Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Một trong số đó là việc đầu tư sửa chữa và xây dựng các công trình cho ngành hiện đang diễn ra với tốc độ rất chậm.
Một trong số đó là việc đầu tư sửa chữa và xây dựng các công trình cho ngành hiện đang diễn ra với tốc độ rất chậm.
|
Từ năm 2008 đến nay, Tây Ninh chỉ thu hút được 5 bác sĩ về làm việc tại tỉnh nhà. Ảnh tư liệu |
(BTN) - Chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm, ngày 21.11 vừa qua, Ban Văn hoá – Xã hội của HĐND tỉnh (Ban VH-XH) có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế về những vấn đề có liên quan.
Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Y tế tại cuộc họp, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện ngành Y tế cũng đang tồn tại không ít khó khăn, hạn chế. Một trong số đó là việc đầu tư sửa chữa và xây dựng các công trình cho ngành hiện đang diễn ra với tốc độ rất chậm. Theo kế hoạch, năm 2012, tổng vốn của địa phương dành cho xây dựng, sửa chữa các công trình này là 51 tỷ đồng. Tuy nhiên cho đến đầu tháng 11, chỉ mới giải ngân được 3,7 tỷ đồng (7,25%). Riêng nguồn vốn do Trung ương hỗ trợ có mục tiêu năm 2012 là 12 tỷ chưa được thực hiện, chưa giải ngân được đồng nào. Không chỉ trong xây dựng cơ sở vật chất, tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế cũng bị chậm. Một số chương trình như dự án truyền thông y tế học đường, dự án phòng chống tăng huyết áp, dự án chống đái tháo đường, dự án phòng chống lao… tỷ lệ giải ngân đều đạt thấp. Đặc biệt, dự án bảo vệ sức khoẻ cộng đồng năm 2012 có tổng số vốn đầu tư gần 500 triệu đồng nhưng đến cuối tháng 10 vừa qua, chỉ giải ngân được… 19 triệu đồng. Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế, từ nay đến hết năm sẽ sử dụng hết số kinh phí này (?).
Một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, phòng chống HIV/AIDS, dân số và kế hoạch hoá gia đình cũng chậm thực hiện. Rất nhiều dự án trong các chương trình này hiện chưa giải ngân được, thậm chí, ngân sách năm 2011 chuyển sang cũng chưa dùng hết. Có thể đơn cử: Dự án tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho đến nay mới chỉ giải ngân được chưa đến 40%. Theo giải thích, dự án này thường được thực hiện vào cuối năm- thời điểm cận Tết Nguyên đán thường nảy sinh nhiều vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm. Dự án phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua đường thực phẩm cũng chỉ mới sử dụng hơn 40% kinh phí theo kế hoạch.
Trong số các chương trình mục tiêu quốc gia bị chậm tiến độ thực hiện, có 9 dự án thuộc chương trình quốc gia về Dân số và Kế hoạch hoá gia đình. Số liệu do Sở Y tế công bố cho thấy, hầu hết các dự án thuộc chương trình này đang “đóng băng”. Chẳng hạn, dự án truyền thông chuyển đổi hành vi cho đến thời điểm cuối tháng 10 chưa giải ngân được đồng nào. Điều đáng nói là khoản kinh phí dành cho dự án này được chuyển từ năm 2011 sang hiện vẫn… còn nguyên. Tương tự, hơn 1,5 tỷ đồng chuyển từ năm 2011 sang năm 2012 dành cho dự án nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, đến nay tỷ lệ giải ngân là… 0%. Các dự án còn lại như dự án nâng cao chất lượng thông tin quản lý chuyên ngành Dân số và Kế hoạch hoá gia đình; dự án thử nghiệm mở rộng một số mô hình, giải pháp can thiệp, góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam- nâng cao chất lượng giống nòi và nhiều dự án khác nữa cũng chưa giải ngân được đồng nào. Theo tính toán của ngành Y tế, từ nay đến hết năm (tức chỉ còn hơn 1 tháng nữa) sẽ sử dụng hết kinh phí của các dự án vừa kể trên!
Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục- đào tạo nhân lực cho ngành Y tế có một dự án. Đó là dự án tăng cường cơ sở vật chất trường học với tổng số vốn đầu tư ba tỷ đồng. Dự án này do Trường Trung cấp Y tế làm chủ đầu tư, hiện đang tổ chức đấu thầu. Toàn bộ số vốn này là của năm 2011 chuyển sang.
Trong lĩnh vực đào tạo và thu hút nhân lực cho ngành Y tế, về cơ bản chưa có gì thay đổi, vẫn là tình trạng muôn thuở: Đội ngũ bác sĩ vẫn “về ít, đi nhiều”. Từ năm 2008 đến nay, Tây Ninh chỉ thu hút được 5 bác sĩ về làm việc tại tỉnh nhà (gồm có 3 bác sĩ chuyên khoa cấp I và 2 bác sĩ đa khoa hệ chính quy đến công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Số bác sĩ bỏ việc tính từ năm 2008 đến cuối năm 2011 là 38 người. Trước tình hình thu hút nhân lực quá “hắt hiu” ấy, ngành Y tế đã chủ động đưa người tại chỗ đi đào tạo bác sĩ theo loại hình không chính quy. Trong khoảng thời gian kể trên, có 129 người được đưa đi đào tạo bác sĩ theo hình thức này. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức đào tạo bác sĩ theo địa chỉ hệ chính quy (gồm bác sĩ Đa khoa, bác sĩ Y học cổ tuyền, bác sĩ Răng Hàm Mặt, Dược sĩ…).
|
Một ca mổ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh với sự hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn của y, bác sĩ đến từ thành phố Hồ Chí Minh. |
Theo nhận định của Sở Y tế, chính sách thu hút bác sĩ cho ngành Y Tây Ninh đạt kết quả thấp một phần là do mức đãi ngộ thấp, thấp hơn nhiều lần so với các tỉnh thành trong khu vực Đông Nam bộ. Mặt khác, chính sách tiền lương, phụ cấp dành cho bác sĩ trong hệ thống y tế công lập hiện quá chênh lệch so với khu vực ngoài công lập nên khó giữ chân bác sĩ giỏi. Vì vậy, đã đến lúc tỉnh cần xem xét lại chính sách đào tạo và đặc biệt là chính sách thu hút nhân lực cho ngành Y tế.
Trong tình hình chung còn nhiều hạn chế, khó khăn, công tác xã hội hoá các dịch vụ y tế được đánh giá là có khởi sắc. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cho ra đời Khoa Điều trị dịch vụ theo yêu cầu với một số trang thiết bị y tế hiện đại do chính cán bộ, nhân viên bệnh viện đóng góp. Bệnh viện cũng đã mời được một số bác sĩ giỏi ở thành phố Hồ Chí Minh đến chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ chuyên môn của tỉnh nhà. Một số cơ sở y tế tuyến huyện như Gò Dầu, Trảng Bàng đã chủ động liên kết, hợp tác với các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, hệ thống y tế ngoài công lập ở Tây Ninh cũng bắt đầu có bước chuyển động đáng ghi nhận. Ngoài Bệnh viện Đa khoa tư nhân Cao Văn Chí đã có, hiện nay Bệnh viện Đa khoa tư nhân Lê Ngọc Tùng với 35 giường bệnh cũng đang được xây dựng ở Thị xã. Theo số liệu, toàn tỉnh có gần 1.300 người được cấp chứng chỉ hành nghề Y Dược tư nhân.
Xung quanh những vấn đề “nóng” của ngành Y tế, nhiều đại biểu trong Ban VH-XH tỏ ra bức xúc, đề nghị lãnh đạo Sở Y tế phải thật sự quyết liệt trong việc giải ngân cho các dự án, bởi nguồn vốn dành cho các dự án đang tồn đọng quá nhiều.
VIỆT ĐÔNG