BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tháng Tám năm 1945 - Mùa thu cách mạng

Cập nhật ngày: 17/08/2010 - 10:41

Mùa thu đến. Âm vang mùa thu, như gợi nhớ trong lòng mỗi người dân Việt niềm tự hào về quê hương đất nước. Bởi từ một mùa thu đã diễn ra một cuộc cách mạng làm thay đổi số phận của cả một dân tộc, từ vị trí của một người nô lệ đứng lên làm chủ đất nước. Đó là Mùa thu -Tháng Tám năm 1945.

Trong khí thế cách mạng ngút trời của 65 năm về trước, người dân Tây Ninh đã góp một phần công sức của mình vào phong trào chung của cả dân tộc. Trân trọng quá khứ, nhắc lại một thời hào hùng của thế hệ cha ông đi trước, thế hệ hôm nay càng thêm tự hào và quyết tâm giữ lửa truyền thống, tiếp tục đóng công góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.

Qua những trang sử truyền thống của quân và dân Tây Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và được tiếp xúc với các nhân chứng lịch sử, những người trực tiếp tham gia giành chính quyền ở Tây Ninh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, được nghe các “bậc tiền bối” kể lại không khí sục sôi tinh thần cách mạng của những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa, mới cảm nhận được lòng yêu nước của nhân dân Tây Ninh.

Cầu Quan và chợ cá Tây Ninh ngày xưa- đối diện với dinh Tỉnh trưởng cũ- nơi nhân dân Tây Ninh khởi nghĩa giành chính quyền

Cách mạng Tháng Tám là kết quả của 15 năm bền bỉ đấu tranh của những đồng chí đảng viên cộng sản đầu tiên trên đất Tây Ninh. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ánh sáng cách mạng của Đảng đã nhanh chóng lan rộng đến Tây Ninh. Có thể nói bắt đầu từ năm 1929, người thanh niên yêu nước Võ Văn Lợi ở Hóc Môn- Bà Điểm, lên vùng Giồng Nần (thuộc xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành ngày nay) làm ăn sinh sống và vận động nhân dân chống Pháp. Một năm sau, anh trở về quê và được kết nạp vào Đảng rồi tổ chức cử trở lại vùng này hoạt động tuyên truyền giác ngộ quần chúng, xây dựng phong trào. Tiếp theo là một số đồng chí đảng viên từ Đức Hoà (Long An) lên Rạch Tràm- Phước Chỉ tuyên truyền cách mạng. Một nhóm khác từ Thủ Dầu Một qua vùng Phước Minh, Truông Mít (huyện Dương Minh Châu) lên vùng Quán Cơm (thuộc phường I, thị xã Tây Ninh ngày nay) vận động quần chúng xây dựng phong trào cách mạng. Từ những hạt giống đỏ đầu tiên của Đảng được gieo trồng xuống đất Tây Ninh và được quần chúng nhân dân chăm sóc, bảo vệ đã phát triển thành phong trào cách mạng rộng khắp tỉnh.

Sau khởi nghĩa Nam kỳ, thực dân Pháp ra sức đàn áp, bắt bớ những người yêu nước, phong trào tạm lắng để bảo toàn lực lượng, một số đồng chí đảng viên từ nơi khác tạm lánh về Tây Ninh ẩn náu chờ thời cơ, trong đó có đồng chí Huỳnh Văn Thanh (là quản lý Báo Dân Tiến ở Sài Gòn) và vợ là đồng chí Mỹ Lan. Tháng 9.1944, đồng chí Huỳnh Văn Thanh bắt liên lạc với Xứ uỷ và được phân công trở về Tây Ninh vận động phong trào. Trở lại Tây Ninh, đồng chí liên lạc với các nhóm đảng viên và các đồng chí đảng viên hoạt động lẻ, tổ chức cuộc họp thông báo tình hình thời sự quốc tế và trong nước, phổ biến chỉ thị của Xứ uỷ, phân công trách nhiệm và phân vùng hoạt động cho các đồng chí đảng viên. Từ đó, các nhóm Đảng hoạt động với chương trình, kế hoạch thống nhất và đồng chí Thanh được xem như là Trưởng Ban cán sự Đảng của tỉnh. Từ khi có sự thống nhất hành động, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ và đã chuyển thành cao trào. Ngày 15.8.1945, Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, tin vui đó truyền về địa phương như làn gió mới tăng thêm khí thế cách mạng cho quần chúng, tác động đến tinh thần của số binh lính và công chức trong hàng ngũ địch bắt đầu hoang mang dao động, các phần tử trung gian ngả hẳn về phía cách mạng

Trước tình hình đó, đồng chí Huỳnh Văn Thanh triệu tập hội nghị thống nhất đánh giá thời cơ cách mạng đã chín muồi và đi đến quyết định thành lập Ban vận động giành chính quyền và phân công đảng viên thực hiện một số việc quan trọng như: liên lạc với Xứ uỷ để xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên; nắm lực lượng trí thức, các chức sắc tiến bộ có uy tín trong giáo phái; vận động lôi kéo cảnh sát trưởng và lực lượng cảnh sát bảo vệ dinh tỉnh trưởng; tiếp xúc tác động tư tưởng gây hoang mang nhằm lôi kéo hoặc trung lập số sĩ quan và binh lính Nhật; tổ chức lực lượng vũ trang; tập hợp lực lượng công nhân hãng đường và các sở cao su; bố trí lực lượng quần chúng sẵn sàng chờ lệnh khởi nghĩa.

Thanh niên trong các hội cứu quốc, công nhân cao su hãng đường rầm rập ngày đêm luyện tập võ nghệ. Ngày 23.8.1945, nhận được chỉ thị hành động của Xứ uỷ, đồng chí Huỳnh Văn Thanh nhanh chóng triệu tập hội nghị với thành phần là những đảng viên và cán bộ nòng cốt của phong trào bàn việc tổ chức một cuộc mít tinh lớn có đông đảo quần chúng tham gia để ra mắt Mặt trận Việt Minh tỉnh, đồng thời kêu gọi quần chúng ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Hội nghị thống nhất cử ra Ban lãnh đạo hành động gồm 7 đồng chí đảng viên (Thanh, Mạnh, Tung, Mỹ Lan, Đẩu, Chấn, Tấn). Ngay trong đêm, Ban lãnh đạo hành động đã cử người đi các nơi huy động lực lượng về dự mít tinh.

Bến tắm ngựa rạch Tây Ninh- nơi những tên thực dân Pháp đầu tiên đền tội tại Tây Ninh

Giờ hành động đã đến. Mờ sáng ngày 25.8.1945, đoàn quần chúng vũ trang súng, gươm, tầm vông vạt nhọn, đi đầu là những đồng chí đảng viên vươn cao cờ đỏ sao vàng tiến vào sân vận động Thị xã. Lực lượng Thanh niên Tiền phong, đông đảo quần chúng tín đồ Cao Đài cũng tiến vào sân lễ. Thế là cuộc mít tinh lớn chưa từng có đã diễn ra. Đồng chí Thanh thay mặt Ban lãnh đạo hành động đọc diễn văn khai mạc nêu rõ Nhật đã đầu hàng đồng minh, ở Hà Nội, Huế và nhiều địa phương khác chính quyền đã về tay nhân dân, kêu gọi đồng bào Tây Ninh đứng lên ủng hộ Việt Minh, chuẩn bị sẵn sàng để giành chính quyền khi có lệnh của trên. Quần chúng phấn khởi hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh.

Buổi lễ kết thúc, quần chúng dự mít tinh chuyển thành đoàn biểu tình kéo qua dinh tỉnh trưởng, vòng quanh chợ và các đường phố chính trong Thị xã. Trước khí thế cách mạng ngút trời của quần chúng, bọn nguỵ quyền nằm im không dám phản ứng.

Đến 2 giờ chiều 25.8.1945, đoàn cán bộ từ Sài Gòn mang chỉ thị giành chính quyền của Xứ uỷ lên Tây Ninh. Ban lãnh đạo lập tức triển khai ngay kế hoạch thực hiện. Xuất phát từ tinh hình thực tế lúc bấy giờ: chính quyền bù nhìn đã rệu rã, bọn Nhật đã bị cô lập, chỉ huy trung đội cảnh sát bảo vệ dinh tỉnh trưởng đã ngả theo cách mạng, Ban lãnh đạo quyết định huy động lực lượng khoảng 500 người tiến chiếm tỉnh đường và các công sở của địch. Đoàn cán bộ Việt Minh đi ô tô cắm cờ đỏ sao vàng có lực lượng vũ trang hỗ trợ tiến vào dinh tỉnh trưởng. Trong tiếng hoan hô của quần chúng. Viên Tỉnh trưởng bàn giao chính quyền và chỉ trong đêm 25.8, lực lượng cách mạng đã làm chủ tình hình ở tỉnh và các huyện, 3 ngày sau chính quyền ở cấp xã đã thuộc về tay nhân dân.

Cùng với cả nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám đã thành công, kết thúc gần 80 năm thống trị của thực dân Pháp trên đất Tây Ninh, bắt đầu từ đây, nhân dân Tây Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vươn lên làm chủ quê hương đất nước mình.

QUANG DỮNG