BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thực trạng các dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp: Kẻ làm không hết, người lần chẳng ra (kỳ 2)

Cập nhật ngày: 08/10/2010 - 10:21

Bài liên quan:

>> Thực trạng các dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp:

Kẻ làm không hết, người lần chẳng ra (kỳ 1)

Công ty TNHH Tam Hiệp được giao gần 330 ha đất để “Trồng, chế biến rau sạch và các loại cây nông sản khác…” nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy “rau sạch”. Công ty Phát triển Nông nghiệp nhận gần 50 ha đất đăng ký “trồng và chế biến các loại rau, quả xuất khẩu. Đồng thời được trồng, gia công, chế biến các sản phẩm từ quả nhãn để xuất khẩu”. Tuy nhiên, phần lớn đất lại bỏ hoang hoặc cho thuê làm bãi phơi xác mì…

Trồng rau mà chẳng thấy rau

Trụ sở Công ty Tam Hiệp tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu

Tháng 12.1996, Công ty TNHH nông công nghiệp Tam Hiệp (gọi tắt là Công ty Tam Hiệp, 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc và Nhật Bản) được Bộ Kế hoạch- Đầu tư cấp giấy phép đầu tư với vốn đăng ký 4 triệu USD (tương đương 64 tỷ đồng tại thời điểm này) để “trồng, chế biến rau sạch và các loại cây nông sản khác”. Công ty Tam Hiệp được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cho thuê 1.000ha đất tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Sau một thời gian dài loay hoay trồng “thử nghiệm” một số loại cây như đậu, bí đao, bí rợ, dưa leo... bản xứ và một số loại cây nhập từ nước ngoài nhưng đều thất bại.

 Cuối năm 2000, Công ty chuyển sang trồng… mía. Tháng 4.2001, Công ty Tam Hiệp ký hợp đồng trồng 800 ha mía với Nhà máy đường Tây Ninh. Công ty trồng được khoảng gần 200ha thì cơ quan chức năng tỉnh phát hiện việc Công ty không thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép đầu tư. Tháng 3.2002, UBND tỉnh có công văn yêu cầu Công ty Tam Hiệp thanh lý hợp đồng cung cấp mía cho Nhà máy đường Tây Ninh và xin phép Bộ KH-ĐT về việc này. Nếu được Bộ chấp thuận, Công ty mới tiến hành các thủ tục cần thiết để hợp đồng trồng mía với nhà máy. Sau đó, Công ty Tam Hiệp chuyển sang trồng cây kenaf trên một phần diện tích được giao. Đến giữa năm 2004, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành văn bản thu hồi một phần diện tích đất của Công ty Tam Hiệp. Tại Quyết định số 183/QĐ-CT của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, do vi phạm về việc quản lý, sử dụng đất nên Công ty Tam Hiệp bị thu hồi 715,27ha. Cụ thể, Công ty đã sử dụng đất không đúng mục đích được giao, “bỏ hoang” một phần khá lớn diện tích đất sản xuất. Tại thời điểm này, có khoảng 500 ha đất được Công ty Tam Hiệp trồng mía và cây kenaf. Công ty Tam Hiệp đã “kêu oan” về việc bị UBND tỉnh thu hồi đất, tuy nhiên, một thời gian sau đó Công ty cũng đã chấp hành chủ trương thu hồi đất của UBND tỉnh.

Đến ngày 26.6.2009, qua hai lần điều chỉnh, một lần đăng ký lại, Công ty Tam Hiệp được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư (thay đổi lần thứ nhất) dự án “Trồng, chế biến rau sạch và các loại cây nông sản khác; trồng, chế biến và kinh doanh các sản phẩm cây kenaf (đay) như sơ sợi, lõi, lá, hoa… và nhập khẩu nguyên liệu sơ sợi đay”. Thời hạn thực hiện dự án là 20 năm (kể từ ngày 10.12.1996), tổng vốn đầu tư đăng ký là 64 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng là 329,44 ha. Mục tiêu của dự án này là sản xuất 12.000 tấn cây kenaf tươi mỗi năm; sản xuất chế biến tương đương 1.440 tấn sợi đay/năm và 2.169 tấn lõi cây đay/năm. Tất nhiên, Công ty cũng nhận được nhiều ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Gần đây, qua làm việc với Công ty, cơ quan chức năng được báo cáo cho biết: Trong năm 2009, Công ty Tam Hiệp có 38 lao động (2 người nước ngoài). Doanh thu Công ty thu được trong năm trên 1,8 tỷ đồng từ việc bán… lá cây kenaf. Công ty đã nộp thuế thu nhập cá nhân được gần… 3 triệu đồng (?!) và tiền thuê đất gần 128,2 triệu đồng. So với những nội dung đã đăng ký và được UBND tỉnh chấp thuận trong giấy chứng nhận đầu tư, công ty không thực hiện việc trồng rau sạch và các loại cây nông sản khác. Theo nội dung đăng ký đầu tư, Công ty sẽ trồng 238 ha cây kenaf. Tuy nhiên, trong năm 2009, Công ty chỉ trồng được… 10 ha.

Một vị Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết nhân dân và chính quyền địa phương rất bức xúc trước thực trạng đầu tư lãng phí tài nguyên đất của Công ty Tam Hiệp trong thời gian qua. Cử tri và chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại tính khả thi, tính hiệu quả của dự án này.

Cây kenaf, cây tràm trồng trong khuôn viên Công ty Tam Hiệp

Lãng phí đất và gây ô nhiễm môi trường

Một cái tên khác rất “quen thuộc” trong “làng” những công ty, dự án đầu tư nông nghiệp kém hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên đất là Công ty Phát triển Nông nghiệp Tây Ninh. Mặc dù có cái tên rất… “vĩ mô” nhưng trong nhiều năm qua, kể từ khi được giao đất thực hiện dự án đến nay, Công ty này chỉ “phát triển” được mỗi việc là biến đất nông nghiệp thành… bãi phơi xác mì (!?).

Tháng 3.1995, Công ty Tay Ninh Agriculture Development Corporation (tên tiếng Việt là Công ty Phát triển Nông nghiệp Tây Ninh, 100% vốn nước ngoài) được cấp phép đầu tư trong lĩnh vực trồng và chế biến các loại rau, quả xuất khẩu. Công ty này có vốn đầu tư 1,1 triệu USD, trụ sở đặt tại xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, thời hạn hoạt động là 20 năm kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư. Giấy phép đầu cũng nêu rõ: 90% sản phẩm của Công ty Phát triển Nông nghiệp (PTNN) Tây Ninh làm ra để xuất khẩu, số còn lại được phép tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Công ty có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất với mức 200 USD/ha/năm… đồng thời được ưu đãi đầu tư theo quy định. Đến năm 2001, Công ty bổ sung vào mục tiêu hoạt động “trồng và chế biến các loại rau, quả xuất khẩu. Đồng thời được trồng, gia công, chế biến các sản phẩm từ quả nhãn để xuất khẩu”.

Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện dự án, trên gần 50 ha đất được giao cho Công ty PTNN Tây Ninh vẫn chưa thấy “xuất hiện” nhà máy “chế biến rau quả và các sản phẩm khác từ nhãn để xuất khẩu”. Ngoài ra, Công ty này cũng đã “đầu tư” được một số loại cây trồng như: trồng được một số đu đủ, vài vụ trầu, cau, ớt, măng tây, rau dền, nhàu… trên một phần diện tích khoảng… 2 ha; đào hơn 10 ao cá (nhưng không nuôi và nhiều người vẫn nhớ rằng trước đây nó từng được dùng để chứa chất thải của nhà máy Vedan bên Đồng Nai) và trồng… tràm (khoảng 11 ha); xây chuồng heo khoảng 0,5 ha. Công ty đã trồng khoảng 22 ha nhãn nhưng theo người dân địa phương, do không được chăm sóc đúng cách nên nhãn rất xấu và Công ty hầu như đã bỏ hoang vài năm nay. Khoảng 3 năm nay, Công ty này cho thuê 11 ha đất để… phơi xác mì, gây ô nhiễm môi trường, nước mì thải thẩm thấu làm hư đất trồng, gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm khu vực hồ Dầu Tiếng. Công ty cũng bỏ hoang khoảng hơn 2,5 ha trong nhiều năm qua. Từ năm 1996 đến cuối năm 2007, Công ty PTNN còn nợ tiền thuê đất 123.750 USD và các loại thuế như thuế môn bài (15 triệu đồng), thuế giá trị gia tăng (gần 45 triệu), thuế thu nhập doanh nghiệp (trên 50 triệu đồng). Tính riêng trong năm 2009, Công ty chỉ trả tiền thuê đất được trên 88 triệu đồng và đóng thuế môn bài được 3 triệu đồng. Công ty báo cáo cho biết, trong năm 2009, doanh thu của Công ty là con số… 0!

Tháng 4.2008, UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo: Công ty PTNN Tây Ninh hoạt động kém hiệu quả, không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước nên thống nhất thu hồi phần diện tích đầu tư không đúng mục tiêu… Đồng ý cho nhà đầu tư này chọn đối tác để sang nhượng lại dự án hoặc Nhà nước giới thiệu đối tác cho Nhà đầu tư để thoả thuận sang nhượng. Trong thời gian 3 tháng kể từ khi có thông báo này, nếu nhà đầu tư không tìm được đối tác hoặc không thoả thuận được việc sang nhượng thì Nhà nước sẽ áp dụng hình thức thu hồi phần diện tích đất được sử dụng không đúng mục tiêu hoạt động, đồng thời định giá hoàn trả phần chi phí mà nhà đầu tư đã bỏ ra theo đúng thủ tục quy định.

Trong 15 năm qua, các cơ quan chức năng đã nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành làm việc với Công ty, yêu cầu Công ty khắc phục những tồn tại, sử dụng đất đúng mục đích, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính pháp luật Việt Nam quy định... Ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng đã không ít lần kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét thu hồi diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, bỏ lãng phí. Thế nhưng mới đây, trao đổi với phóng viên, một cán bộ UBND xã Phước Minh bức xúc cho biết: Tình trạng bao năm qua của Công ty PTNN vẫn chưa có gì thay đổi. Người dân vẫn hay than phiền về việc phơi xác mì ở Công ty này!

BẢO TÂM

(còn tiếp)