BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thời trang “đu càng”

Cập nhật ngày: 28/04/2023 - 04:06

BTN - Ê Tư Cà, thứ bảy tuần rồi ghé qua nhà ông, định rủ cà phê, nghe bà xã ông nói ông đi dự hội thảo ngoài Quảng Trị. Ông có ghé thắp hương ở di tích Thành Cổ, sông Thạch Hãn và Nghĩa trang Trường Sơn không?

- Có chứ sao không! Ðến Quảng Trị mà không ghé thắp hương tưởng niệm các anh hùng - liệt sĩ ở những nơi đó, xem như chưa đến, nhất là những ngày tháng Tư lịch sử này. 20 năm trước, tôi đến di tích Thành Cổ, nghe kể chuyện 81 ngày đêm, nước mắt cứ trào ra.

20 năm sau, cảm giác ấy vẫn vẹn nguyên. Ông nghĩ xem, cái thị xã và Thành Cổ nhỏ xíu, chưa đầy 3 cây số vuông, mà trong 81 ngày đêm, từ 28.6 đến 16.9.1972, trung bình mỗi ngày địch huy động 150-170 lần máy bay phản lực, 70-90 lần chiếc B52 để ném bom huỷ diệt. 81 ngày đêm, thị xã và Thành Cổ phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo.

Báo chí phương Tây thời đó bình luận tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945. Có ngày số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong các năm 1968-1969.

Dữ dội nhất là ngày 25.7, thị xã phải chịu 35.000 quả đạn pháo của Mỹ, chưa kể bom từ máy bay. Báo Quân Ðội Nhân Dân ra ngày 9.8.1972 đã viết: “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”.

Trong 81 ngày đêm ấy, hàng ngàn chiến sĩ hy sinh tại đây chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hoà quyện vào gạch đá đổ nát. Hàng vạn chiến sĩ bất chấp hiểm nguy, vượt con sông Thạch Hãn, vượt qua mưa bom bão đạn, chỉ một mục tiêu tiến đến giữ được Thành cổ Quảng Trị để rồi hết lớp người này đến lớp người khác ngã xuống, thân thể hoà vào lòng sông Thạch Hãn, mãi mãi hy sinh ở tuổi đôi mươi.

- Hy sinh như thế! Anh hùng như thế! Thế giới còn phải thán phục trước tinh thần chiến đấu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Bộ đội Việt Nam. Nói chuyện đời thường thôi, Tây nó sang Việt Nam du lịch, thể nào cũng lùng cho được nón cối bộ đội mang về làm kỷ niệm.

- Vậy mà chẳng hiểu vì cớ gì, ở ngay tại Việt Nam mình lại có một nhóm người thích mặc quần áo rằn ri của các sắc lính thuộc chế độ Việt Nam cộng hoà và lính Mỹ trước năm 1975, đi nghinh ngang ngoài đường, mặt hất lên trời, ra vẻ “đẳng cấp”. Thậm chí có nhóm còn dắt nhau vào rừng, thuê đạo diễn phục dựng bối cảnh để tạo dáng chụp ảnh, quay video clip, lồng ghép các bài hát ca ngợi lực lượng “đu càng”, đăng từa lưa trên mạng xã hội.

- Ðành rằng là sở thích cá nhân, nhưng nghĩ làm sao mà lại khoác lên người bộ trang phục nhuốm máu biết bao đồng bào mình? Một điều chắc chắn rằng, các tổ chức phản động sẽ lợi dụng, khai thác triệt để hình ảnh của nhóm người này để kích động hận thù, chống phá Ðảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Năm tui nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, kịp thời ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc từ sớm, từ xa, không làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Ð.H.T