BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp còn hạn chế

Cập nhật ngày: 27/11/2013 - 04:37

Nhà máy chế biến tinh bột mì ở CCN Thanh Xuân (xã Mỏ Công, Tân Biên)

(BTN) - Vừa qua, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức khảo sát kết quả triển khai và thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh. Sau đợt khảo sát, Ban đã có một số ý kiến đánh giá cụ thể trong lĩnh vực này.

Theo quy hoạch đến năm 2020, Tây Ninh có đến 20 CCN với tổng diện tích đất 902,48 ha. Hiện có 6 cụm đi vào hoạt động (Thanh Xuân 1, Tân Hội 1, Hoà Hội, Thành Long, Ninh Điền, Bến Kéo) với tổng diện tích đất quy hoạch 251 ha. Trong đó: diện tích đất đã đăng ký, cho thuê 64,35 ha (tỷ lệ lấp đầy bình quân 25,59%/cụm); có 7 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đầu tư 259,5 tỷ đồng và 13 triệu USD, tổng số lao động 2.656 người, tổng diện tích đất thuê 49,25 ha; có 1 dự án đang xây dựng, diện tích 1 ha, 2 dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư với diện tích 14,1 ha.

Nhìn chung, kết quả thu hút đầu tư vào các CCN trong thời gian qua còn hạn chế; tỷ lệ diện tích đất được lấp đầy còn thấp; số doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào CCN khá ít. Mặc dù các ngành và địa phương có nhiều nỗ lực, đã triển khai nhiều hình thức kêu gọi, thu hút và tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng trong và ngoài các CCN nhưng kết quả đạt được chưa cao.

Qua khảo sát, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh xác định nổi lên một số vấn đề sau: Hầu hết các CCN chưa được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh theo yêu cầu phát triển hoặc quy hoạch được phê duyệt; việc triển khai các dự án về giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng (hệ thống giao thông, tường rào, điện) chủ yếu do các doanh nghiệp thuê đất tự thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Bên cạnh đó, nhiều CCN tuy đã có nhà đầu tư hạ tầng đến tìm hiểu, khảo sát để xin chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chậm hoặc không triển khai thực hiện (do phải tiến hành điều chỉnh dự án quy hoạch, điều chỉnh dự án giải phóng mặt bằng...).

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư hạ tầng xã hội liên quan (nhà ở cho công nhân, các công trình phục vụ công cộng...) chưa được quan tâm trong các quy hoạch, kế hoạch tổ chức thực hiện các dự án CCN; các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng... còn bất cập (theo địa bàn, chưa đồng bộ với các khu công nghiệp) nên chưa thật sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.

Ngoài những yếu tố khách quan về điều kiện phát triển như vị trí địa lý, hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, thiếu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, thì còn có những nguyên nhân khác. Đó là thực trạng chưa xác định rõ đầu mối quản lý, vai trò, vị trí của chính quyền địa phương trong quản lý đầu tư vào CCN. Do đó, các nhà đầu tư vào CCN chủ yếu quan hệ với các cơ quan cấp tỉnh. Mặt khác, do ngân sách địa phương hạn chế, không đủ điều kiện giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng CCN nên một số dự án được chấp thuận chủ trương và giới thiệu địa điểm đầu tư nhưng phải tạm ngưng triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân năng lực của nhiều nhà đầu tư hạ tầng còn hạn chế. Một số CCN có vị trí được quy hoạch chưa thuận lợi (hạ tầng kỹ thuật yếu kém, xa vùng nguyên liệu và đường giao thông chính). Một số CCN được quy hoạch chưa phù hợp với lợi thế của địa phương, chi phí đền bù cao (CCN Thanh Xuân 2, 3 được quy hoạch vướng vào đất đang trồng cao su nên giá đền bù sẽ khá cao), ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút đầu tư, đến đời sống người dân nơi quy hoạch.

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, qua khảo sát, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh nêu một số kiến nghị đến UBND tỉnh: Cần thực hiện nghiêm chủ trương “hạn chế chấp thuận cho đầu tư dự án ngoài khu, CCN” để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công nghiệp, sử dụng đất và bảo vệ môi trường (phải tuân thủ theo quy hoạch), tạo điều kiện cho các chủ đầu tư hạ tầng kinh doanh có hiệu quả; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư vào những lĩnh vực đầu tư thuộc tiềm năng thế mạnh (đầu tư sản xuất các sản phẩm sau cao su, tinh bột mì, mía đường...); sớm có cơ chế và kế hoạch hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (điện, xử lý chất thải, cấp nước...) cho một số CCN đã có dự án sản xuất nhưng chưa có nhà đầu tư hạ tầng, nhất là đối với địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (cụ thể là xem xét, hỗ trợ đầu tư hạ tầng 2 CCN Hoà Hội, Ninh Điền); xem xét hỗ trợ kinh phí (từ chương trình khuyến công) để tổ chức lập quy hoạch chi tiết và cắm mốc các khu vực quy hoạch CCN; kịp thời hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch và đầu tư hệ thống giao thông để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trong thu hút đầu tư (cải tiến thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định)…

ĐÌNH CHUNG