BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thành lập Hội đồng Khoa học Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Cập nhật ngày: 03/01/2012 - 11:02

Chiều 3.1, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội diễn ra lễ công bố Nghị quyết thành lập Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng là xây dựng luận cứ khoa học góp phần sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Hội đồng Khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016 gồm 19 thành viên do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng Khoa học có nhiệm vụ giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chúc mừng những kết quả đạt được của Hội đồng khoa học nhiệm kì trước, đồng thời khẳng định những kết quả nghiên cứu của Hội đồng đã phục vụ trực tiếp, có hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Với đội ngũ hơn 500 đại biểu nhiệm kì Quốc hội khoá XIII, đây chính là lực lượng hùng hậu cần được huy động, tập hợp góp phần làm cho công tác nghiên cứu khoa học của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ phát triển tốt hơn, xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho các quyết định về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: “Hoạt động của Hội đồng phải đảm bảo đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học. Hội đồng phải trở thành cơ quan thu hút được công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác Quốc hội. Những sản phẩm của Quốc hội sẽ có giá trị cao hơn nếu có sự đóng góp tích cực của các tác phẩm nghiên cứu khoa học của Hội đồng”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, nhiệm kì 2011-2016, hoạt động của Hội đồng Khoa học cần bám sát tình hình thực tiễn trong nước và thế giới, chủ động dự báo những vấn đề mới nảy sinh để xây dựng các đề tài khoa học, luận cứ khoa học, trọng tâm trước hết là sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng như góp phần giải quyết các vấn đề trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Theo VOV