ đối đầu với nhiều thách thức hơn…

BẢO TÂM

 

 

 


 
Liên kết hữu ích