Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 15.8, TAND tỉnh mở phiên toà xét xử sơ thẩm lần hai đối với các bị cáo Nguyễn Công Thanh (sinh năm 1976, ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) - nguyên thủ quỹ Phòng giao dịch Long Hoa (GDLH) Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)- Chi nhánh Tây Ninh; Võ Sỹ Lân (sinh năm 1968, ngụ phường 1, TP. Tây Ninh)- nguyên Giám đốc Phòng GDLH và Trần Kim Thành (sinh năm 1972, ngụ phường 2, TP. Tây Ninh)- nguyên Trưởng bộ phận ngân quỹ, kiểm soát viên giao dịch Phòng GDLH.
Ba bị cáo trước vành móng ngựa.
Trước đây, ngày 14.8.2015, vụ án này đã được TAND tỉnh đưa ra xét xử, tuyên phạt Nguyễn Công Thanh mức án chung thân về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, Trần Kim Thành 9 năm tù và Võ Sỹ Lân 12 năm tù về hai tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “che giấu tội phạm”.
Sau phiên toà sơ thẩm, các bị cáo kháng cáo. Ngày 8.8.2016, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xử phúc thẩm và quyết định huỷ án sơ thẩm, yêu cầu điều tra xét xử lại. Trong đó, yêu cầu làm rõ những tình tiết xét xử bị cáo Lân và Thành về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, Thanh là thủ quỹ, Lân là Giám đốc và Thành là Trưởng bộ phận giao dịch ngân quỹ, kiểm soát viên giao dịch của Phòng GDLH.
Theo quy chế quản lý kho quỹ của Ngân hàng ACB, khi kết thúc ngày giao dịch, Lân, Thành và Thanh phải kiểm quỹ lượng tiền, vàng tồn thực tế tại kho quỹ xem có khớp, đúng với lượng tiền, vàng tồn trên phần mềm hệ thống quản lý qua mạng máy tính của Hội sở Ngân hàng ACB tại TP. Hồ Chí Minh, để xử lý đúng quy định trong trường hợp thiếu hụt quỹ và cùng ký biên bản kiểm quỹ được lập hằng ngày.
Khoảng tháng 3.2012, lợi dụng việc Lân và Thành kiểm quỹ không chặt chẽ, Thanh nhiều lần lấy tiền của Phòng GDLH bằng thủ đoạn tự sửa chữa các chữ số trên bảng kê tồn quỹ cuối ngày.
Ngoài ra, Thanh lấy một phần trong các túi đựng vàng (mỗi túi có 100 lượng vàng SJC) vì Lân và Thành chỉ kiểm túi, không kiểm tra số lượng bên trong nên không phát hiện. Do vậy, hằng ngày kiểm quỹ và ký biên bản, cả 3 cùng xác nhận quỹ đủ.
Sự việc kéo dài cho đến chiều 31.12.2012, khi Thanh đi dự công tác, Lân và Thành trực tiếp kiểm quỹ để báo cáo theo yêu cầu cho Ngân hàng Nhà nước thì phát hiện số tiền, vàng tồn tại quỹ ít hơn so với tiền, vàng trên phần mềm quản lý máy tính tại Phòng giao dịch Long Hoa 1,6 tỷ đồng và 270 lượng vàng SJC. Tuy nhiên, Lân và Thành vẫn lập biên bản kiểm quỹ đủ.
Ngày 1.1.2013, Lân, Thành và Thanh hẹn gặp nhau tại quán cà phê ở thành phố Tây Ninh. Thanh thừa nhận việc đã lấy số tiền, vàng nói trên để mua vàng ký sổ (một loại hình mua bán vàng qua mạng Nhà nước không cho phép) với Ngô Thị Hoà (chủ tiệm vàng Kim Thành tại thị trấn Hoà Thành) và bị thua lỗ.
Lân và Thành thống nhất để Thanh tự khắc phục, không trình báo, không báo cáo ngân hàng cấp trên, bỏ qua các thủ tục kiểm soát theo quy định. Hằng ngày, Lân và Thành vẫn ký biên bản kiểm đủ để tạo điều kiện cho Thanh huy động, vay vốn bên ngoài bù vào số tiền quỹ đã thiếu hụt, việc cân đối quỹ tại Phòng GDLH cho Thanh tự xử lý.
Đến ngày 3.7.2013, Ngân hàng ACB ban hành quy định yêu cầu chấm dứt việc giữ vàng hộ nên Phòng GDLH bắt đầu nhận vàng từ ACB Tây Ninh đem về kho quỹ tất toán cho khách hàng.
Lúc này, lợi dụng việc Lân, Thành cho phép tự cân đối quỹ tại Phòng giao dịch và bỏ lỏng việc quản lý kho quỹ, Thanh tiếp tục chiếm đoạt tiền, vàng của Phòng GDLH mua vàng ký sổ với Ngô Thị Hoà bằng các hình thức như lấy vàng trực tiếp tại quầy giao dịch, nơi làm việc của thủ quỹ rồi mang về khi hết giờ hoặc trực tiếp lấy vàng, tiền rồi giao cho Nguyễn Thị Thu An - người giúp việc cho bà Hoà tại quầy giao dịch; hoặc dùng lệnh mua bán vàng trên hệ thống rồi kêu giao dịch viên thực hiện giao dịch bán hoặc mua một lượng vàng nhất định.
Sau đó, giao dịch viên sẽ báo cáo cho Thành để Thành gọi điện thoại cho Hội sở ACB tại TP. Hồ Chí Minh chốt giá. Sau khi Hội sở đồng ý, giao dịch viên in chứng từ, thực hiện giao dịch nhưng thực tế không có khách hàng đến mua, bán vàng mà Thanh là người thu số tiền, vàng trên. Các giao dịch đều có sự kiểm soát và thông qua Trần Kim Thành.
Ngoài ra, Thanh còn kêu giao dịch viên chuyển tiền vào tài khoản bà Hoà thông qua sự đồng ý của Thành, nhưng thực tế không có người đến nộp, chuyển tiền hoặc có trường hợp người trong gia đình bà Hoà đến nộp nhưng không đủ thì Thanh lấy tiền của Phòng GDLH đắp vào...
Thông thường, Thanh đưa cho giao dịch viên tờ giấy mẫu của ngân hàng chưa ghi nội dung nhưng có sẵn chữ ký của 1 trong 5 người là Ngô Thị Hoà, Nguyễn Thị Thu An, Lý Hồng Trang, Tống Địch Thanh, Phạm Thị Tuyết Hằng để làm thủ tục hạch toán.
Đầu tháng 9.2013, ACB Tây Ninh yêu cầu Phòng GDLH cuối tuần phải chuyển vàng tồn tại kho quỹ về chi nhánh quản lý. Để che giấu, Thanh hạ lượng vàng tồn trên hệ thống máy sao cho bằng với lượng vàng thực tế tồn tại kho quỹ. Thông qua Lân và Thành, Thanh thực hiện lệnh bán vàng rồi đem số vàng còn lại sau khi cân đối về nộp cho ACB Tây Ninh.
Riêng phần tiền tồn tại quỹ tăng lên (tăng trên số liệu), Phòng GDLH giữ lại không nộp. Đầu tuần, để giảm lượng tiền mặt tồn tại Phòng GDLH, Thanh thông qua Lân và Thành dùng lệnh mua vàng, các giao dịch này đều là giao dịch khống.
Khi nhận thông tin việc ACB Tây Ninh kiểm quỹ tại đơn vị mình, để giảm lượng tiền hụt quỹ, từ ngày 13 - 17.9.2013, Thanh lập 11 hợp đồng cầm cố vàng của 11 khách hàng (mỗi hợp đồng vay 500 triệu đồng, cầm cố 15 lượng vàng) và giảm được 5,5 tỷ đồng.
Riêng số vàng để trong các túi, cả 3 lấy một vòng vàng (khoảng 14 lượng) tạo thành vòng tròng phía ngoài túi vàng còn bên trong để đồng xu nhằm tránh bị phát hiện (vì việc kiểm quỹ chỉ kiểm túi).
Sau khi cân đối quỹ tại Phòng GDLH bằng các thủ đoạn trên, nhưng vẫn còn thiếu quỹ tiền mặt 3,7 tỷ đồng, nên Lân, Thành dùng số tiền tiết kiệm của vợ Lân, thủ trưởng cũ của Lân - Thành và chị vợ Lân lập 3 hợp đồng vay 2,2 tỷ đồng có thế chấp 3 sổ tiết kiệm làm tài sản bảo đảm để tiếp tục kéo hạ số tiền mặt tại kho quỹ nhằm tránh việc phát hiện hụt quỹ. Còn Thanh đi vay, mượn bên ngoài được 1,5 tỷ đồng nhập quỹ tiền mặt.
Đến ngày 27.9.2013, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - kiểm toán nội bộ ACB Tây Ninh kiểm quỹ, nhưng vẫn không phát hiện việc hụt quỹ, xác định tồn quỹ đủ. Ngày 28.9.2013, Lân và Thành làm thủ tục thanh lý 3 hợp đồng vay trên nhằm tất toán số tiền vay 2,2 tỷ đồng.
Biết không thể kéo dài được tình trạng trên nên ngày 15.10.2013, Thanh ra đầu thú. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh phối hợp cùng đoàn kiểm toán của Hội sở ACB tại TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm quỹ.
Kết quả xác định đến ngày 15.10.2013, Thanh đã chiếm đoạt 8,16 tỷ đồng và 298 lượng vàng SJC tại kho quỹ của Phòng GDLH. Trong số 298 lượng vàng, Thanh đã chiếm đoạt 133 lượng (165 lượng còn lại thực tế Thanh lập 11 hợp đồng vay khống để hạ tiền hụt quỹ).
Như vậy, Thanh đã chiếm đoạt của Phòng GDLH tổng tộng 13,66 tỷ đồng và 133 lượng vàng SJC (khoảng 4,9 tỷ đồng), tổng giá trị 18,6 tỷ đồng. Riêng đối với hành vi mua bán vàng ký sổ của Ngô Thị Hoà, Cơ quan CSĐT Công an Tây Ninh tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý sau.
Tại phiên toà ngày 15.8.2017, chủ toạ, thẩm phán Phạm Thị Thanh Giang tập trung thẩm vấn các bị cáo Nguyễn Công Thanh, Võ Sỹ Lân, Trần Kim Thành và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan để làm rõ các sai phạm trên.
Báo Tây Ninh sẽ có bài tường thuật buổi xét xử vụ án trên đến bạn đọc trong số báo tới.
ĐỨC TIẾN - THIÊN TÂM