Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hội làng! Nên vẫn giữ được vẻ hoang sơ của thời mở đất xa xưa, khi vùng đất này còn đầy những hùm, beo, sấu dữ.
Cúng đình Trường Đông (Hoà Thành). Ảnh: Lê Văn Hải
Giữa tháng Giêng, tôi lặp lại lộ trình cuối tháng 11 năm ngoái. Để đi xem lũ qua một vệt thềm sông Vàm Cỏ Đông. Bắt đầu từ thành phố Tây Ninh, theo đường 786 xuyên qua Thanh Điền đến cầu Gò Chai, rồi sang vùng đất “ngũ long” hay “tứ Long nhất Tiên” mà Báo Tây Ninh xuân Đinh Dậu vừa rồi mới kể. Qua thị trấn Bến Cầu, lại nhằm đường về cầu Bến Đình để sang với Cẩm Giang tiếp nối đến Trường Đông, Trường Tây, Long Thành Nam của huyện Hoà Thành. Thì đây, sức sống mới của mùa xuân mới đã bừng lên. Mà thú vị nhất chính là cái màu xanh- biểu tượng của mùa xuân hiển hiện, đâu đâu cũng thấy, ngay trên những cung đường mà ba, bốn tháng trước kia nước lũ trắng bốn bề, chẳng biết rõ nơi nào sông, nơi nào đồng lúa, rẫy mì, ruộng mía.
Xuyên qua những Long Vĩnh, Long Chữ, Long Khánh, Long Giang- những xã trải bên đường, thấy tất cả đã tràn xanh. Ruộng lúa Đông Xuân mới sắp vào thì con gái cứ mênh mông rì rào dợn sóng. Nhưng cây lúa đã không còn “độc chiếm” đất Bến Cầu. Tháng Giêng nay còn có những cánh đồng thuốc lá vàng. Cây mới cao ngang bắp chân người, sum suê như những vồng rau cải bẹ hay là cải bắp. Còn kia lại là ruộng ớt, lá nhỏ lăn tăn xanh đậm nhưng đã thấy thập thò những trái non nhòn nhọn chỉ lên trời.
Ở nhiều nơi lại là những giàn leo của vài loại rau màu nở tràn lá xanh lẫn với bông vàng hay trái đỏ. Ruộng bắp thì đã cao lên tới đầu người, lá của chúng cọ vào nhau xạc xào trong gió. Cả mía nữa! Đẹp thì rất đẹp nhưng có vẻ còn manh mún và “hồ nghi” quá. Kiểu như thôi thì chẳng biết trời đất ra sao, cứ trồng mỗi loại cây một ít; mất cái này còn lại cái kia. Bài học kiểu này thì nông dân năm nào chẳng gặp!
Nhưng trước hết, cái màu xanh lúa non vẫn chinh phục ta hơn hết thảy các màu xanh khác. Nhất là khi trên cánh đồng xanh lại điểm trang vô số những cánh cò. Lúc thì bay lả bay la, lúc thì sà xuống, xong lại vụt bay lên trên nhiều khoảnh ruộng. Ấy là khi tôi đã băng đồng Long Chữ để về với hội dinh Vàm Bảo- nơi thờ đức ông Huỳnh Công Nghệ- một trong hai (hoặc ba) vị được dân Tây Ninh tôn thờ là Quan Lớn Trà Vong.
Cũng xin thưa thực rằng, còn chưa có đường sá đàng hoàng đến dinh Vàm Bảo đâu. Từ lộ 786 rẽ xuống đồng, còn phải đi khoảng hơn 2 cây số, lúc là đường mòn đất đỏ quanh co, khi là bờ ruộng. Mà bờ ruộng lại cặp kênh vào lúc nước cường nên nhiều chỗ nước tràn bờ. Ai đi xe máy qua phải hết sức cẩn thận. Vậy mà những ngày rằm và 16 tháng Giêng, luôn có từng nhóm người lặn lội đến đây để tự tay nhang khói, khấn thờ ông. Ai không đủ tự tin “tay lái lụa” thì để lại xe bên những đoạn bờ ruộng, đi bộ vào. Vậy mà đến dinh cũng đã thấy xe máy vài ba chục chiếc. Mà dinh Quan Lớn nơi đây nào có phải toà ngang dãy dọc. Chỉ là một miếng đất gò hơi cao lên khỏi mặt ruộng, lắp xắp nước bên bờ rạch Bảo, con rạch đưa nước Vàm Cỏ Đông qua chợ Cầu lên tận xã biên giới Long Phước. Gọi là Vàm Bảo nhưng từ đây ra tới vàm thật (cửa rạch) vẫn còn tới nửa cây số. Và để tới chợ Cầu- Long Thuận cũng còn tới 3 cây số. Một trong hai đền thờ Huỳnh Công Nghệ bên bờ sông nước là đây.
Hội làng! Nên vẫn giữ được vẻ hoang sơ của thời mở đất xa xưa, khi vùng đất này còn đầy những hùm, beo, sấu dữ. Người ta lại kể cho lớp trẻ nghe chuyện ngày xửa ngày xưa, khi có một khúc rễ cây nổi trôi cứ lẩn quẩn xuống lên theo con nước, thường khi tấp lại bến này. Rồi có chuyện báo mộng cho biết khúc rễ cây ấy mang hồn thiêng Huỳnh Công Nghệ. Ông là em trai Huỳnh Công Giản. Hai anh em từng chiêu mộ dân binh mở đất lập làng, rồi đánh dẹp giặc cướp bảo vệ cho dân yên ổn làm ăn khắp một dãy đất dọc triền sông Vàm Cỏ, từ vùng đất nay là Bến Cầu lên tới Tân Biên. Các ông- người tử tiết, người hy sinh nhưng hồn thiêng không mất. Và cứ dịp rằm tháng Giêng là nhiều người Tây Ninh vẫn đến các miếu thờ ông để kính viếng và tưởng nhớ các linh thần cùng các “binh gia chiến sĩ”.
Cúng đình Trường Đông.
Thế mà trên khoảnh gò nho nhỏ ấy, với một ngôi đền thờ đơn sơ tường cột, mái tôn nép dưới bóng keo, tràm vẫn bừng lên không khí hội hè. Các chị, các bà xúm xít trên mảnh sân bếp lo cuộn bánh tráng với nem bì, râm ran trò chuyện. Dưới mái võ ca, dăm chiếc bàn tròn được bày ra, để ban quý tế tiếp các cụ lão làng và các ban hội đình miếu từ nơi khác đến. Cũng áo thụng xanh các vị chủ trì. Lại thêm hai anh học trò lễ cùng dàn cổ nhạc đến làm lễ dâng rượu trà, nhang khói.
Trên các ban thờ phẩm vật cúng đã bày ra. Ngoài bánh trái hương hoa, còn có thêm xôi, bún, thịt quay, bánh tráng cuộn bì, tô canh cùng các chén cơm lưng, đũa gác ngang chu tất. Điều mới nhất của lễ cúng dinh Vàm Bảo năm nay là nơi thờ “ông Gốc”- chính là đoạn gốc rễ cây cứ thường khi trở lại bến này. Được sự tài trợ của một bác sĩ ở thành phố Tây Ninh mà bệ đặt “ông” đã được xây lại cao ráo hơn, có cả cột xây mái tôn và hộp kính trùm lên chỗ “ông” nằm để “ông” khỏi dãi dầu sương gió. Ban thờ “ông” bày biện thịnh soạn nhất, vì ngoài các món đã kể còn nguyên một chú vịt luộc vàng ươm. Những lá cờ hội ngũ sắc vẫn bay phần phật bên bờ rạch, như vẫy chào những chiếc xuồng đang ghé bến.
Lại vượt cầu Gò Chai qua Cẩm Giang để đến huyện Hoà Thành. Qua cầu, lại thêm ngỡ ngàng trước mênh mông cánh đồng mơn mởn mạ xanh non. Xanh nõn xanh nà miên man tới tận dải nước bạc luênh loang Vàm Cỏ. Bên kia đã lúa, bên này mới mạ. Mà cách nhau chỉ một dòng sông. Con đường từ cầu vào quốc lộ 22, đoạn đến cầu kênh mới tháng 11 năm trước còn chìm trong gần mét nước, nay đã đầy lên cả phún đỏ lẫn đá dăm mịn màng dưới vệt bánh xe lu. Xe máy thi công rầm rập gần chục chiếc. Gặp lại một người quen từng dùng xe máy cày chở xe máy vượt qua mùa lũ lớn. Anh bảo: đường nâng cao thế này là ổn rồi. Có lũ lớn như năm qua cũng không thể ngập. Có vui không?
Chưa tới đình Trường Đông, mà đã nghe tiếng trống hội thì thùng làm xôn xao những lá cờ hội 5 màu rực rỡ. Đình Trường Đông ở sát bờ sông lồng lộng gió. Đúng lúc sân đình đang xúm đông xúm đỏ chật người. Là bởi đoàn múa lân, sư, rồng đang diễn trò lân múa leo cây. Trò này năm nào cũng có mà sao lần nào cũng người lớn, trẻ em thảy đều háo hức. Lạ quá Trường Đông! Đình có vẻ mới hơn đình Trường Tây nhưng lại hết sức bảo tồn phong tục. Ít có nơi nào phần hội phong phú, đẹp đẽ và thu hút con người như ở nơi đây. Múa lân sư rồng có rất nhiều trò, có cả màn diễn lân đạp chòi tìm ông Địa chưa thấy nơi nào có. Thả thuyền tống tiễn quan ôn thì có một vài nơi nhưng chẳng có nơi đâu thú vị như ở đây, bởi sông Vàm nước mênh mông trước mặt. Rồng và lân cùng nhún nhảy xuống chiếc ghe chở thuyền tống ôn ra tới giữa dòng. Năm nay thuyền tống ôn được làm cầu kỳ, đẹp đẽ hơn với dáng hình rồng, kết từ giấy màu, nan tre và thân cây chuối. Thuyền mang số liệu 70.TN- 015.16 theo đúng… Luật Giao thông. Giữa trưa nắng chang chang mà bến đình Trường Đông vẫn ừng rực sắc đỏ vàng ấm nóng một vùng sông.
Điểm cuối của lộ trình lần này là Gò Duối- Long Thành Nam, nơi có dinh thứ hai thờ đức ông Huỳnh Công Nghệ. Vẫn là một gò nổi ven kênh mà dân địa phương gọi là kênh Tắt. Mênh mang cánh đồng, luênh loang mặt nước mé sau gò. Bên kia lô nhô những ống khói, nhà cao, cần cẩu nổi bật trên màu xanh lúa. Tương truyền có lần Huỳnh Công Nghệ chống giặc kéo quân về đây cầm cự. Có một “ông voi” từng chết tại đây, được chôn cất trên gò. Vì thế bàn thờ binh gia chiến sĩ còn có cả ban thờ voi và ngựa. Trước dinh có cả tượng một đôi voi trắng đứng chầu. Lại được nghe thêm một sự tích về dinh. Chuyện cũng liên quan đến ngôi dinh bên vàm Rạch Bảo. Đấy là đoạn gốc cây cứ cập vào bến ấy thì cũng thường nổi trôi tấp lại bến bên này. Người dân tín ngưỡng bảo như thế nghĩa là ông quyến luyến cả hai nơi. Và đấy là lý do có hai ngôi thờ tự ông cả hai bên tả, hữu sông Vàm Cỏ.
Miếu thờ binh gia chiến sĩ tại dinh thờ Gò Duối.
Gò Duối cũng đang đổi mới, nhờ công cuộc xây dựng nông thôn mới. Con đường từ cầu kênh vào gò đang được trải đá thi công. Đường không chỉ qua dinh mà còn chạy dài ra tận bến sông. Cảnh quan lạ mắt nhất chuyến đi này là ruộng lúa trước dinh của anh Đoàn đang chín rộ vàng ươm. Màu no ấm đang dâng đầy trước ngôi dinh ngạt ngào nhang khói. Anh Đoàn cũng có chân trong ban quản lý ngôi dinh. Anh bảo, năm ngoái lũ lên ngập gò. Nhờ thế mà năm nay giống lúa cho gạo dẻo thơm anh trồng tốt ngợp. Cũng là bù cho năm ngoái thất mùa mì. Bên chén rượu cà kê, câu chuyện chủ yếu vẫn cứ là mùa vụ. Mà thần thánh ở đâu chẳng phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà? Và như thế, bên thềm sông Vàm Cỏ Đông mỗi năm đến hẹn lại lên, cứ nao nức hội làng.
N.Q.V